Tham dự buổi Tọa đàm có ông Hoàng Văn Huây, Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt Nam – Đức; ông Lý Viết Thái, Trưởng Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; cùng đại diện Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Hội viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam – Đức. Về phía Đức, có bà GS.TS Christa Randzio-Plath, Chủ tịch Hiệp hội Marie-Schlei; ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện Văn phòng Viện FES tại Việt Nam; cùng đông đảo các thành viên Viện FES, bạn bè Đức đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Mục đích của cuộc tọa đàm nhằm thông tin tới các cơ quan liên quan và Hội viên Hội hữu nghị Việt Nam – Đức các thông tin liên quan tới cuộc khủng hoảng đồng tiền chung Châu Âu, và dự đoán tình hình Châu Âu trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam – Đức Hoàng Văn Huây, khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ lên tới đỉnh điểm vào nửa đầu năm 2013 và sáng sủa dần từ nửa cuối 2013 do tác động tích cực của chính sách kích thích kinh tế của các nước.
Khủng hoảng đồng tiền chung Châu Âu không chỉ ảnh hưởng đến các nước Châu Âu mà trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay nó ảnh hưởng trên toàn thế giới. Cho nên, trọng tâm ưu tiên kinh tế của thế giới năm 2013 là giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng Euro, củng cố và khai thác tiềm năng đổi mới, phối hợp vượt qua khủng hoảng của mỗi nước và trên toàn cầu.
Bà Sonja Schrimpeck, trợ lý Trưởng đại diện Viện FES đã cảm ơn Hội hữu nghị Việt Nam – Đức tạo điều kiện tổ chức buổi tọa đàm “Khủng hoảng đồng tiền Euro – Châu Âu sẽ đi về đâu”. Cùng với việc thông tin về tình hình khủng hoảng đồng tiền chung Châu Âu, bà Sonja Schrimpeck hi vọng buổi tọa đàm sẽ tìm ra giải pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ lan rộng như hiện nay.
Theo bà GS.TS Christa Randzio-Plath, việc đồng tiền Euro được đưa vào sử dụng năm 1999 là một dự án chính trị nhằm làm sâu sắc hơn tiến trình liên kết Châu Âu. Liên minh kinh tế và tiền tệ Châu Âu chính là sự liên kết của các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu nhằm mục tiêu hài hòa chính sách kinh tế và tiền tệ của mình.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu không chỉ đẩy Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên của nó vào một hoàn cảnh khó khăn, mà còn đặt tổ chức này trước những thách thức mới. Để tăng cường sức mạnh của Liên minh Châu Âu, bên cạnh liên minh kinh tế và tiền tệ, cần phải thiết lập một liên minh xã hội với bình đẳng.
Các đại biểu sôi nổi thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội trên thế giới và ở Việt Nam, về việc Anh không tham gia đồng tiền chung Châu Âu, về chỉ số hài lòng của người dân Đức khi có đồng tiền chung Châu Âu…
NN