Tọa đàm, giao lưu quảng bá về Tam Nông tại tỉnh Đồng Tháp
(Vietpeace) Từ ngày 11-13/9/2014 tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Quỹ Hòa bình và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (VPDF - TP.HCM), Nhóm Liên kết vì phát triển bền vững (SDWG) thuộc Trung tâm nghiên cứu xã hội và giáo dục Trí Việt phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Chương trình Tọa đàm và Giao lưu quảng bá về tam nông.
Trong các buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự tập trung vào các nội dung đang được các nhà nghiên cứu nông nghiệp trong và ngoài nước quan tâm là: Sản xuất nông sản từ khía cạnh độc lập, tự chủ và nhận thức về yêu cầu phát triển bền vững; Gia tăng chuỗi giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu trên thị trường toàn cầu; Những thử thách, khó khăn từ sự biến đổi khí hậu và tình trạng sử dụng nguồn nước sông Mekong đối với Việt Nam nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng; Thị trường gạo trên thế giới; So sánh và rút ra bài học từ các nước bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh việc tham gia tọa đàm, các đại biểu đã thăm và làm việc tại Công ty Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, Nhà máy công ty Cỏ May - Nosavina; giao lưu với gần 200 giảng viên và sinh viên trường Đại học Đồng Tháp và trao đổi về những vấn đề nông nghiệp cấp bách hiện nay.
Chương trình Tọa đàm và Giao lưu quảng bá về tam nông đã thu hút được đông đảo người quan tâm và các nội dung quan trọng được trình bày bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế giàu kinh nghiệm như: GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam; TS. Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD); GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ; GS. Nguyễn Quốc Vọng, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC); Nhà báo Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Ông Richard Petris, đại diện Quỹ vì sự tiến bộ của loài người (FPH); Ông Pascual Moreno, Trường Đại học Bách khoa Valencia, Tây Ban Nha; Ông Siddartha, Chuyên gia Ấn Độ nghiên cứu về biến đổi khí hậu và sự thích ứng của người dân…