Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Tuấn Việt
Buổi toạ đàm có sự tham gia của ông Phạm Tuấn Phan, nguyên Chủ tịch Ủy hội sông Mê Công quốc tế; ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; bà Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao; bà Tô Minh Thu – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao – Học viện ngoại giao… cùng với các thành viên Quỹ.
Theo ông Đoàn Xuân Hưng, Phó Chủ tịch Quỹ cho biết, vấn đề Mê Công là vấn đề lớn không chỉ với Đồng bằng sông Cửu Long, với Việt Nam, mà còn được thế giới quan tâm khi liên quan đến vấn đề phát triển và an ninh. Theo Phó Chủ tịch Quỹ, buổi toạ đàm là để hiểu, nhận diện về tổng thể vấn đề sông Mê Công, từ đó, Quỹ Hoà bình và Phát triển có thể tham mưu, đóng góp ý kiến trong thời gian tới.
Tại buổi toạ đàm các diễn giả đã chia sẻ về các vấn đề liên quan tới Mê Công như nhận thức của công chúng, hợp tác tiểu vùng, hợp tác quốc tế, an ninh nguồn nước Mê Công; những tác động đến Việt Nam, từ đó gợi ý về sự tham gia của Quỹ về các vấn đề Mê Công.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Tuấn Phan cho rằng, nhận thức về Mê Công và các vấn đề trong hợp tác Mê Công còn nhiều cách hiểu chưa chuẩn xác, đôi chỗ còn quá nhấn mạnh đến các nguy cơ mà chưa coi trọng góc độ hợp tác. Theo ông, đây là một khu vực tiềm năng, các quốc gia nên tăng cường hợp tác để tận dụng lợi thế, cùng phát triển vì sự thịnh vượng chung.
Bà Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương đã trình bày về các cơ chế và hiệu quả hợp tác trong khu vực Mê Công. Bà Trần Bảo Ngọc cho rằng, bên cạnh kênh chính thức, kênh nhân dân có vai trò quan trọng trong vấn đề Mê Công.
Bà Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Tuấn Việt
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, hiện nay, lòng tin giữa các nước Mê Công còn chưa cao, điều này cản trở hiệu quả trong việc hợp tác Mê Công. Do đó, kênh đối ngoại nhân dân sẽ đóng vai trò quan trọng để tăng cường hơn nữa lòng tin, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước với nhau.
Ngoài ra, cần thông qua hợp tác giữa các tổ chức trong nước với các tổ chức quốc tế để tăng cường nghiên cứu, từ đó có thêm tiếng nói bên ngoài, có thêm các thông tin trong quá trình xây dựng chính sách, trong các vấn đề kinh tế xã hội của khu vực.
Bà Tô Minh Thu – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao – Học viện Ngoại giao cho rằng: hiện nay, lượng thông tin về vấn đề Mê Công còn rất ít. Hy vọng, Quỹ có những sáng kiến huy động, tập hợp nguồn lực tri thức nghiên cứu ở trong nước, đặc biệt là ở TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ… để có những công trình nghiên cứu, bài viết khoa học về Mê Công.
Ông Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam kết luận toạ đàm. Ảnh: Tuấn Việt
Kết luận tọa đàm, ông Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam đã ghi nhận những kinh nghiệm quốc tế, những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu. Chủ tịch Hà Hùng Cường cho biết, thời gian tới, với vai trò, trách nhiệm của đơn vị, Quỹ sẽ tăng cường tham gia với các bộ, ngành trong vấn đề Mê Công.
NN t/h theo Tạp chí Thời đại