Quang cảnh Hội nghị (Ảnh TV)
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy Ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; các Phó Chủ tịch và Ủy viên Ban Thường vụ Ủy ban Hòa bình Việt Nam.
Trong năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hường dịch bệnh COVID-19, Uỷ ban Hòa bình Việt Nam đã chủ động thích ứng, chuyển nhiều hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến, phù hợp với mục tiêu, bối cảnh, tình hình, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Uỷ ban đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đã bầu ra Đoàn chủ tịch gồm 50 Ủy viên theo hướng trẻ hóa, đa dạng hóa thành phần đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu.
Ủy ban cũng đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế, diễn đàn đa phương, trong đó đặc biệt là Hội nghị Thế giới chống bom A&H 2020 của Nhật Bản. Tại Hội nghị, lãnh đạo Ủy ban đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam chống vũ khí hạt nhân, thể hiện tình đoàn kết, sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với nạn nhân nguyên tử và các nạn nhân chiến tranh khác.
Hưởng ứng các cuộc vận động của Liên minh các tổ chức của các nạn nhân bom nguyên tử và khinh khí và GENSUIKYO, Ủy ban đã phối hợp với các Liên hiệp Hữu nghị và Uỷ ban Hoà bình các địa phương triển khai việc thu thập chữ ký để ủng hộ lời kêu gọi những nạn nhân sống sót sau thảm họa hạt nhân nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Tổng số chữ ký đã thu thập được là 958.134 chữ ký. Đây là lần thứ hai, sau năm 2015, số lượng chữ ký ta thu thập được đứng ở top đầu các quốc gia trên thế giới.
Về hoạt động của các Uỷ ban Hoà bình địa phương, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các Uỷ ban vẫn tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức và tham gia các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị của Uỷ ban và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đặc biệt các hoạt động trong nước của các Ủy ban Hòa bình địa phương được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng phong phú, thu hút nhiều thành phần tham dự, đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại nhân dân của các địa phương cũng như góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Trong năm 2021, định hướng hoạt động của Uỷ ban tiếp tục tập trung vào một số trọng tâm: Tập trung chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hoà bình thế giới; Tham gia tích cực vào các hoạt động trong khuôn khổ tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2021; tiếp tục tham gia tích cực vào các tổ chức/ cơ chế/ diền đàn nhân dân đa phương khác mà Ủy ban là thành viên; Tăng cường hiệu quả thực chất quan hệ với các tổ chức đối tác truyền thống và đối tác mới; Thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ đề án “Giáo dục Hoà bình”; thúc đẩy hiệu quả công tác thông tin – tuyên truyền và giáo dục hòa bình trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên; Tăng cường hiệu quả phối hợp các hoạt động của Ủy ban Hòa bình các địa phương...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tập trung vào 2 vấn đề chính: kế hoạch tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hoà bình thế giới và góp ý vào đề án “Giáo dục Hòa bình”.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu tại Hội nghị (Ảnh TV)
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong năm 2020, đồng thời, đưa ra ý kiến định hướng hoạt động của Ủy ban trong năm tới. Chủ tịch Nguyễn Phương Nga cho rằng, Ủy ban cần chú trọng công tác tập hợp lực lượng bên ngoài, hướng đến các địa phương trong việc tổ chức các hoạt động mang tính chất truyền thống nhằm nâng cao uy tín, vị thế của Ủy ban được nhiều người biết đến.
Về kế hoạch tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hoà bình thế giới, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, với ý nghĩa to lớn của sự kiện, đây không chỉ là hoạt động của Ủy ban mà là hoạt động đa phương của đối ngoại nhân dân cả nước trong năm 2021. Vì vậy, cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng đề án chi tiết cho sự kiện.
Theo Chủ tịch Nguyễn Phương Nga, văn hóa hòa bình là chủ đề cấp thết, trọng tâm xuyên suốt hoạt động của Ủy ban. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chủ tịch Nguyễn Phương Nga đề xuất có thể tổ chức tọa đàm khoa học để lấy ý kiến đưa vào đề án, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục hòa bình để nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này.
Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu phát biểu bế mạc Hội nghị (ảnh TV)
Các đại biểu chụp hình lưu niệm (Ảnh TV)
Kết luận Hội nghị , Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu nhấn mạnh, để chuẩn bị tốt cho Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới, Ủy ban cần chuẩn bị các nội dung cụ thể và chi tiết cho sự kiện quan trọng này, tùy vào tình hình dịch bệnh COVID- 19 có thể tổ chức sự kiện trong năm nay hoặc năm sau dưới hình thức phù hợp. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong khuôn khể đề án “Giáo dục Hòa bình”, như tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, xuất bản sách về giáo dục hòa bình; xây dựng trang thông tin điện tử của Ủy ban, phối hợp cùng hệ thống báo chí của Liên hiệp Hữu nghị thúc đẩy công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.
NN