Tại buổi trao đổi, các khách mời đã giới thiệu về lễ hội té nước ở một số nước thành viên ASEAN. Theo Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura, Songkran (còn gọi là lễ hội té nước) là một trong những lễ hội lớn nhất của xứ sở Chùa Vàng, được tổ chức trên khắp cả nước Thái Lan từ ngày 13-15/4. Ngoài việc làm dịu cái nóng khắc nghiệt ở Thái Lan trong tháng nóng nhất trong năm, Songkran còn là dịp thể hiện sự tôn trọng, tình yêu và lòng biết ơn vào ngày đầu năm theo Phật lịch.
Trong ba ngày diễn ra lễ hội, mỗi ngày lại là một nghi thức đặc biệt: Ngày đầu tiên người dân dành nhiều thời gian dọn dẹp nhà cửa để gói ghém những cái cũ và chờ đón những điều tốt đẹp đến trong năm mới. Ngày thứ hai, mọi người chuẩn bị đồ ăn cho những ngày lễ sắp tới. Ngày cuối cùng của lễ hội được coi là mùng một của năm mới và cũng là ngày Phật đản. Lễ tắm Phật sẽ được tổ chức tại tất cả các ngôi chùa với sự tham gia của đông đảo Phật tử. Mọi Phật tử và du khách đến thăm chùa đều có thể tham gia nghi lễ trên. Sau lễ tắm Phật là lễ hội té nước truyền thống. Đối với người dân Thái Lan, nước tượng trưng cho sự thanh khiết và may mắn và được coi như những lời chúc phúc và tốt đẹp.
Cũng như người Thái, ông Chanthaphone Khammanichanh, Phó Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam cho biết, lễ hội té nước (Bunpimay) là dịp nghỉ lễ được tất cả người dân mong chờ bởi đây là cơ hội để mọi người đều trở về nhà bên người thân và gia đình. Lễ hội thường diễn ra trong ba ngày, từ ngày 14-16/4. Tại Lào, thay cho lời chúc may mắn đầu năm, người dân ở Lào sẽ té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu cho một năm mới ấm no. Vào dịp này, người dân Lào cũng tập trung đến chùa lễ Phật, tắm Phật bằng nước thơm và té nước cho các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa”.
Thứ không thiếu được trong tết Lào là các món ăn, buộc chỉ cổ tay và múa lăm vông, một điệu múa dân gian của Lào rất dễ thực hiện và ai cũng có thể tham gia.
Tết cổ truyền của người dân Myanmar là Thingyan. Té nước là phần đặc trưng nhất của lễ hội này và thường diễn ra vào 4 ngày đầu tiên của kỳ lễ. Theo bà San San Yin, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Myanmar tại Hà Nội, lễ hội té nước hội tụ mọi lứa tuổi, tầng lớp, giới tính tham gia, giúp làm tăng tình đoàn kết dân tộc. Đối với người dân Myanmar, nước tượng trưng cho sự thanh tẩy, thuần khiết sẽ gột rửa hết những bệnh tật, xui xẻo và dơ bẩn của năm vừa qua, chuẩn bị chào đón một năm mới đầy may mắn, mạnh khỏe.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Lễ hội té nước là một trong những niềm tự hào của văn hóa cộng đồng các nước ASEAN. Tại Việt Nam, lễ hội té nước đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa, mà tiêu biểu nhất, xuyên suốt nhất là tính cộng đồng và sự cố kết cộng đồng. Trong bối cảnh đất nước phát triển, hội nhập sâu rộng như hiện nay, giá trị văn hóa tiêu biểu này càng có ý nghĩa to lớn.
Lễ hội té nước ở Việt Nam được tổ chức ở nhiều nơi, trong đó có các tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc, phía Nam có An Giang, Sóc Trăng… Mỗi lần tổ chức, lễ hội thu hút sự tham dự của đông đảo người dân địa phương cũng như du khách trong nước, quốc tế. Lễ hội té nước cũng được đưa vào tour du lịch nhằm đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm cho du khách cũng như tăng sức hấp dẫn cho Việt Nam trong thu hút khách du lịch.
Theo ông Phan Minh Giang, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao): Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan là các quốc gia gần gũi trong cộng đồng ASEAN, có nhiều hoạt động hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong nhiều năm qua, cùng phấn đấu tiến tới một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Giao lưu văn hóa luôn là cầu nối để tăng cường hợp tác và thắt chặt tình hữu nghị của các thành viên ASEAN. Tuy đa dạng, song các nền văn hoá ở khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều điểm chung, làm cơ sở cho sự thống nhất và đoàn kết ASEAN. Đó là điểm đặc trưng khiến cho ASEAN ngày càng phát triển.
Q.Hoa t.h / Thời Đại