Quang cảnh buổi tọa đàm với chủ đề “Công tác đối ngoại nhân dân hỗ trợ mở rộng các hoạt động giáo dục sáng tạo tại TP Cần Thơ”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Lê Thị Thanh Giang - Chủ tịch Liên hiệp Cần Thơ cho biết, TP Cần Thơ là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội, là trung tâm động lực của của vùng ĐBSCL với lợi thế phát triển trong nhiều lĩnh vực; trong đó, giáo dục được xem là một trong những ngành phát triển và đổi mới vượt bậc trong nhiều năm qua.
Nhận thức được tầm quan trọng của Giáo dục sáng tạo - Giáo dục nghệ thuật cho thế hệ trẻ TP Cần Thơ, Liên hiệp Cần Thơ đã xúc tiến kêu gọi và hỗ trợ các thủ tục để tổ chức Giáo dục Âm nhạc và Nghệ thuật Biểu diễn Á Châu (AMPA Education) thực hiện dự án “Phát triển và nâng cao nhận thức về giáo dục sáng tạo tại TP Cần Thơ” nhằm cung cấp các chương trình giảng dạy âm nhạc và vũ đạo quốc tế để áp dụng giảng dạy cho học sinh, sinh viên các trường giảng dạy bộ môn âm nhạc; đồng thời hỗ trợ chuyên môn cho các giảng viên thông qua các buổi hội thảo chuyên đề và các lớp học nâng cao. Bên cạnh đó, Tổ chức AMPA Education cũng trang bị phòng dạy/học nhạc mẫu “Không gian mơ ước - Dream Space” tại Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, với tổng giá trị dự án trên 900 triệu đồng.
Bà Lê Thị Thanh Giang - Chủ tịch Liên hiệp Cần Thơ trao đổi tại buổi tọa đàm.
Theo bà Giang, để tiếp nối thành công của dự án “Phát triển và nâng cao nhận thức về giáo dục sáng tạo tại TP Cần Thơ”, buổi tọa đàm là dịp; đồng thời để các đơn vị có nhu cầu trao đổi về các cơ hội hợp tác đầu tư nhằm mục đích thúc đẩy phát triển giáo dục sáng tạo tại TP Cần Thơ.
Chủ tịch Liên hiệp Cần Thơ mong rằng các đơn vị sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận và chia sẻ những mục tiêu, phương hướng hợp tác đầu tư nhằm giúp cho trẻ em, học sinh tại TP Cần Thơ được tiếp cận với môi trường giáo dục sáng tạo, trở thành những công dân có tư duy toàn cầu trong tương lai, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại buổi tọa đàm ông Bùi Vu Thanh - Chủ tịch, Sáng lập viên AMPA Education, VIA Education và Global Embassy, chia sẻ nhiều thông tin về giáo dục sáng tạo, bao gồm nhiều mô hình khác nhau nhằm phát huy tối ưu khả năng nhận thức, sự sáng tạo, hình thành sự tự tin và tính tự lập cho các trẻ.
Cụ thể, hướng tiếp cận Reggio Emilia mà ông Bùi Vu Thanh chia sẻ, là một triết lý giáo dục với niềm tin mãnh liệt vào sự sáng tạo của trẻ với khả năng tự học thông qua sự tò mò, khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh. Với hướng tiếp cận này, các nhà giáo dục tin rằng trẻ em sở hữu bản năng tự nhiên trong việc mong muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh, cũng như mối tương quan giữa trẻ với thế giới. Mỗi trẻ đều mang trong mình những tài năng tiềm ẩn và bản tính tò mò, và điều này thúc đẩy trẻ quan tâm tìm hiểu thế giới riêng và vị trí của trẻ trong đó.
Ông Bùi Vu Thanh - Chủ tịch, Sáng lập viên AMPA Education, VIA Education và Global Embassy trao đổi tại buổi tọa đàm.
Hướng tiếp cận này cũng cho rằng trẻ có khả năng tự thiết kế những cách thức tìm tòi và học hỏi dựa trên mọi điều kiện có được trong quá trình vui chơi và trải nghiệm thực tế và thể hiện thông qua "một trăm ngôn ngữ" của trẻ.
