Phó Chủ tịch Hội Việt – Nga Nguyễn Hồng Vinh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga
Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (07/11/1917 - 07/11/2017) được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.
Tới dự Lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan, ban ngành và các tổ chức nhân dân.
Lễ kỷ niệm bắt đầu bằng chương trình biểu diễn nghệ thuật với những ca khúc, điệu múa về nước Nga, về lãnh tụ Lênin. Ngay sau đó là phần diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Trong lịch sử loài người, chưa có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn, sâu xa như thế. Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra thời đại mới cho lịch sử nhân loại. Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới, phá tan một mảng lớn trong hệ thống Chủ nghĩa Tư bản đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, những tiên đoán của các nhà sáng lập Chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực trên 1/6 địa cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người lao động đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một nhà nước kiểu mới với hình thức các Xô Viết đã hình thành và được Vladimir Lênin đánh giá là chế độ dân chủ ở mức cao nhất cho nông dân và công nhân - một chế độ dân chủ kiểu mới”.
Tiếp sau phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, phát biểu cảm nghĩ và bày tỏ tri ân tới nước Nga thay mặt đại diện cho những người Việt Nam đã từng học tập, nghiên cứu, làm việc, công tác tại Liên bang Nga.
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của ông Nguyễn Hồng Vinh tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga:
- Kính thưa các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!
- Thưa các vị khách quý!
- Thưa các đồng chí và các bạn!
Vào thời khắc có ý nghĩa đặc biệt này, tôi cảm thấy vinh hạnh được Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm cho phép phát biểu đôi điều cảm nghĩ của cá nhân thuộc lớp người chào đời đúng vào năm Hồng quân và nhân dân Liên Xô anh hùng đẩy lui cuộc tiến công tàn bạo của chủ nghĩa phát xít Đức, góp công sức quyết định cứu loài người khỏi thảm hoạ diệt vong. Đó cũng là những tháng năm dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta đã chớp thời cơ, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945. Là lớp người ngay từ buổi đầu được hưởng nền giáo dục của chế độ mới, chúng tôi ngày càng thấm sâu và biết ơn Cách mạng Tháng Mười; nếu không có Cách mạng Tháng Mười Nga thì không có Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam; nếu không có những thành tựu to lớn của nhân dân Xô Viết trong hơn 7 thập niên xây dựng chủ nghĩa xã hội; không có sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì thế hệ chúng tôi không có may mắn được đặt chân tới quê hương của Cách mạng Tháng Mười – đất nước của Lênin vĩ đại để học tập và nghiên cứu, tiếp nhận những tri thức và những kỹ thuật tiên tiến, trở thành những cán bộ đã và đang đóng góp tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế hôm nay.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Nhân ngày lễ trọng đại này, cho phép tôi được thay mặt Hội hữu nghị Việt – Nga và những người đã từng được học tập, công tác ở Liên Xô trước đây cũng như ở Liên bang Nga ngày nay bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm thiết thực và toàn diện của Đảng, Nhà nước Việt Nam, ngay trong những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, với tầm nhìn chiến lược, đã lần lượt cử hàng ngàn, hàng vạn người sang học ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có tri thức, có tay nghề cao để phục vụ công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Với sự giúp đỡ hết lòng bằng tình cảm quý mến, trân trọng của nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga dành cho Việt Nam, mỗi sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh… đã tiếp nhận được khối lượng lớn tri thức tiên tiến và kỹ năng thao tác nghề nghiệp trong mọi lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hoá, giáo dục đến an ninh- quốc phòng, v.v… Điều đáng mừng và cũng là niềm tự hào là, trong số hàng ngàn, hàng vạn con người được tiếp nhận tri thức và tình cảm ấy, có nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của đất nước; hàng trăm giáo sư, tiến sĩ đã và đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các ngành khoa học mũi nhọn của quốc gia… Trở thành một công dân có ích cho Tổ quốc, mỗi chúng tôi luôn khắc ghi trong ký ức đời mình những tình cảm sâu nặng của các cô giáo, thầy giáo Liên Xô đã coi chúng tôi như những đứa con, đứa cháu thân thiết trong gia đình, nhường cơm, sẻ áo, chăm lo cả về vật chất và tinh thần, làm tất cả những gì có thể làm vì học sinh Việt Nam thân yêu. Chúng tôi tâm đắc câu ngạn ngữ sâu sắc của người Nga: Trong hoạn nạn, khổ đau, con người càng hiểu nhau và thương nhau hết thẩy! Cách đây 10 năm, đúng dịp kỷ niệm 90 năm cách mạng Tháng Mười, cũng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia này, đã diễn ra cuộc gặp mặt vô cùng xúc động với chủ đề “Thầy trò Xô – Việt”, làm nhiều người rơi lệ, nhất là khi nghe lời tâm sự của một giáo sư vào tuổi 80 đã ngồi gần 4 tiếng đồng hồ chứng kiến những câu chuyện nghĩa tình giữa thầy trò hai nước; sau đó phát biểu rằng: “Không có một đất nước nào trên thế giới có được những cuộc gặp mặt cảm động như thế này! Không ở đâu có tình nghĩa thầy trò sâu nặng như thầy trò Xô – Việt”… Một câu chuyện cảm động mới diễn ra cách đây một tháng, đó là chuyến “về nguồn” của một số sinh viên cũ của Trường Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Lômônôxốp. Họ đã đến thăm trường và thầy giáo cũ ở tuổi 90, hai chân không còn đứng vững, nhưng trí tuệ thầy vẫn minh mẫn dặn lại học trò của mình rằng: “Có lẽ đây là lần gặp cuối cùng của thầy với sinh viên Việt Nam mà thầy đã dạy 40 năm trước. Thầy chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Thầy rất vui khi biết các em đang là những cán bộ nòng cốt, tích cực đóng góp cho sự nghiệp đổi mới đáng tự hào của Việt Nam trong hơn 30 năm qua; mong các em sẽ mãi là nhịp cầu hữu nghị, nối dài tình cảm cao đẹp vốn có giữa hai dân tộc Việt - Nga.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo,
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Dù thế giới đang có nhiều đổi thay, nhưng trong ký ức và tình cảm của chúng tôi, vẫn vẹn nguyên tình yêu Cách mạng Tháng Mười, tình yêu đất nước của V.I. Lê-nin vĩ đại, nơi có bao sự kiện lịch sử hào hùng, có đêm trắng kỳ diệu trên sông Nê-va thơ mộng; nơi mà những giai điệu Nga trữ tình và đằm thắm đã vang vang trong tâm hồn những người lính Cụ Hồ vượt Trường Sơn vào trận năm nào để làm nên một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ!”. Và hôm nay, còn rất nhiều lớp người, trong đó có không ít bạn trẻ dù chưa có điều kiện đến thăm nước Nga, vẫn đắm say hát vang những bài ca tràn đầy tình yêu và sự sống, như Tuổi trẻ sôi nổi, Cây thuỳ dương, Đôi bờ, Ca-chiu-sa, Chiều Mát-xcơ-va, Triệu bông hồng… Chúng tôi coi đó là một trong những động lực tinh thần quý báu để nuôi dưỡng lý tưởng Cách mạng Tháng Mười, bồi đắp tình yêu nước Nga và nhân dân Nga dù đang gặp nhiều gian khó vẫn dành sự giúp đỡ và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cũng chính là kiên định lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười, thế hệ chúng tôi và các thế hệ tiếp sau nguyện góp sức tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân vun đắp cây hữu nghị Việt – Xô, Việt – Nga xanh tươi, bền gốc , đồng lòng chung sức thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga lên tầm cao mới.
Xin trân trọng cảm ơn!