Phó Chủ tịch Bạch Ngọc Chiến tiếp bà Natalia Khalturina, Tổng thư ký của RCSCAA (Ảnh: Q.Hoa)
Bà Natalia Khalturina, Tổng thư ký của RCSCAA cho biết mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm tăng cường giao lưu, phối hợp công tác giữa RCSCAA và các đối tác Việt Nam trong đó có Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết và hợp tác Á - Phi - Mỹ La tinh (Ủy ban Việt Nam).
Bà Natalia Khalturina cho biết tôn chỉ, mục đích của RCSCAA là đoàn kết nhân dân Nga và nhân dân các nước Châu Á, Châu Phi, đấu tranh vì nền hòa bình, phi hạt nhân trên thế giới. Hiện tại, RCSCAA đang thực hiện đẩy mạnh việc tạo lập, khôi phục lại quan hệ với các nước, tăng cường các hoạt động ngoại giao nhân dân, đoàn kết với nhân dân các nước.
Phó Chủ tịch Bạch Ngọc Chiến hoan nghênh đoàn đến Việt Nam; bày tỏ vui mừng vì hoạt động của RCSCAA những năm gần đây đã có nhiều thành tựu, luôn là thành viên tích cực của của tổ chức Đoàn kết nhân dân Á-Phi (AAPSO); tin tưởng rằng với sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ, RCSCAA sẽ ngày càng phát triển và phát huy vai trò quan trọng của mình không chỉ ở Nga mà còn trong khu vực và trên thế giới.
Phó Chủ tịch Bạch Ngọc Chiến cũng khẳng định chuyến thăm lần này của đoàn RCSCAA là cơ hội tốt để hai Uỷ ban hai nước tiếp nối và tăng cường quan hệ, Liên hiệp Hữu nghị sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để Ủy ban Việt Nam có những hoạt động tăng cường tình hữu nghị, hợp tác với RCSCAA; đề xuất một số hoạt động có thể triển khai như trao đổi sinh viên, tổ chức các chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam trên đài truyền hình Nga và ngược lại ...
Phó Chủ tịch Bạch Ngọc Chiến tin tưởng rằng trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường hiện nay, hai Uỷ ban sẽ tiếp tục là những thành viên tích cực của AAPSO, tiếp tục phát huy vai trò trong việc động viên và đoàn kết nhân dân trong khu vực Á-Phi-Mỹ Latinh trong cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình và phát triển bền vững.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Q.Hoa)
Tại buổi tiếp, hai bên cũng đã trao đổi thông tin, kinh nghiệm về câc hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và giao lưu văn hóa; cùng khẳng định sẽ nỗ lực, là những thành viên tích cực của AAPSO, tiếp tục phát huy vai trò trong việc động viên và đoàn kết nhân dân trong khu vực Á-Phi-Mỹ Latinh trong cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình và phát triển bền vững.
Q.Hoa
Một số thông tin về Uỷ ban Đoàn kết và Hợp tác với các dân tộc châu Á và châu Phi của Nga (RCSCAA)
I. Lịch sử ra đời:
Ủy ban đoàn kết và hợp tác với các dân tộc châu Á và châu Phi của Nga (RCSCAA) là tổ chức kế thừa của Ủy ban đoàn kết của Liên Xô với các quốc gia châu Á và châu Phi (thành lập năm 1956) và là thành viên của tổ chức Đoàn kết nhân dân Á-Phi (AAPSO) (thành lập vào tháng 1 năm 1957) với trụ sở (kể từ thời điểm đó cho đến ngày nay) tại thủ đô của Cộng hòa Ả Rập Ai Cập - Cairo.
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang của Liên bang Liên bang Nga, Iliyas Magomed-Salamovich Umakhanov là Chủ tịch RCSCAA. Ông Umakhanov cũng đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch của AAPSO vào năm 2016.
RCSCAA có 45 văn phòng đai diện tại 45 khu vực của Liên Bang Nga. Mục tiêu chính của RCSCAA, là tăng cường sự tôn trọng, tin tưởng và đoàn kết lẫn nhau đồng thời phát triển và duy trì mối quan hệ và hợp tác toàn diện giữa các dân tộc Liên bang Nga và các quốc gia châu Á và châu Phi.
II. Mục tiêu hoạt động:
1. Thúc đẩy và tăng cường sự tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng và đoàn kết giữa các dân tộc Liên bang Nga và các quốc gia châu Á và châu Phi; góp phần giải quyết hòa bình giữa các quốc gia, lãnh thổ, tôn giáo và các xung đột khác phát sinh giữa họ.
2. Phát triển hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và chính phủ, các phong trào và hiệp hội dân chủ ở các quốc gia châu Á và châu Phi cũng như các quốc gia khác.
3. Thúc đẩy quyền con người và bảo vệ tự do dân sự, dân chủ, tự do lương tâm và báo chí, bảo vệ xã hội, chấp nhận lẫn nhau và tương tác mang tính xây dựng giữa các tôn giáo và văn hóa, tình hữu nghị và đoàn kết giữa các dân tộc ở Liên bang Nga và Châu Á và Châu Phi hạnh phúc và thịnh vượng.
4. Thúc đẩy hợp tác kinh tế, khoa học- công nghệ và văn hóa quốc tế cùng có lợi, với sự tham gia đầy đủ của xã hội Nga.
5. Hỗ trợ thực hiện chính sách đối ngoại của Liên bang Nga nhằm phát triển mối quan hệ toàn diện và hợp tác cùng có lợi giữa Liên bang Nga và các quốc gia châu Á và châu Phi.
6. Hỗ trợ cho sự nghiệp hòa bình và giải giáp, góp phần ngăn chặn và xóa bỏ xung đột, chống lại sự phân biệt chủng tộc và quốc gia, hỗ trợ đầy đủ cho sứ mệnh xây dựng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên trường quốc tế và can thiệp trong tầm ảnh hưởng của mình trong các dự án và sáng kiến nhằm mục đích giải quyết các vấn đề của châu Á và châu Phi.
7. Tham gia giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên thế giới, áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và vô hại trong hợp tác với các trung tâm khoa học môi trường có liên quan và các tổ chức chuyên ngành ở Nga và nước ngoài.