Các khái niệm nền tảng nhất của hướng tiếp cận Reggio Emilia bao gồm: hình ảnh của trẻ, một trăm ngôn ngữ, môi trường là người thầy thứ ba. Hướng tiếp cận giáo dục mầm non bắt nguồn từ Ý này có thể áp dụng linh hoạt trong bối cảnh Việt Nam
Bên cạnh đó, việc tích hợp các chương trình hỗ trợ phát triển kỹ năng cho trẻ như yoga, vận động phát triển thông qua âm nhạc, các hoạt động thể thao và các chương trình rèn luyện kỹ năng tương tự vào chương trình học cũng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo ông Bùi Vu Thanh, trong thời gian tới, Liên hiệp Cần Thơ, AMPA Education và Global Embassy sẽ tổ chức các chuyên đề đào tạo nghiệp vụ liên quan giáo dục mầm non với mong muốn hỗ trợ phát triển cộng đồng giáo dục mầm non Cần Thơ nói riêng và góp phần vào việc phát triển giáo dục mầm non trên cả nước nói chung. Chuyên đề sẽ giúp người học làm quen với triết lý của hướng tiếp cận Reggio Emilia, phân tích các khái niệm cơ bản của hướng tiếp cận này và khả năng áp dụng hướng tiếp cận Reggio Emilia vào các trường mầm non.
Ông Nguyễn Thanh Thống - Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục Thái Bình Dương cũng chia sẻ về các phương pháp giảng dạy của Trường dành cho trẻ Mần non thời gian qua. Về cơ bản, phương pháp giảng dạy cho trẻ tại Trường PT Thái Bình Dương thời gian qua cũng có những nét tương đồng với chương trình giáo dục sáng tạo. Cụ thể, Trường đã chú trọng giảng dạy theo phương pháp tích hợp, phát triển năng lực học sinh một cách toàn diện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng và thẩm mỹ. Trường đã vận dụng các phương pháp dạy học như nghe bằng các dụng cụ, âm thanh; nhìn bằng hình chữ, hình vật; dùng các dụng cụ giáo dục cho trẻ sờ, nắm, cầm lấy đúng đồ dùng; tổ chức các hoạt động cho trẻ vận động vui chơi, di chuyển; tạo hình sáng tạo - làm các dụng cụ âm thanh đơn giản. Cạnh đó, Trường cũng tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh toàn trường, đưa các chương trình ngoại khóa, Steam- Roboctics vào giảng dạy… Từ đó, giúp cho bán cầu não trái và bán cầu não phải của trẻ đều phát triển, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, với phương pháp dạy này trẻ không chỉ luôn sáng tạo mà còn tự tin, mạnh dạn và bản lĩnh hơn, dễ hòa nhập vào cộng đồng, đồng thời biết cảm nhận, biết chia sẻ yêu thương với mọi người.
“Để phương pháp giáo dục ngày càng được cải tiến, hiện đại và hoàn chỉnh hơn nữa, trong thời gian tới Trường PT Thái Bình Dương sẽ nghiên cứu chương trình giáo dục sáng tạo của Tổ chức AMPA Education và Global Embassy, sẽ có những ký kết toàn diện để giúp học sinh Mầm non khu vực ĐBSCL có điều kiện tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại, tiên tiến này” - ông Thống nói.
Tiến sĩ Trần Văn Nam - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ cho rằng, chương trình giáo dục sáng tạo là hướng đi đúng hướng, đây là chương trình mà thế giới đã làm từ rất lâu. Sắp tới Trường Cao đẳng nghệ thuật sẽ phối hợp với Tổ chức AMPA Education tổ chức các lớp đào tạo ngoài giờ, đồng thời sẽ tổ chức các lớp ngắn hạn, cấp chứng nhận cho các đơn vị có nhu đào tạo cho giáo viên về âm nhạc, nghệ thuật…
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, việc áp dụng phương pháp giáo dục sáng tạo dành cho trẻ là điều rất cần thiết và quan trọng đối với các trẻ trường Mầm non. Thông qua giáo dục sáng tạo; các công cụ, hình ảnh, lồng ghép các hoạt động vui chơi trải nghiệm không chỉ giúp trẻ phát triển tốt hơn về nhận thức, mà còn giúp trẻ tự tin, năng động hơn, dễ hòa nhập hơn vào môi trường xung quanh.
Q.Hoa