Vào lúc 22h40 ngày 30/7, giờ địa phương (tức 0h10 ngày 31/7, giờ Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam đã đến sân bay quân sự Palam ở Thủ đô New Delhi, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược toàn diện với Ấn Độ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, hai nhà lãnh đạođặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN) |
Trong bài viết trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, báo điện tử Chính phủ nhận định: "Tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ là một tình hữu nghị trường tồn theo thời gian. Các mối liên kết Phật giáo từ thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên đã được lịch sử ghi lại và hàng trăm di tích trên khắp Việt Nam kéo dài hơn nghìn năm kết nối văn minh, chứng minh chiều sâu của sự giao thoa giữa lịch sử và văn hóa hai quốc gia. Giai đoạn hiện đại của mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Theo tờ báo này, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ tích cực, mạnh mẽ và thực chất của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ. Cả hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.
Từ năm 1991, Ấn Độ triển khai "Chính sách Hướng Đông" (Look East) và sau này chuyển thành chính sách "Hành động Hướng Đông" (Act East), trong đó, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành đối tác quan trọng của Ấn Độ trong khu vực. Năm 1992, Ấn Độ và Việt Nam thiết lập quan hệ kinh tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thăm dò dầu khí, nông nghiệp và chế tạo. Năm 1993, Hội đồng doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam đã được thành lập để thúc đẩy, kết nối thương mại và đầu tư giữa hai nước. Năm 1997, Ấn Độ và Việt Nam nâng tầm quan hệ đối tác thương mại thông qua ký kết Hiệp định Bảo hộ và Khuyến khích đầu tư song phương (BIPPA).
Bước vào thế kỷ XXI, quan hệ song phương trên các kênh của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng mở rộng và sâu sắc.
Đồng diễn Yoga quốc tế tại Đà Nẵng, tháng 6/2024. (Ảnh: DAFO) |
Về giáo dục - văn hóa, Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ấn Độ hiện đang cung cấp 150 suất học bổng ngắn hạn thuộc Chương trình hợp tác Kinh tế kỹ thuật (ITEC); 30 suất học bổng thuộc Chương trình Trao đổi văn hóa ICCR (CEP) và Chương trình Học bổng văn hóa (GCSS). Ngoài ra, Ấn Độ còn cấp cho Việt Nam một số học bổng đào tạo tiếng Hindi và văn hóa Ấn Độ.
Ấn Độ cũng hỗ trợ Việt Nam một số dự án về công nghệ thông tin và giảng dạy tiếng Anh, như Trung tâm đào tạo nguồn lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông tại Hà Nội (ARC-ICT, hoạt động từ tháng 9/2011); giúp Việt Nam thành lập Trung tâm tiếng Anh tại Đại học Đà Nẵng (thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN - Ấn Độ), Trung tâm tiếng Anh tại Học viện Quốc phòng. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn cung cấp cho Việt Nam hệ thống máy tính hiệu năng cao lắp đặt tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Những thông tin về quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trên website chính thức của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cũng cho thấy tình hữu nghị hai nước được duy trì sâu sắc bởi các liên kết văn hóa và giao lưu nhân dân.
Trong đó, liên kết Phật giáo giữa hai nước thể hiện sự kết nối văn minh có niên đại hàng thiên niên kỷ. Nhiều học giả Phật giáo và khách hành hương thường xuyên đến thăm Ấn Độ, bao gồm chùa Phật giáo Việt Nam ở Bồ Đề Đạo Tràng. Tháng 4/2023, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu tại New Delhi và được Thủ tướng Ấn Độ đón tiếp nồng hậu. Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hòa thượng Thích Thành Nhiễu và Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Đại hội đồng Liên đoàn Phật giáo quốc tế tổ chức tại New Delhi từ ngày 27-28/11/2023.
Yoga phổ biến rộng khắp Việt Nam, biểu hiện qua hàng trăm câu lạc bộ yoga hoặc các cơ sở khác cũng như nhiều giáo viên yoga Ấn Độ hành nghề tại Việt Nam. Các sự kiện thường niên đánh dấu Ngày Quốc tế Yoga được tổ chức tại hơn 35 tỉnh thành trong cả nước.
Sau khi đại dịch Covid-19 suy yếu và các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước được tăng cường từ năm 2022, du lịch hai chiều và giao lưu nhân dân ghi nhận gia tăng đột biến. Các chuyến bay thẳng của Indigo, Viet Nam Airlines, VietJet Air và Air India kết nối 5 thành phố ở Ấn Độ (Delhi, Mumbai, Kolkata, Ahmedabad, Kochi) và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tại Việt Nam. Chế độ thị thực điện tử được đơn giản hóa ở cả hai nước hỗ trợ việc đi lại và du lịch vì mục đích giải trí, kinh doanh và văn hóa. Ước tính có 392.000 người Ấn Độ tới Việt Nam vào năm 2023 và hàng chục nghìn người Việt Nam đã đến thăm Ấn Độ vào năm ngoái.
Hai nước tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên ở cấp tỉnh; hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu, cơ sở giáo dục và đoàn thanh niên góp phần giao lưu nhân dân. Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekananda (SVCC) được thành lập tại Hà Nội vào tháng 9/2016, thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về Ấn Độ và thắt chặt quan hệ giữa nhân dân hai nước. Trung tâm thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa, hội thảo, triển lãm ảnh, chiếu phim, bài giảng, hội thảo trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Yoga, múa cổ điển Ấn Độ, nghệ thuật và triết học, ngôn ngữ, y học cổ truyền... SVCC cũng hợp tác với các trường đại học, học viện, viện nghệ thuật và các tổ chức hữu nghị của Việt Nam.
Ấn Độ chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính với điệu múa truyền thống sôi động. (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Trả lời phỏng vấn báo điện tử VOV, Giáo sư Srikanth Kondapalli, nhà nghiên cứu về khu vực Đông Á của Trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ bày tỏ kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mang đến nhiều thỏa thuận hơn liên quan đến các mối quan hệ giao lưu nhân dân.
"Điều này rất cần thiết vì Việt Nam và Ấn Độ là các nước đang phát triển và hai bên nhu cầu rất lớn về giao lưu giữa người dân mỗi nước. Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo hiện nay nên cố gắng tăng cường hơn nữa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một chuyến thăm rất quan trọng, nơi chúng ta mong đợi nhiều thỏa thuận hơn sẽ được ký kết", ông nói.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ từ ngày 30/7 đến ngày 1/8 theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Dự kiến trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Ấn Độ như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Jagdeep Dhankhar, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla. Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo một số chính Đảng của Ấn Độ; dự các diễn đàn, tọa đàm với doanh nghiệp hai nước; tiếp các các tập đoàn kinh tế hàng đầu Ấn Độ; phát biểu chính sách; thăm Đại sứ quán và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ… |
Theo Thời Đại