Tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ; ông Trịnh Ngọc Thái, Phó Chủ tịch Quỹ; GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện các ban, đơn vị của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các thành viên Quỹ. Về phía khách quốc tế có ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện Viện FES tại Hà Nội; ông Gatot Arya Putra, chuyên gia kinh tế Indonesia; các thành viên Viện FES và bạn bè Đức đang làm việc tại Việt Nam.
Buổi tọa đàm tập trung vào tình hình khủng hoảng hệ thống ngân hàng Indonesia năm 1998, những bài học kinh nghiệm và giải pháp cho hệ thống ngân hàng ở Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Bình, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, một trong những giải pháp Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo điều hành là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. Bà Bình hy vọng, buổi tọa đàm sẽ là cơ hội quý báu để học hỏi kinh nghiệm của Indonesia trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong tình hình khủng hoảng.
Ông Erwin Schweisshelm cho biết, khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu từ tháng 7/1997 ở Thái Lan, rồi ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán của các nước châu Á. Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan là những nước bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi cuộc khủng hoảng này và buộc phải giải quyết một loạt vấn đề nợ xấu. Ông hy vọng, thông qua buổi tọa đàm sẽ tìm ra giải pháp trong việc tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Gatot Arya Putra trình bày vắn tắt về tình hình khủng hoảng hệ thống ngân hàng của Indonesia năm 1998, tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á đến hệ thống ngân hàng Indonesia… Trong giai đoạn khó khăn, Indonesia đã triển khai các biện pháp cấp bách như tuyên bố thả nổi đồng Rupiah, hỗ trợ thanh khoản quy mô lớn cho hệ thống ngân hàng…; và biện pháp dài hạn như thành lập Cơ quan tái cấu trúc ngân hàng ( IBRA) với các chức năng: Quản lý tài sản tín dụng (AMC), Quản lý tài sản đầu tư (AMI), Tái cơ cấu ngân hàng (BRU) nhằm hỗ trợ cho các ngân hàng gặp khó khăn trong thời hạn 5 năm.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái cho biết, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với cả cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập quốc tế. Ông Thái cho rằng, kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh do tín dụng dễ dãi, hiệu quả thấp và hệ thống ngân hàng thương mại yếu kém nên nợ xấu tăng cao. Theo ông Võ Trí Thành, qua kinh nghiệm của Indonesia, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đòi hỏi phải có một kế hoạch đồng bộ, lộ trình thích hợp, áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế và có tầm nhìn chiến lược mang tính dài hạn.
Phần trình bày của các đại biểu đã nhận được sự chia sẻ, tán đồng của những người tham gia tọa đàm. Nhiều ý kiến phát biểu, những câu hỏi liên quan đã được các chuyên gia trao đổi và thảo luận cụ thể./.
Thu Hằng