Đoàn doanh nghiệp Thái Lan đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại cảng Chân Mây |
Toàn diện và hiệu quả
Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại một cách toàn diện, chủ động, đa dạng, thực chất và hiệu quả trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, định hướng của Bộ Ngoại giao và các yêu cầu đối ngoại trong tình hình mới.
Đến nay, tỉnh đã có quan hệ hợp tác, hữu nghị, kết nghĩa với 45 quốc gia, địa phương, vùng lãnh thổ khác nhau như: Các tỉnh Nam Trung Lào (Salavan, Champasak, Sê Kông, Savanakhet, Atapư); các tỉnh Gifu, Niigata, Nara, Kyoto, Shiga (Nhật Bản); thành phố Gyeongju, Gwangju, Namyangju, quận Wando (Hàn Quốc); Triết Giang, Quảng Tây (Trung Quốc); Hoa Kỳ và các nước châu Âu... và nhiều tổ chức quốc tế. Đã có hơn 30 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận quốc tế do UBND tỉnh ký kết; 42 văn bản thỏa thuận do các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh ký kết và 26 văn bản thỏa thuận do các đơn vị trực thuộc cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh ký kết.
Công tác đối ngoại nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài được Tỉnh đặc biệt quan tâm. Ông Huỳnh Tiến Đạt, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thừa Thiên Huế cho biết các Hội hữu nghị của tỉnh hoạt động hiệu quả, tạo được mối quan hệ bền vững với nhân dân các nước. Hội hữu nghị Việt - Lào, Việt - Pháp, Việt - Nhật, Việt - Thái, Việt - Úc... hàng năm đóng góp của kiều bào về trí tuệ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế, trao học bổng, từ thiện, nhân đạo với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương.
Công tác ngoại giao kinh tế, xúc tiến đầu tư cũng được Tỉnh triển khai quyết liệt, toàn diện và có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Sở tham mưu cho tỉnh phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 3; Hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh”, Hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư các hãng tàu làm hàng container, Chương trình quảng bá địa phương tại Nhật Bản và Hàn Quốc,... Hiện trên địa bàn tỉnh có 133 dự án (DA) FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.554,5 triệu USD.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và quốc tế. Thừa Thiên Huế đã triển khai các chương trình hợp tác quốc tế và trao đổi văn hóa, nghệ thuật, tham gia hội thảo, hội nghị về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, sau các kỳ tổ chức thành công, Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế đã trở thành “thương hiệu” thu hút sự quan tâm của công chúng và tạo được tiếng vang, thu hút hàng ngàn đoàn khách đến thăm và làm việc tại địa phương, trong đó có các đoàn khách cấp cao có ý nghĩa quan trọng về chính trị, ngoại giao, kinh tế.
Thông qua đối ngoại, đã có nhiều tổ chức quốc tế đến hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân |
Đáp ứng yêu cầu mới
Ông Trần Công Phú, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế cho biết: Là một trong 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên Huế hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển, trở thành một cực tăng trưởng, trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Tỉnh sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.
Thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu trong lĩnh vực đối ngoại, “cánh tay nối dài” của Bộ Ngoại giao tại địa phương, Sở sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, củng cố và phát triển các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị có chọn lọc theo hướng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững và hiệu quả. Thúc đẩy và tăng cường thực hiện các chương trình, DA hợp tác quốc tế theo hướng trực tiếp kết hợp trực tuyến để nâng cao hiệu quả trong công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển KT-XH.
Tập trung tham mưu triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và sáng tạo hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế. Đẩy mạnh ngoại giao đa phương, tranh thủ nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số vì một Thừa Thiên Huế phát triển xanh, nhanh và bền vững. Đặc biệt, chú trọng đổi mới công tác xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp. Xúc tiến các DA đầu tư hạ tầng, sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, có tính chủ đạo để thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp văn hóa, y tế, công nghệ thông tin; các DA chế biến sâu từ nguyên liệu cát, gỗ, nông, thủy sản, sản xuất sợi, cơ khí và các DA công nghệ cao, sản xuất nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt may; DA nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ trong công tác kết nối xúc tiến đầu tư để thúc đẩy ngoại giao phát triển kinh tế với mục tiêu tăng cường và khai thông cầu nối với các nhà đầu tư tiềm năng.
Sở Ngoại vụ cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong việc tham mưu xây dựng các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; dịch vụ đô thị thông minh. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xuyên suốt “đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Báo Thừa Thiên Huế