Quang cảnh Hội nghị (ảnh: Tuấn Việt)
Báo cáo tổng kết công tác của Cơ quan Thường trực trong 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị Phan Anh Sơn cho biết, thực hiện Chỉ thị 01-CT/TW ngày 09/3/2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Liên hiệp Hữu nghị tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong toàn Cơ quan Thường trực. Ngày 23/4/2021, Liên hiệp Hữu nghị đã tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về công tác đối ngoại đối với các Ủy viên Đoàn Chủ tịch và cán bộ các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hữu nghị. Ngay sau Hội nghị, Liên hiệp Hữu nghị đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của hệ thống Liên hiệp Hữu nghị để quán triệt thực hiện trong toàn hệ thống. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ công dân, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị Phan Anh Sơn trình bày báo cáo sơ kết tại Hội nghị (ảnh: Tuấn Việt).
Trên lĩnh vực hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục duy trì hình thức trao đổi với đối tác thông qua việc gửi thư, điện thúc mừng, thăm hỏi cho các đối tác, đồng thời nhận được thư, điện của các đối tác để chúc mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII và thư chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, cũng như làm việc với các đối tác.
Hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương trong 6 tháng đầu năm ghi nhận Liên hiệp Hữu nghị tổ chức và tham gia 29 hoạt động trực tuyến như các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn nhân dân Á - Âu (AEPF 13), Hội nghị cấp cao của Quốc tế Tiến bộ về ứng phó với Covid-19 và Hội nghị khu vực của Hội đồng Hòa bình thế giới....
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Phan Anh Sơn nhấn mạnh, về công tác phòng, chống dịch COVID-19, các hoạt động hỗ trợ nhân dân các nước đối tác và nhân dân Việt Nam phòng, chống COVID-19, Liên hiệp Hữu nghị đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về việc phòng, chống dịch. Đảng đoàn, Đảng ủy và Lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị phổ biến, quán triệt đầy đủ thông tin liên quan đến các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về công tác phòng, chống dịch, động viên toàn thể cán bộ, công chức và người lao động đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam và một số nước Lào, Campuchia, Ấn Độ, Cơ quan Thường trực Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên ở Trung ương đã phát động quyên góp ủng hộ nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước bạn chống dịch, đồng thời quyên góp ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19. Tính đến thời điểm hiện tại, Liên hiệp Hữu nghị đã vận động được gần 4,2 tỷ đồng tiền mặt và các trang thiết bị y tế để ủng hộ nhân dân Lào, nhân dân Campuchia, người Campuchia gốc Việt và nhân dân Ấn Độ phòng, chống dịch COVID-19. Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên ở Trung ương đã quyên góp hơn 500 triệu đồng ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19. Bên cạnh đó, Tạp chí Thời đại cũng phối hợp với các đơn vị trao tặng khẩu trang, trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm khác cho cho cộng đồng Khmer gốc Việt sinh sống tại Campuchia và tỉnh Bắc Giang.
Qua thống kê chưa đầy đủ của Cơ quan Thường trực Liên hiệp Hữu nghị, Liên hiệp các địa phương và các Hội thành viên ở địa phương đã tích cực quyên góp, cùng chung tay đóng góp cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 với tổng giá trị quyên góp được lên tới hơn 2,2 tỷ đồng. 38 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã dành 50 khoản viện trợ với tổng giá trị đạt khoảng 18 tỷ đồng ủng hộ Việt Nam trong công tác phòng, chống COVID-19 bao gồm tiền mặt và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, trang thiết bị vật tư y tế, tập huấn phương pháp kỹ năng phòng, chống dịch… cho các địa phương.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã có những tác động, ảnh hưởng nhất định tới hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Liên hiệp Hữu nghị đã chủ động giữ liên lạc và hỗ trợ tổ chức kịp thời qua nhiều hình thức (họp trực tuyến, trao đổi qua điện thoại, thư điện tử...); chủ động chia sẻ thông tin, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, vận động sự ủng hộ của các tổ chức đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; nắm bắt khó khăn, vướng mắc và vận động các tổ chức/đối tác hỗ trợ Việt Nam.
Liên hiệp Hữu nghị cũng đã tích cực đóng góp ý kiến vào các văn bản của các cơ quan, có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền thông tin đối ngoại; sửa đổi, bổ sung và ban hành Quy chế hoạt động thông tin đối ngoại và cung cấp thông tin cho báo chí.
Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga kết luận Hội nghị (ảnh: Tuấn Việt)
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga cho biết, trong bối cảnh nhiều thách thức và khó khăn, Liên hiệp Hữu nghị đã triển khai công tác toàn diện trên các lĩnh vực, có được kết quả đó là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ các ban, đơn vị trong từng hoạt động.
Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước" và “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, theo Chủ tịch Nguyễn Phương Nga cần có chiến lược, kế hoạch và hành động cụ thể trong thời gian tới, có nhận thức đúng đắn trong toàn hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, cần tiếp tục chủ động đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân. Tăng cường quan hệ chặt chẽ, hợp tác hiệu quả với các tổ chức PCPNN, đa dạng hóa đối tác, mở rộng quan hệ với các cá nhân, tổ chức PCPNN có uy tín và tiềm năng, gắn kết công tác quan hệ, vận động các tổ chức PCPNN với mục tiêu phát triển của đất nước, chú trọng hỗ trợ giảm nghèo đa chiều bền vững, khắc phục hậu quả thiên tai, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục.
Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu về tình hình nhân dân thế giới và công tác đối ngoại nhân dân. Nâng cao chất lượng nội dung thông tin đối ngoại, tăng cường sử dụng các nền tảng điện tử, đa dạng hóa, đổi mới hình thức ấn phẩm thông tin để phong phú, sinh động, hấp dẫn hơn.
Cuối cùng, nhưng hết sức quan trọng là kiện toàn bộ máy tổ chức của Liên hiệp Hữu nghị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm nguồn lực tài chính và con người, nâng cao chất lượng đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp và trẻ hóa.
Sáng cùng ngày, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị đã trao Huân chương lao động hạng Nhất cho ông Đỗ Bá Khoa, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHLB Braxin, nguyên Ủy viên Đảng đoàn, Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị và bà Phạm Thị Thái, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị, Trưởng ban Ban Châu Âu; trao Huân chương lao động hạng Ba cho ông Nguyễn Kim Doanh, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Thống nhất Tanzania, nguyên Trưởng ban Ban Thông tin đối ngoại.
Ban Công tác đa phương vinh dự được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ là đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020 (ảnh: Tuấn Việt).
Chiều cùng ngày, Đảng bộ Cơ quan Liên hiệp Hữu nghị tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Tuấn Việt