Tọa đàm do ông Ali Salehian, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Quản trị và Chính sách Iran và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đồng chủ trì.
Các diễn giả tham dự dưới hình thức trực tuyến. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Tham dự tọa đàm dưới hình thức trực tuyến có các cố vấn cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp đến từ Viện Nghiên cứu Quản trị và Chính sách Iran; các giáo sư, nhà nghiên cứu từ Đại học Allameh Tabatabai, Đại học Tehran; nhân viên Đại sứ quán Iran tại Việt Nam.
Tọa đàm có sự tham gia trực tiếp của đại biểu, nhà nghiên cứu đến từ Bộ Ngoại giao, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Đại học Quốc gia Việt Nam; đại diện các ban, đơn vị thuộc Cơ quan thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam...
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Majid Afahani, Giám đốc Vụ Quan hệ Quốc tế, Viện Nghiên cứu Quản trị và Chính sách Iran đã đánh giá tổng quan về tình hình thế giới nói chung và châu Á nói riêng, từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các quốc gia. Theo ông, văn hóa và các di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nước trong khu vực, đem lại những cơ hội mới để các nước xích lại gần nhau.
Về tình hình Tây Á, ông Majid Afahani cho biết, khu vực đang trải qua những biến đổi phức tạp, với nhiều vấn đề đã và đang trở thành thách thức chung đối với các nước trong khu vực. Ông kêu gọi các quốc gia yêu chuộng tự do, hòa bình trong đó có Việt Nam, góp phần thúc đẩy hòa bình và bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Á - Châu Phi, Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE, Iraq và một số nước Trung Đông đã thông tin về tình hình quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Iran.
Theo diễn giả Nguyễn Quang Khai, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 tới nay, quan hệ chính trị giữa Iran và Việt Nam rất tốt đẹp, với nhiều chuyến thăm cấp cao giữa hai nước; nhiều thoả thuận, hiệp định được ký kết trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, nông nghiệp... Tuy nhiên, hợp tác kinh tế giữa hai nước còn khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 100-200 triệu USD mỗi năm.
Trình bày tham luận về triển vọng quan hệ Việt Nam - Iran, ông Lê Phước Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cho rằng, hội nhập khu vực sâu rộng trong bối cảnh hiện nay sẽ mang lại tiềm năng lớn cho quan hệ hai nước.
Ông cũng nhấn mạnh, ngành công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) có quy mô lớn và tiềm năng tăng trưởng cao. Tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam - Iran sẽ được thúc đẩy nếu tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Halal này.
Quang cảnh tọa đàm “Tây Á và Đông Á: Những điểm tương đồng và lợi ích chung”. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn nói: Việt Nam và Iran có nhiều điểm tương đồng và chia sẻ mục tiêu phát triển đất nước. Do đó, hai nước mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương, không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao mà còn trong những lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, khoa học, hợp tác kinh tế...
Đánh giá cao giá trị tham khảo và ý nghĩa thực tiễn các bài tham luận, ông Phan Anh Sơn cho biết, sẽ có những tọa đàm tiếp theo được tổ chức giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản trị và Chính sách Iran. Các tọa đàm nhằm tăng cường trao đổi thông tin, làm sâu sắc hơn sự hiểu biết giữa các nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu của hai nước. Trên cơ sở đó, thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Iran trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch... tương xứng với tiềm năng quan hệ hai nước.
Theo Thời Đại