Đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết trong năm 2015, Việt Nam sẽ triển khai một bệnh viện dã chiến cấp 2 và một đại đội công binh đến phái bộ Nam Sudan.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ tin tưởng hai người lính mũ nồi xanh đầu tiên của Việt Nam sẽ “không chỉ là những người lính hòa bình của Liên Hiệp Quốc mà còn là sứ giả của dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, luôn hết lòng vì đại nghĩa, sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân và nhân loại”.
Trả lời Tuổi Trẻ về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Trung tâm gìn giữ hòa bình, trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - nói:
- Việc thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định việc chúng ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Điều này rất có lợi cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, góp phần thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; thể hiện Việt Nam là một quốc gia thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh - quốc phòng...
* Việt Nam sẽ tham gia việc gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở lĩnh vực nào, thưa trung tướng?
- Chúng ta chỉ tham gia hoạt động trên lĩnh vực nhân đạo, xây dựng công trình, khắc phục hậu quả chiến tranh như: sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, công binh, quân y. Nói cách khác, ở đâu còn có chiến tranh, còn có lực lượng phải tham chiến thì Việt Nam sẽ không tham gia. Việt Nam cũng không tham gia dưới hình thức gìn giữ hòa bình do một nước hay một nhóm nước tổ chức. Tính chủ động của Việt Nam thể hiện ở chỗ chúng ta chỉ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình do Liên Hiệp Quốc tổ chức với điều kiện là ở đất nước sở tại, các bên từng tham chiến đã đạt được giải pháp hòa bình, mời Liên Hiệp Quốc vào, mong muốn Liên Hiệp Quốc giữ vai trò trung gian duy trì sự ổn định hòa bình cho đất nước họ.
* Có rất nhiều quốc gia cần đến sự hỗ trợ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Tại sao Việt Nam lựa chọn Nam Sudan để cử những sĩ quan đầu tiên đến đó?
- Sau quá trình nghiên cứu rất tỉ mỉ, Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận thấy phái bộ Nam Sudan đáp ứng được điều kiện của mình đặt ra. Ở đó, bên của phó tổng thống và tổng thống đi đến thỏa thuận hòa bình, các bên mong muốn có sự tham gia của Liên Hiệp Quốc. Hiện cũng có nhiều nước đưa quân đến đó. Nam Sudan đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho phái bộ Liên Hiệp Quốc hoạt động trên cương vị trung gian hòa giải, khắc phục khả năng chiến tranh có thể tái diễn hay bùng nổ... Việt Nam quyết định chọn phái bộ này và cử hai sĩ quan liên lạc đi đầu tiên với mục đích nghiên cứu, học tập. Sau sáu tháng chúng ta sẽ thay người khác.
* Hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình được lựa chọn như thế nào?
- Trung tá Mạc Đức Trọng và trung tá Trần Nam Ngạn đều có thời gian dài hơn 10 năm làm trong lĩnh vực đối ngoại quốc phòng. Trung tá Trọng làm về đối ngoại đa phương. Đây là những người được lựa chọn kỹ lưỡng về phẩm chất chính trị tư tưởng, kiến thức về đối ngoại, về gìn giữ hòa bình, được Bộ Quốc phòng trình lên Chủ tịch nước và được phê quyết định cử đi làm nhiệm vụ tại phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan.
* Việc huấn luyện chuẩn bị về con người, lực lượng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sẽ được thực hiện như thế nào, thưa trung tướng?
- Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam có chức năng huấn luyện lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình. Trước khi đi làm nhiệm vụ, sĩ quan sẽ được huấn luyện tại trung tâm trong ba tháng. Còn về chuyên ngành của họ, chẳng hạn như đại đội công binh công trình thì nghiễm nhiên họ phải có kiến thức, chuyên môn về công binh công trình. Trung tâm cũng sẽ huấn luyện về luật pháp quốc tế, những quy định chuẩn mực của phái bộ mà chúng ta cử lực lượng đến phải chấp hành. Sĩ quan của chúng ta có kỷ luật rất cao, phẩm chất tốt nên chúng ta hoàn toàn yên tâm. Đây là những hiện thân điển hình khi giới thiệu, quảng bá với bạn bè thế giới hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” trong mắt bạn bè quốc tế.