Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (bên phải) và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải (bên trái). (Ảnh: TTXVN) |
Tại cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải đã trình bày các cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong phần trình bày của mình, ông Trần Duy Hải đã nhắc đến việc Trung Quốc trong thời gian gần đây cho rằng, Việt Nam đã thừa nhận một cách chính thức chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa bằng viện dẫn sai lệch đến công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đã khẳng định rằng, công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan của Việt Nam tôn trọng giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
Việc công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng phù hợp với thực tế lúc đó là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17, tức là thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa và được Pháp chuyển giao trên thực tế vào năm 1956 phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tính pháp lý của công thư mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai, ông Trần Duy Hải đã trả lời: “Trước hết, tôi xin khẳng định, công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một văn bản ngoại giao. Công thư này có giá trị pháp lý về những vấn đề được nêu ra trong nội dung của công thư. Đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong công thư này không có đề cập đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ cũng như là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó, nó đương nhiên không có giá trị pháp lý đối với hai vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa”.
“Điểm thứ hai là chúng ta phải đặt trong bối cảnh cụ thể, khi công thư này gửi cho Trung Quốc thì lúc bấy giờ, như tôi đã giới thiệu, Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo hiệp định Geneva năm 1954 mà Trung Quốc là một bên tham gia. Do đó, nói theo logic thông thường là, bạn không thể cho người khác một cái gì mà mình chưa có được. Ý của tôi ở đây là muốn khẳng định, công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị gì đối với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam" như Trung Quốc xuyên tạc, ông Trần Duy Hải khẳng định.
Cũng tại cuộc họp báo chiều nay, phóng viên đã đề nghị ông Trần Duy Hải bình luận về bài trả lời phỏng vấn gần đây của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ với hãng tin CNN. Trong cuộc phỏng vấn đó, Đại sứ Trung Quốc đã nói 3 điều. Cụ thể, thứ nhất, Trung Quốc cho rằng địa điểm mà họ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách đảo Tri Tôn 17 hải lý, cách bờ biển Việt Nam hơn 150 hải lý. Thứ hai, Việt Nam có hơn 30 giàn khoan đang hoạt động ở khu vực tranh chấp trong khi Trung Quốc chỉ có 1 giàn khoan ở khu vực không tranh chấp. Thứ ba, Trung Quốc nói họ chỉ có tàu dân sự trong khu vực giàn khoan còn Việt Nam điều tàu chiến có vũ trang đến khu vực này.
Trả lời câu hỏi trên, ông Trần Duy Hải đã thẳng thừng bác bỏ những điểm mà Đại sứ Trung Quốc đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN nói trên.
“Tôi xin khẳng định, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa thực ra là một bãi đá và dù có thế nào thì theo luật pháp quốc tế nó cũng không thể có vùng biển vượt quá 12 hải lý theo quy định của luật pháp quốc tế. Giàn khoan của Trung Quốc đã hoạt động ở khu vực cách đảo Tri Tôn là 17 hải lý, do đó, không thể nói nó thuộc quần đảo Hoàng Sa được. Điều quan trọng hơn mà tôi muốn nhấn mạnh là dù có thế nào, dù khu vực hạ đặt giàn khoan có thuộc quần đảo Hoàng Sa đi chăng nữa thì nó vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam bởi vì như tôi đã nêu, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy, bất luận như thế nào, xét từ bất kỳ khía cạnh pháp lý nào thì việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 ở đó đều là bất hợp pháp, đều vi phạm chủ quyền Việt Nam”.
Về các hoạt động dầu khí, ông Trần Duy Hải cho biết, ông và ông Đỗ Văn Hậun - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đều đã khẳng định rất rõ ràng rằng, tất cả hoạt động dầu khí của Việt Nam hiện nay đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Liên quan đến cáo buộc của Trung Quốc về việc Việt Nam đưa tàu chiến đến khu vực giàn khoan của họ, ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho hay: “Đồng thời với việc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã đưa các tàu chiến đấu, tàu chấp pháp và tàu dịch vụ vào vùng biển này để bảo vệ giàn khoan 981. Về tàu chiến, Trung Quốc có 5 loại tàu. Những tàu này đã bị chúng tôi theo dõi và ghi lại được số hiệu. Chúng tôi xin thông báo với các bạn đầy đủ thông tin về các loại tàu này. Thứ nhất là tàu vận tải đổ bộ có lượng giãn nước khoảng 17.000 tấn, có 8 ống phóng tên lửa phòng không, một bệ pháo 76 ly và có thể chở được nhiều quân cũng như các thiết bị, vũ khí khác. Tiếp đó là các loại tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh, tàu tuần tiễu săn ngầm và tàu khu trục tên lửa. Đây là những tàu mà chúng tôi đều đã ghi lại được các số hiệu và hình ảnh".
Về phía Việt Nam, “chúng tôi chỉ đưa ra một lượng tàu hạn chế thuộc lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư. Việt Nam hoàn toàn không có tàu chiến ở khu vực này. Phóng viên Việt Nam cũng như nước ngoài có mặt tại hiện trường đều có thể khẳng định sự đúng sai của thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra”, ông Ngô Ngọc Thu nhấn mạnh.