Quang cảnh buổi làm việc (ảnh: Tuấn Việt).
Trong không khí thẳng thắn, cởi mở, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã lắng nghe, chia sẻ ý kiến với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Liên hiệp Hữu nghị về hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị trong thời gian qua; những đóng góp của đối ngoại nhân dân đối với các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn mà Liên hiệp Hữu nghị đóng vai trò chuyên trách và nòng cốt; vị trí, yêu cầu và nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị Phan Anh Sơn phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Tuấn Việt)
Thay mặt Lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Phan Anh Sơn báo cáo những bước trưởng thành và phát triển của Liên hiệp Hữu nghị trong thời gian qua, hệ thống của Liên hiệp Hữu nghị từ trung ương đến địa phương, một số vấn đề về công tác đối ngoại nhân dân nói chung và những kiến nghị, đề xuất nhằm củng cố, phát triển, đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân…
Theo đó, là một tổ chức chính trị – xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hoà bình, đoàn kết, hữu nghị và là đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, kể từ khi thành lập đến nay, Liên hiệp Hữu nghị đã hoạt động hiệu quả và đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại nhân dân trên nhiều mặt.
Quan hệ đối tác được đa dạng hoá, đa phương hoá, mạng lưới bạn bè đối tác được mở rộng và phát triển ở nhiều nước và địa bàn quan trọng. Hoạt động đối ngoại nhân dân phát triển mạnh, góp phần củng cố tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước.
Công tác phi chính phủ nước ngoài được tăng cường; giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài tăng qua từng năm. Đến nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.200 tổ chức PCPNN, trong đó trên 500 tổ chức có hoạt động thường xuyên. Giá trị giải ngân viện trợ của các tổ chức PCPNN trong giai đoạn 2003-2019 đạt 4,83 tỷ USD (viện trợ không hoàn lại); trong năm 2020 giá trị viện trợ năm đạt 220,2 triệu đô la Mỹ, đóng góp thiết thực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin đối ngoại đều có bước phát triển. Tổ chức Liên hiệp Hữu nghị ở trung ương và địa phương được mở rộng, phát huy tích cực vai trò nòng cốt trong hoạt động đối ngoại nhân dân của cả nước.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại như chưa phát huy đầy đủ được thế mạnh của đối ngoại nhân dân; quan hệ đối ngoại vẫn còn nhiều hạn chế cả chiều rộng lẫn chiều sâu; mô hình tổ chức của Liên hiệp Hữu nghị ở các địa phương chưa thống nhất, tại nhiều nơi còn chưa phù hợp; một số hoạt động đối ngoại còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu còn một số hạn chế nhất định…
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị Phan Anh Sơn nhấn mạnh “Lần đầu tiên văn kiện Đại hội XIII khẳng định "Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Điểm mới này thể hiện sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các binh chủng đối ngoại, cũng như tầm quan trọng và vai trò, vị thế, sức mạnh của đối ngoại nhân dân và yêu cầu mới về phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả và xây dựng nguồn lực cho đối ngoại nhân dân để đối ngoại nhân dân phát triển tương xứng với vị thế là một trong ba trụ cột của đối ngoại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
”Để tạo điều kiện cho công tác đối ngoại nhân dân nói chung, Liên hiệp Hữu nghị nói riêng thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị được giao, lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị đề nghị tăng cường và phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện và đối ngoại nhân dân; củng cố, tăng cường mặt trận đối ngoại nhân dân thông qua nâng cao năng lực, bản lĩnh đối ngoại, hình thành cơ chế phối hợp thống nhất của các tổ chức quần chúng nhân dân Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội trong quan hệ và hoạt động đối ngoại; thể chế hoá về mặt Nhà nước đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị 38-CT/TW ngày 19/9/2019 của Ban Bí thư;
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hữu nghị mong muốn nhận được những chỉ đạo kịp thời, mang tính chiến lược từ Ban Đối ngoại Trung ương trong quá trình xử lý từng công việc cụ thể nhằm đảm bảo yêu cầu, thời gian tính; tăng cường vai trò của Ban Đối ngoại Trung ương tới hoạt động đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng của các địa phương…
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Tuấn Việt)
Điểm lại những chặng đường phát triển của đối ngoại nhân dân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đánh giá cao vai trò và hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị, trước hết là những nỗ lực, tinh thần khắc phục khó khăn, trở ngại để có những đóng góp tích cực cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Đồng chí ghi nhận Liên hiệp Hữu nghị đã có những bước tiến khá xa cả về bản lĩnh chính trị, nội dung và hiệu quả hoạt động, về mạng lưới tổ chức và đội ngũ cán bộ; uy tín của Liên hiệp Hữu nghị ngày càng cao, cả ở trong nước và trên trường quốc tế.
Đồng chí Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Liên hiệp Hữu nghị cần phát huy hơn nữa vai trò, lợi thế của mình trên mặt trận đối ngoại nhân dân, nơi Việt Nam đã giành được sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng tiến bộ và nhân dân trên khắp thế giới. Đó chính là sức mạnh giúp Việt Nam giành được thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc trước đây, cũng như trong công cuộc Đổi mới hiện nay.
Một trong những vấn đề quan trọng và cần thiết hiện nay là giúp bạn bè thế giới hiểu đúng về Việt Nam. Đối ngoại nhân dân cần tăng cường vận động, đấu tranh dư luận trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc. Cần làm rõ sự sáng ngời chính nghĩa của Việt Nam trên các vấn đề này, để Việt Nam xứng đáng với niềm tự hào của bè bạn khắp năm châu
Bằng những câu chuyện, những dẫn chứng giản dị nhưng hết sức sâu sắc, đồng chí Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cũng đề cập đến những phương pháp tiếp cận, sự linh hoạt và yêu cầu về hiệu quả trong công việc.
Chia sẻ với những khó khăn, trở ngại trong giai đoạn hiện nay, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương khẳng định sẽ luôn ủng hộ Liên hiệp Hữu nghị, cùng các cơ quan hữu quan sớm tháo gỡ các vấn đề về cơ chế chính sách, kinh phí hoạt động… trên cơ sở tổng kết Chỉ thị 04 và triển khai thực hiện Chỉ thị 38- CT/TW.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương bày tỏ hy vọng và tin tưởng rằng, Liên hiệp Hữu nghị sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt, phát huy tích cực vai trò, thế mạnh của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, phát triển công bằng, bền vững, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đại biểu tham quan Nhà Truyền thống Liên hiệp Hữu nghị (ảnh: Tuấn Việt).
Cùng ngày, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã thăm Nhà Truyền thống Liên hiệp Hữu nghị nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, kỷ vật thể hiện chặng đường xây dựng và trưởng thành của Liên hiệp Hữu nghị và những đóng góp quan trọng của Liên hiệp Hữu nghị cho sự nghiệp cách mạng và Đổi mới của đất nước.
Đại biểu tham quan Nhà Truyền thống Liên hiệp Hữu nghị (ảnh: Tuấn Việt).
Đồng chí Lê Hoài Trung bày tỏ sự vui mừng vì Nhà Truyền thống của Liên hiệp Hữu nghị được xây dựng khang trang, hiện đại. Đồng chí đề nghị Liên hiệp Hữu nghị sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà Truyền thống để phục vụ tốt cho công tác lịch sử - truyền thống về công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam.
Tuấn Việt