Ngôi nhà của ông Richard Creagh Schmitt và bà Dabney Schmitt tọa lạc tại tiểu bang Virginia, chỉ cách trung tâm thủ đô Washington chưa đầy 30 phút lái xe, đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người bạn Việt Nam. Ngay từ giây phút đầu tiên gặp ông bà Schmitt, phóng viên đã cảm nhận sự thân thiện, nồng ấm dành cho những người bạn Việt Nam.
Mối cơ duyên với Việt Nam của gia đình ông bà Schmitt bắt đầu từ câu chuyện người con trai lớn của ông bà tên Landon. Năm 1999, Landon lần đầu tiên đến Việt Nam để tham gia một chương trình trao đổi giáo dục. Dù chỉ ở Việt Nam 5 tháng, nhưng Landon đã có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Thời điểm đó, anh theo học tại Đại học Quốc gia Hà Nội và đã có khá nhiều chuyến đi khắp đất nước Việt Nam, từ Tây Nguyên xuống khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đến Sapa, Điện Biên… Sau đó, Landon quay về Mỹ tiếp tục học đại học đến khi tốt nghiệp và được trao học bổng Fulbright một năm để trở lại Hà Nội vào tháng 7/2004. Sau khi học xong chương trình Fulbright, Landon đã quyết định ở lại Việt Nam lâu dài. Tuy nhiên, số phận chỉ cho Landon 5 năm gắn bó với đất nước mà anh yêu quý. Anh đã qua đời vào tháng 6/2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông bà Schmitt trong một lần đến thăm ngôi trường dành cho trẻ khiếm thị ở Quảng Trị (Ảnh cắt từ clip). |
Để tưởng nhớ người con trai đã mất và tiếp nối những điều còn dang dở mà Landon muốn làm tại Việt Nam, ông bà Schmitt đã bắt đầu bằng những công việc thiện nguyện giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Ông bà Schmitt cũng đã đến Việt Nam vài lần trước khi con trai qua đời nên hiểu khá rõ về đất nước Việt Nam. Ông bà đã đến nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam và luôn quan tâm đến công việc mà con trai mình từng làm tại đây. Vào tháng 11/2009, vài tháng sau khi con trai qua đời, ông bà đã bắt đầu công việc thiện nguyện ở Thành phố Hồ Chí Minh, rồi sau đó là Hà Nội. Ông bà Schmitt đặc biệt xúc động khi làm việc với Hội người mù Việt Nam, khi thấy những trẻ em khiếm thị ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị không được đi học. Bà Schmitt đã nói với chồng mình về việc xây trường học cho những đứa trẻ này. Ý tưởng đầu tiên ông bà Schmitt làm cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam này mang ý nghĩa tuyệt vời dành cho Landon. Ông bà đã xây một ngôi trường dành cho 25 trẻ em khiếm thị ở Đông Hà và ngôi trường chính thức đi vào hoạt động năm 2012. Ông Schmitt chia sẻ các em đã được học và có thể trò chuyện bằng tiếng Anh. Ông bà thường nói chuyện với các em qua ứng dụng Skype khoảng 2 tháng một lần. Ông bà đã đến Việt Nam 18 lần, nhưng từ năm 2019 do đại dịch COVID-19 và hạn chế về sức khỏe nên ông bà chưa có dịp trở lại Việt Nam.
Năm 2010, ông bà Schmitt đã thành lập một quỹ hỗ trợ trẻ em Việt Nam mang tên “Quỹ tưởng niệm Landon”. Ngoài những người bạn giúp họ gây quỹ từ ban đầu, ông bà Schmitt đã vận động cả những người hàng xóm, người quen và cả những người bạn của Landon cùng chung tay hỗ trợ những dự án của ông bà ở Việt Nam. Với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính phủ, chính quyền địa phương, giáo viên, những người Việt Nam làm việc cho dự án, đến nay, quỹ đã huy động được gần 850.000 USD tiền mặt cùng hàng trăm món quà bằng hiện vật mỗi năm. “Quỹ tưởng niệm Landon” đã giúp ông bà Schmitt mở rộng thêm các dự án khác tại Việt Nam như: xây dựng được 3 trường mẫu giáo ở những vùng nông thôn hẻo lánh, lắp đặt các thiết bị xử lý nước sạch cho người dân, hỗ trợ các tổ chức trong lĩnh vực chống buôn người ở Việt Nam. Trong những năm gần đây, ông bà Schmitt cũng tham gia nhiều hoạt động cứu trợ COVID-19 ở Việt Nam thông qua các tổ chức từ thiện dành cho trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện ông bà Schmitt đang điều hành một tổ chức từ thiện dành cho trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, với trụ sở chính đặt ở Đà Nẵng, để thực hiện các dự án hỗ trợ giáo dục ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Mục tiêu chính của dự án là giúp các em có tiền mua sách, xây dựng các cơ sở dạy thêm cho các em sau giờ học, xây sân bóng trong trường học để vui chơi và hỗ trợ các em học lên đại học...Ông bà Schmitt luôn quan niệm giáo dục là một phần quan trọng đối với trẻ em Việt Nam, cả giáo dục văn hóa và giáo dục về thể chất.
Ngoài ra, ông Schmitt còn là thành viên của Nhóm khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam từ khi ông còn làm việc tại trường đại học, nên ông cũng quan tâm đến việc hỗ trợ những trẻ em bị ảnh hưởng do chất độc da cam, giúp gia đình của các em có thể nhận được sự trợ giúp y tế và các thiết bị y tế cần thiết như chân tay giả, xe lăn. Dự án này của ông bà Schmitt cũng hỗ trợ các gia đình giảm bớt gánh nặng kinh tế, giúp họ phát triển công việc tại nhà như chăn nuôi gia súc, gia cầm để họ có thể vừa làm tại nhà vừa chăm sóc những đứa con tật nguyền. Dự án này còn có một chương trình gọi là trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, chương trình dành cho những bà mẹ đơn thân có chồng đã qua đời hoặc mất tích, hỗ trợ họ tìm việc làm, đào tạo nghề..., nhằm mục đích giúp con của họ được đến trường. Với triết lý trẻ em càng được giáo dục tốt thì khả năng thoát nghèo càng cao, ông bà mong muốn cung cấp cho trẻ em nền tảng để thành công.
Ông bà Schmitt say sưa kể những câu chuyện về đất nước, con người, về những dự án và những ý tưởng không bao giờ cạn mà ông bà muốn mang đến cho Việt Nam, cho trẻ em Việt Nam. Hiện cả hai ông bà đều đã ngoài 70 tuổi, ông bà vẫn chưa có ý định sẽ dừng công việc mình đang làm, bởi tình yêu với đất nước Việt Nam, cũng như niềm tin người Việt Nam cảm nhận được những gì ông bà đã làm.
Mỗi câu nói, mỗi việc làm của ông bà Schmitt đều chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Nỗi đau mất đi người con trai, tình yêu mà Landon dành cho đất nước và con người Việt Nam chính là nguồn cảm hứng để ông bà vun đắp cho những điều tốt đẹp nhất. Ông bà Schmitt chỉ có một nỗi lo duy nhất, đó là thời gian. Ông bà lo rằng đến tuổi 95 sẽ không thể hoạt động tích cực như hiện tại, nhưng cả hai nguyện sẽ dành cả phần đời còn lại để giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.
Q.Hoa t.h / TTXVN