Quang cảnh buổi Tọa đàm
Dự buổi tọa đàm có, bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội; ông V.V.Bublikov Tham tán - Công sứ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam; ông Cao Võ Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga thành phố Hà Nội; đại diện Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga thành phố Hà Nội, các em sinh viên một số trường Đại học tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Cao Võ Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga thành phố Hà Nội cho biết Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô-viết đã cứu nhân loại thoát khỏi nạn diệt chủng của chủ nghĩa phát xít, hậu thuẫn cho phong trào giải phóng dân tộc ở các châu lục giành thắng lợi, trong đó có Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam. Góp phần làm nên thắng lợi hoàn toàn của chiến tranh trong đó có nhân dân - những người con Xô-viết anh hùng, tiến hành một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chịu biết bao hy sinh, tổn thất vô cùng to lớn để làm nên những chiến thắng vĩ đại. Và với những thắng lợi chung, đã tạo điều kiện để các dân tộc bị áp bức nói chung, nhân dân các nước thuộc địa nói riêng, vũ trang giải phóng dân tộc, giành tự do, độc lập cho dân tộc của mình.
Ông Cao Võ nhấn mạnh, tọa đàm “Ý nghĩa của Ngày chiến thắng phát xít 9/5” như một dịp để tri ân những thành quả mà Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã mang lại cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam, qua đó nhằm tăng cường và củng cố tình hữu nghị truyền thống Việt - Nga thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân.
Ông V.V.Bublikov Tham tán - Công sứ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam thay mặt Đại sứ quán Nga tại Việt Nam cảm ơn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội về việc tổ chức buổi tọa đàm này.
Ông V.V.Bublikov điểm lại những mốc quan trọng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của nước Nga - Xô-viết như ngày 22 tháng 6 năm 1941 chiến tranh đã ập đến ngôi nhà của mỗi gia đình Xô-viết. Cuộc chiến này đã trở thành một trong những sự kiện kinh hoàng nhất trong lịch sử đất nước Xô-viết. Nước Đức phát-xít và các đồng minh đã thực hiện một đòn tiến công đất nước chúng tôi sử dụng các đạo quân chưa từng thấy trong lịch sử: 190 sư đoàn, hơn 4 ngàn xe tăng, hơn 47 ngàn pháo và lựu pháo, gần 5 ngàn máy bay, gần 200 tàu chiến.
Kết quả của cuộc xâm lăng theo ông V.V.Bublikov, Liên Xô đã mất đi hơn 25 triệu người bị giết, gần một phần ba tài sản quốc gia. Hơn một triệu các chiến sỹ Xô-viết đã hy sinh ngoài lãnh thổ Liên Xô khi giải phóng nhân dân châu Âu và châu Á khỏi những kẻ chiếm đóng phát-xít.
Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đã thể hiện một cách đầy đủ nhất sự thiên tài của những thống soái, tướng lĩnh như: G.K.Zhukov, K.K.Rokossovskiy, A.M.Vasilievskiy, I.S.Konev, I.Kh.Bagramyan, N.F.Batulin, I.D.Chernyakhovskiy, L.A.Govorov, R.Ya.Malinovskiy, K.A.Meretskov, S.K.Timoshenko, A.I.Eremenko, A.I.Antonov và các vị tướng lĩnh khác. Hơn 11 ngàn chiến sỹ xuất thân từ tất cả các dân tộc đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Trong những năm tháng chiến tranh đã lặp lại hơn 300 lần chiến công bất tử của Alexander Matrosov – người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai của kẻ thù.Vì chiến công phòng thủ bảo vệ và sự kiên cường, danh hiệu “thành phố-anh hùng” đã được phong tặng cho Matxcova, Leningrad, Kiev, Volgograd, Minsk, Odessa, Sevastopol, Novorossiysk, Kerch, Tula, Smolensk, Murmansk. Còn thành cổ Brest đã được phong tặng danh hiệu “Thành cổ-anh hùng”.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến – giảng viên trường Đại học Hà Nội đã trình bày tham luận “Ý nghĩa lịch sử của Ngày chiến thắng phát xít 9/5” và đại diện Ban Đối ngoại Trung ương trình bày tham luận về “Tình hình nước Nga hiện nay và quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga; các đại biểu cũng đã trao đổi và thảo luận về ý nghĩa Ngày chiến thắng Phát-xít 9/5 cũng như về tình hình nước Nga và quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga hiện nay.
Tuấn Việt