Toàn cảnh Tọa đàm
TS Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Đức (Hội), PGS TS Phan Đăng Tuất, Ủy viên Ban Chấp hành Hội và ông Axel Blaschke, Trưởng Văn phòng đại diện Viện FES tại Hà Nội đã chủ trì toạ đàm.
Tham dự Tọa đàm có gần 100 đại biểu đến từ các Ban, Bộ ngành của Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam-Đức ở trung ương và các tỉnh lân cận Hà Nội; đặc biệt là có sự tham dự của bà Gabriele Weinhold, Tham tán phụ trách xã hội và lao động, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, đại diện các tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung (RLS), Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD, Phòng Thương mại Châu Âu (EUROCHAM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (AHK), một số bạn bè Đức tại Hà Nội.
TS Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chủ tịch Hội đã khẳng định: trong nhiều năm qua, Đức luôn luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong EU trên nhiều lĩnh vực và ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế của Đức đã và đang đầu tư vào Việt Nam. Là một thành viên nòng cốt của EU, Đức sẽ là một đối tác chiến lược nhiều tiềm năng và cầu nối hợp tác Việt Nam - EU trong các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, an ninh, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo , tài nguyên - môi trường…đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và EU đã ký kết FTA và IPA. Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết Tọa đàm là dịp để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Đức và Viện FES của CHLB Đức. Thông qua hoạt động này, hai bên sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Đức.
Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA), mở ra triển vọng mới cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU cũng như các nước thành viên của EU. Việc hoàn tất đàm phán và ký kết hai hiệp định này hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và EU, làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế - thương mại, đem lại lợi ích cho hai bên. Đây cũng là một trong những hoạt động Hội có ý nghĩa để chào mừng 44 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (23/9/1975-23/9/2019) và chào mừng 29 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Liên bang Đức (03/10/1990 - 03/10/2019).
Ông Axel Blaschke nhấn mạnh: EVFTA đã đánh một dấu mốc trong lịch sử quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU. Ông Axel Blaschke cho rằng trong quá trình phát triển kinh tế thế giới, công bằng là vấn đề cốt lõi vì nếu không bảo đảm công bằng cho con người nói chung, nhất là người lao động thì sẽ dẫn đến mất kiểm soát. Đối với EVFTA, có một chương về phát triển bền vững để ràng buộc các bên và nếu được thực hiện đúng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Các đại biểu dự Tọa đàm đã được nghe 04 bài trình bày của các chuyên gia Việt Nam và Đức gồm: 1/Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương trình bày về tổng quan tình hình đàm phán và ký kết các FTA giữa Việt Nam và các đối tác, đặc điểm chính của các FTA thế hệ mới, nội dung chủ yếu của EVFTA, những lưu ý đối với Việt Nam khi thực thi EVFTA và những điểm cần chú ý trong quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Đức trong khuôn khổ EVFTA; 2/ GS.TS. Juergen Simon, Giảng viên của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) trình bày về EVFTA và quan hệ Việt Nam - EU; 3/Bà Vũ Thị Châu Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày về EVIPA, cơ hội và thách thức, triển vọng thu hút FDI của Đức trong khuôn khổ EVIPA và thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút FDI thế hệ mới; 4/ Bà Mai Hà Thu, Điều phối viên chương trình tại FES trình bày về Chương phát triển bền vững trong EVFTA và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quá trình thực thi.
Về EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết điểm nổi bật của Hiệp định EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU; lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển, phát triển mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững; là FTA đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Lương Hoàng Thái cũng cho biết những lợi ích của EVFTA như: thúc đẩy cải cách thể chế, thay đổi tư duy và xây dựng quan hệ thương mại với EU, đặc biệt là quan hệ “có đi có lại” trong FTA thay cho ưu đãi GSP (Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập) mang tính đơn phương.
Các đại biểu dự Tọa đàm chụp ảnh với các chuyên gia Việt Nam và Đức
Bà Vũ Thị Châu Quỳnh cho biết: EVIPA khác với các hiệp định bảo hộ đầu tư khác là có nhiều quy định tiến bộ hơn, rành mạch và chi tiết hơn, trong khi vẫn đảm bảo cân bằng giữa bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và quyền của chính phủ trong quản lý nền kinh tế, thực hiện chính sách công và bảo vệ lợi ích của người dân. Ngoài ra, EVIPA đã bổ sung quy định ghi nhận quyền điều chỉnh chính sách của nước tiếp nhận đầu tư. Theo đó, các bên khẳng định quyền quản lý trong lãnh thổ của mình để đạt được mục tiêu chính sách như: bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường, bảo vệ đa dạng văn hóa...
Bà Quỳnh cho rằng, triển khai EVIPA sẽ giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững. Hiệp định sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành mà EU có tiềm năng như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, trong khi nhà đầu tư EU được tăng cường tiếp cận thị trường Việt Nam tại một số ngành dịch vụ như dịch vụ kinh doanh, môi trường, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển…
Các đại biểu tham dự đánh giá việc tổ chức Tọa đàm đã đáp ứng kịp thời sự quan tâm và nhu cầu tìm hiểu của hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Đức cũng như các cơ quan ban ngành của Việt Nam cũng như các tổ chức của Đức về hai hiệp định, đồng thời mong muốn Quốc hội Việt Nam, Nghị viện châu Âu cũng như Nghị viện các nước thành viên EU sẽ sớm phê chuẩn các hiệp định này để quan hệ hợp tác Việt Nam - EU ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ban Châu Âu