Theo anh Phùng Văn Hiệp, thay vì mua một chiếc áo sơ mi đẹp hay một vật dụng đắt tiền vào dịp đặc biệt, mỗi người hãy lựa một cuốn sách phù hợp để tặng bạn mình. "Chỉ cần mỗi người tặng 5 người bạn của mình 5 cuốn sách mỗi năm sẽ góp phần lan tỏa văn hóa đọc".
Anh Lê Minh Đức, Bí thư Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam, Cụm trưởng Cụm III phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Thu Hà). |
Tại toạ đàm, Bí thư Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam, Cụm trưởng Cụm III Lê Minh Đức lại chia sẻ tới các đoàn viên thanh niên văn hóa đọc của các trường học Nhật Bản mà anh từng chứng kiến. Theo anh Đức, học sinh cấp 1, cấp 2 tại Nhật thường có 15 phút đầu giờ để đọc sách lịch sử và văn hóa. Nếu các trường học Việt Nam cũng áp dụng cách làm này thì có thể phát triển thói quen đọc sách của trẻ em.
"Tôi mong thời lượng đọc sách trong nhà trường sẽ được tăng lên, không chỉ ở các giờ ngoại khóa mà còn có tiết đọc sách đầu giờ học. Các em có thể đọc sách lịch sử để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu lịch sử, lòng tự hào dân tộc", anh Đức nói.
Anh Đào Anh Tuấn - Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đọc sách bằng phương tiện nào không phải là vấn đề, quan trọng là hiểu được tầm quan trọng của kiến thức mình đang đọc. Nhằm chia sẻ, lan tỏa văn hóa đọc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng đọc sách nhanh và hiệu quả; giới thiệu cuốn sách tôi yêu...
Rèn luyện tình yêu sách mỗi ngày để trau dồi bản thân
Đối với chị Phạm Mỹ Lệ - Đoàn Thanh niên VUFO, tình yêu với sách là động lực quan trọng để hình thành văn hoá đọc. "Tình yêu ấy cần được rèn luyện hàng ngày. Việc đọc sách không chỉ giúp trau dồi kiến thức, hoàn thiện phẩm cách bản thân mà còn giúp nuôi dưỡng lý tưởng và lòng yêu nước", chị nói.
Chị Lệ có may mắn được ông nội và các anh chị truyền cảm hứng đọc sách từ nhỏ. Những giờ ngồi đọc sách cùng ông bà, anh chị em và chia sẻ suy nghĩ về cuốn sách mình đọc đã giúp chị trưởng thành trong quá trình học tập và công tác.
Anh Đào Anh Tuấn (bìa phải) - Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tặng sách cho anh Phùng Văn Hiệp, Bí thư Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam tại tọa đàm (Ảnh: Thu Hà). |
Chia sẻ của chị Lệ nhận được sự đồng tình của nhiều khách mời. Theo anh Vũ Đình Hoàn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), anh lớn lên trong gia đình có bốn đời làm nghề giáo. Vào những năm 2012-2016, mẹ anh làm nghiên cứu sinh và suốt 4 năm bà dành hầu hết thời gian cho việc tìm sách, đọc sách và viết luận án. "Thấy mẹ vất vả như vậy tôi rất thương và hỏi mẹ: Tại sao phải đọc nhiều như vậy? Mẹ tôi nói rằng: đọc để con có thể phụng sự được tổ chức, nuôi sống được gia đình và trở thành người tử tế". Khi đã trưởng thành, tôi càng thấm thía lời của mẹ và hiểu được vì sao mình cần phải đọc sách".
Chị Cao Linh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam dẫn số liệu một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách và 26% hoàn toàn không đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam trung bình chưa tới 1 giờ/tuần, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, có đến 41,7% số bạn trẻ lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% đọc sách trong thời gian rảnh rỗi.
Từ thực trạng trên, chị Linh cho rằng phải thúc đẩy đọc sách ở mọi lứa tuổi để tiếp cận tri thức một cách tự nhiên, tự nguyện. Nếu không có sự định hướng từ cha mẹ, thầy cô thì với sự hấp dẫn khó cưỡng từ các nền tảng giải trí online, mạng xã hội, trẻ em sẽ dành phần lớn thời gian ngoài giờ học để lướt mạng xã hội, ít tham gia các hoạt động thể chất hay đọc sách.
Ông Bùi Hoàng Tùng - Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương trao đổi với thanh niên về văn hóa đọc. |
Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Hoàng Tùng, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương cho biết, Đề án nâng cao thói quen và năng lực tự đọc của đoàn viên với chủ đề “Đọc sách hôm nay - kiến tạo ngày mai” là một trọng tâm công tác của Đoàn Khối các cơ quan Trung ương trong nhiệm kỳ 2022-2027.
Để thực hiện đề án này cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó để khơi dậy đam mê đối với sách, mỗi đoàn viên phải có kỹ năng đọc sách hiệu quả. Muốn vậy, cần tổ chức nhiều tọa đàm, diễn đàn, lớp đào tạo kỹ năng đọc sách hiệu quả cho đoàn viên, từ đó có thể triển khai nhiều ý tưởng sáng tạo.
Các khách mời chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm (Ảnh: Thu Hà). |
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ nhiều quan điểm, đánh giá về văn hóa đọc hiện nay, tập trung vào các nội dung như: Mối liên hệ giữa văn hóa đọc với văn hóa mua sách và quyền sở hữu trí tuệ; rào cản trong việc đọc sách của thanh niên hiện nay và một số kinh nghiệm từ thực tế; lan tỏa văn hóa đọc sách tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…
Ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VUFO chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Thu Hà)
Đánh giá cao hoạt động giàu ý nghĩa của Đoàn Thanh niên VUFO và Đoàn Thanh niên các đơn vị trong Cụm hoạt động số III - Đoàn khối của các cơ quan Trung ương, ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VUFO cho rằng, văn hóa đọc phải xuất phát từ đam mê, sở thích và rộng hơn là tình yêu với sách. Đọc sách không chỉ là sở thích mà còn cung cấp kiến thức bổ trợ mỗi người trong công việc, định hình tương lai và quan trọng nhất là học làm người.
Chia sẻ kinh nghiệm đọc sách của bản thân, ông Sơn cho biết, ông thường đọc, ghi chép và đọc lại. Tùy vào nhu cầu của mỗi người mà có nhiều cách chọn sách khác nhau: chọn theo nhà xuất bản, theo độ tuổi, theo sở thích, theo dòng như: nhân vật nổi tiếng, phát triển bản thân, kỹ năng mềm...
"Đọc sách không dễ dàng. Quan trọng là mỗi người xác định việc đọc sách có tốt cho mình không, đọc như thế nào... Không nên vội đặt mục tiêu lớn là đọc một cuốn sách trong bao lâu, chỉ nên đặt mục tiêu nhỏ như đọc 5-10 trang, đọc về những vấn đề mình đang quan tâm, đang cần...", ông Phan Anh Sơn nói.
Q.Hoa t.h / Thời Đại