Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Australia và Nhật Bản (lần lượt từ bên trái) |
Trong ba ngày 30/5, 31/5 và 1/6, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng đến từ nhiều quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình và thất vọng trước những hành động ngày một hung hăng, quyết liệt của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Người ta có cảm giác như đang có một khối liên minh, liên kết lại trong khu vực nhằm chống lại những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc.
Ngày hôm qua (31/5), Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston cho biết, chính phủ nước ông “cực kỳ quan ngại” về hành động “gây bất ổn” của Trung Quốc ở trong khu vực. Đây là một vài trong số những phát biểu chỉ trích mạnh mẽ nhất, trực diện nhất của giới chức Australia nhằm vào Trung Quốc trong tình hình Châu Á đang căng thẳng vì các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Như vậy, cùng với Mỹ và Nhật Bản, Thượng nghị sĩ Johnston đã cùng tiếp lời đưa ra những phát biểu cứng rắn nhằm lên án Trung Quốc tại một diễn đàn an ninh khu vực diễn ra khá căng thẳng và nảy lửa trong năm nay.
"Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại sâu sắc của các nước ASEAN về những diễn biến gần đây - những diễn biến đang làm gia tăng căng thẳng và sức nóng ở trong khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Johnston đã nói như vậy tại cuộc Đối thoại Shangri-La, trước những quan chức quân sự và quốc phòng hàng đầu của các nước trong khu vực.
"Việc sử dụng vũ lực hay sự dọa dẫm, ép buộc để đơn phương thay đổi sự nguyên trạng ở Biển Đông hay biển Hoa Đông là điều không thể chấp nhận”, ông Johnston nhấn mạnh. Mặc dù phát biểu này không chỉ đích danh tên Trung Quốc nhưng ai cũng có thể hiểu đó là lời chỉ trích nhằm thẳng vào Trung Quốc. Các nước trong khu vực đang cáo buộc Bắc Kinh tìm cách thay đổi thế nguyên trạng ở một loạt vùng tranh chấp nhằm tiến tới chiếm quyền kiểm soát những nơi này.
Trước khi bị Australia chỉ trích, Trung Quốc cũng đã trở thành mục tiêu “tấn công” của Nhật Bản. Hôm 30/5, Thủ tướng Shinzo Abe đã lên án cái mà ông này gọi là những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi thế nguyên trạng chiến lược ở Châu Á – một phát biểu rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc. Ông Abe cũng đã thể hiện sự thách thức chưa từng có đối với Trung Quốc khi tuyên bố thúc đẩy tiến trình để Nhật Bản có thể đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực đồng thời khẳng định chắc nịch rằng Tokyo sẽ “giúp đỡ, hậu thuẫn ở mức cao nhất” cho các nước Đông Nam Á, nhiều trong số này đang có tranh chấp hàng hải quyết liệt với Trung Quốc.
Trong bài diễn văn chính tại Diễn đàn Đối thoại an ninh Shangri-La – nơi quy tụ các quan chức và chuyên gia an ninh hàng đầu của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh: “Nhật Bản có kế hoạch tìm kiếm một vai trò tích cực hơn và chủ động hơn” trong khu vực. Cùng với đó, ông Abe đã đưa ra một lời cảnh báo ngầm nhưng đầy mạnh mẽ về những hành vi gần đây của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp hàng hải. "Nhật Bản sẽ cung cấp sự giúp đỡ, hậu thuẫn ở mức tối đa cho những nỗ lực của các quốc gia thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi họ tìm cách bảo đảm an ninh các vùng biển và bầu trời cũng như duy trì sự tự do hàng hải và tự do bay trên bầu trời của các nước khác”.
Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel hôm 31/5 đã có những phát biểu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, khiến người ta liên tưởng đến việc Mỹ đã sẵn sàng “tuyên chiến” với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Khác với mọi lần khi Mỹ thường cố tránh chỉ trích trực tiếp Mỹ, tại diễn đàn Shangri-La lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Hagel đã công khai lên tiếng cảnh báo rằng, Mỹ “sẽ không nhìn đi nơi khác” khi các nước như Trung Quốc cố tìm cách giới hạn sự tự do hàng hải hay phớt lờ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
"Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây bất ổn trong khu vực, và việc nước này không thể giải quyết được các cuộc tranh chấp với những nước láng giềng khác đang đe dọa sự tiến bộ lâu dài của khu vực Đông Á", ông Hagel phát biểu.
Trong một loạt phát biểu nhằm trực tiếp vào Trung Quốc, Bộ trưởng Hagel cho biết, Mỹ phản đối hành động của bất kỳ nước nào trong việc tìm cách sử dụng sự dọa dẫm hay đe dọa dùng vũ lực để tranh giành chủ quyền. "Tất cả các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, có một sự lựa chọn: hoặc là đoàn kết và tái cam kết với trật tự ổn định trong khu vực hoặc là từ bỏ cam kết đó và gây nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh - hai thứ đang đem đến lợi ích cho hàng triệu người dân trên khắp khu vực Thái Bình Dương và hàng tỉ người trên khắp thế giới”, ông Hagel đã nói như vậy.
Ông chủ Lầu Năm Góc cảnh báo Bắc Kinh không được có “những hành động gây bất ổn” ở Biển Đông đồng thời thể hiện sự ủng hộ đối với Nhật Bản - kỳ phùng địch thủ trong khu vực của Trung Quốc, trong việc tìm kiếm một vai trò an ninh mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, tích cực hơn ở Châu Á.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu: “Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây bức xúc cho Nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, “Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc”. Việt Nam đang tìm kiếm các cuộc gặp “cấp cao” với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp và có thể dùng đến biện pháp pháp lý nếu đối thoại ngoại giao không đạt kết quả.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói: "ASEAN cần phải đoàn kết với nhau trong các vấn đề quốc phòng then chốt và không bị lôi đi các hướng khác nhau”. Ông Hishammuddin tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc nhưng dường như đưa ra lời kêu gọi nhằm thẳng vào Bắc Kinh về việc hãy thực hiện các bước đi nhằm làm dịu căng thẳng với các nước ASEAN. “Các cường quốc lớn cần phải chân thành hiểu chúng tôi”, ông Hishammuddin nói.
Những phát biểu của một loạt quan chức trên đã cho thấy rõ một thực tế là các nước khu vực đang ngày càng quan ngại trước những hành động, bước đi của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.