Điều này cho thấy mạng xã hội đã và đang thực thi vai trò là kênh truyền tải thông tin hữu hiệu. Lan tỏa thông tin chính thống trên các kênh truyền thông số là xu hướng của các cơ quan báo chí trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Trong bối cảnh đó, nhà báo Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), chia sẻ những nhận định về xu hướng truyền thông thời đại số và hướng đi của TTXVN để giữ vững vị thế là dòng thông tin chủ lưu trên không gian mạng.
Dòng tin chính thống trên không gian mạng
- Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí tích cực cập nhật tin tức thời sự “nóng hổi” trên mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin nhanh chóng của người dân trong thời đại số. Xin bà cho biết những nhận định về mặt tích cực của truyền thông trên mạng xã hội?
Nhà báo Vũ Việt Trang: Đến nay, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam lên tới khoảng 73,6 triệu người, trong đó 95% người sử dụng Facebook. Số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng của Zalo đạt 74,7 triệu vào tháng 2/2022, cao hơn Messenger (67,8 triệu). Với khả năng tiếp cận người dùng đông đảo, trực tiếp và nhanh chóng như vậy, mạng xã hội hoàn toàn có ưu thế trong tuyên truyền chính trị, định hướng kịp thời những vấn đề quan trọng, nhạy cảm.
Thời gian qua, thông qua mạng xã hội, các cơ quan báo chí đã nhanh nhạy nắm bắt thông tin không chuẩn xác hoặc thông tin được đăng phát với dụng ý xấu để nhanh chóng cung cấp thông tin chỉnh hướng. Sự vào cuộc đồng loạt của các cơ quan báo chí trên không gian số đã tạo nên sức mạnh, huy động được đông đảo cộng đồng mạng tham gia lan tỏa, chia sẻ thông tin, đưa nguồn thông tin chính thống của báo chí thành dòng chủ lưu trên không gian mạng.
Biểu đồ cho thấy nhiệm vụ hàng đầu của các toà soạn trên thế giới là đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số. Nguồn: WAN-IFRA
Như trong đợt thông tin cao điểm về dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nhiều tin đồn sai sự thật lan truyền trên mạng đã ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch của cả nước. Các cơ quan báo chí đã tích cực đăng tải thông tin phản hồi, phản bác trên các tài khoản mạng xã hội chính thức để kịp thời trấn an dư luận, tin tưởng, đồng lòng thực hiện các chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống dịch bệnh…
Trước xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, hầu hết các cơ quan báo chí đã và đang chuyển dần sang mô hình truyền thông đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng, phong phú của công chúng. Tận dụng ưu thế của mạng xã hội, nhiều cơ quan báo chí đã lập các fanpage trên mạng xã hội để vừa chuyển tải thông tin theo cách tiếp cận mới, phù hợp với nhu cầu của bạn đọc, vừa tăng sự tương tác, tiếp nhận nhanh các phản hồi phục vụ hoạt động nghiệp vụ. Mạng xã hội cũng là kênh để quảng bá cho “thương hiệu” và các sản phẩm thông tin của các cơ quan báo chí, từ đó kéo công chúng đến với các sản phẩm thông tin truyền thống, đặc thù của mình.
Báo chí luôn có mặt tại các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng.
– Không chỉ các cơ quan báo chí mà Chính phủ và các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng đã thiết lập sự hiện diện trên mạng xã hội để tương tác với người dân. Bà có đánh giá như thế nào về hiệu quả của mô hình này?
Nhà báo Vũ Việt Trang: Công cụ “social listening” (nghiên cứu dư luận xã hội) được các cơ quan, bộ, ngành sử dụng hiệu quả để thu thập và phân tích phản hồi của người dùng. Việc tiếp nhận góp ý và phản hồi kịp thời đã được dư luận đánh giá cao, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân. Tài khoản Facebook chính thức của Chính phủ là “Thông tin Chính phủ” đã cập nhật kịp thời hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các văn bản chỉ đạo; thông tin thời sự chính trị, kinh tế-xã hội…
Không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, các trang mạng xã hội đã trở thành kênh kết nối, khuyến khích người dân đồng hành cùng Chính phủ. Mạng xã hội cũng là kênh giám sát dư luận xã hội, từ đó các cơ quan ban hành chính sách lắng nghe và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế đời sống, nguyện vọng của nhân dân.
Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã tận dụng những ưu thế của mạng xã hội để giải quyết công việc và kết nối thông tin đến người dân. Những tin nhắn qua mạng xã hội của Bộ Y tế, của chính quyền các địa phương vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp đã cung cấp những thông tin chính thức để người dân hiểu rõ tình hình đồng thời nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch bệnh. Ủy ban nhân dân nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng khai thác những tiện ích của mạng xã hội để đăng tải các thông báo, các công việc của địa phương cũng như triển khai thêm kênh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân…
Nhìn ra các nước trong khu vực, Chính phủ nhiều quốc gia cũng tích cực sử dụng mạng xã hội để kiểm soát tin giả và phổ biến chính sách đến gần với người dân.
Trang Facebook có tick xanh của Thủ tướng Lý Hiển Long. (Ảnh chụp màn hình)
Chẳng hạn, trong thời gian chống dịch COVID-19, các nhà chức trách Singapore sử dụng Facebook như một phương tiện hữu hiệu để truyền tải các chính sách của nội các, chuẩn bị tinh thần cho người dân Singapore trong cuộc chiến chưa từng có tiền lệ này.
Khi chính quyền Singapore tuyên bố nâng cấp độ dịch từ vàng lên da cam, người dân lo lắng, đổ xô đến các siêu thị tích trữ đồ ăn, nhu yếu phẩm. Lúc này các lãnh đạo hành động khá nhanh chóng để làm yên lòng người dân. Bộ trưởng Nội vụ Singapore đã tới siêu thị lớn tại vùng ngoại ô, đăng cả ảnh lẫn video các kệ đầy ắp hàng hóa lên tài khoản Facebook và Instagram của mình. Những bài đăng của Bộ trưởng lập tức được chia sẻ hơn 200.000 lần trong ngày. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng tạo một video ngắn trên Facebook, khẳng định kho dự trữ chiến lược quốc gia vẫn đầy đủ. Hay Bộ trưởng Công thương Singapore đăng trên Facebook cá nhân ảnh đón chuyến hàng rau xanh đầu tiên từ New Zealand ngay tại cảng. Chỉ hai ngày sau, Singapore không còn chứng kiến cảnh người dân xếp hàng mua tích trữ lương thực, thực phẩm. Điều này cho thấy mạng xã hội đã phát huy tác dụng tích cực theo cách của các nhà lãnh đạo Singapore.
Tại Thái Lan, năm 2019, Chính phủ thành lập Trung tâm Chống tin giả, sử dụng trí tuệ nhân tạo và các nhân viên giám sát đã được huấn luyện nhằm nhận diện và xác minh các thông tin giả mạo. Song song với đó, Chính phủ Thái Lan cũng đẩy mạnh việc sử dụng các nền tảng phổ biến như Facebook, Twitter và LINE để tuyên truyền thông tin tới người dân thay vì chỉ đăng tải trên các phương tiện truyền thống như phát thanh, truyền hình trước đây.
Hành trình báo chí thu thập dữ liệu để phục vụ mục đích kinh doanh. Nguồn: WAN-IFRA
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã lập một trang Facebook riêng để thường xuyên công bố các chủ trương, quyết định của Chính phủ. Trang Facebook này được thường xuyên cập nhật thông tin và hiện có hơn 1,3 triệu người theo dõi. Ngoài ra, các cơ quan chính phủ và nhiều nhân vật quan trọng trong nội các cũng thường xuyên đăng tải thông tin lên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram và LINE…
Cũng giống như các nước khác trên thế giới, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới, đã làm thay đổi cách thức tương tác và giao tiếp giữa các cơ quan nhà nước với công chúng. Quá trình ứng dụng ICT trong các cơ quan nhà nước được khởi xướng tại Indonesia với Chỉ thị Tổng thống số 3/2003 về việc triển khai Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình đồng thời thúc đẩy chuyển đổi hướng tới kỷ nguyên xã hội thông tin.
Hầu hết chính khách Indonesia đều hoạt động rất tích cực trên môi trường mạng xã hội để truyền tải thông điệp, thông tin về các hoạt động thường nhật và thu hút cử tri/người ủng hộ. Với tư cách là phương tiện thông tin đại chúng phổ biến, truyền thông xã hội đã và đang đóng vai trò chiến lược trong cạnh tranh chính trị tại Indonesia, nhất là trước thềm các cuộc tổng tuyển cử, bầu cử tổng thống.
TTXVN và chiến lược xây dựng các nền tảng số
– Trong bối cảnh công nghệ số đang tác động mạnh tới mọi khía cạnh, báo chí cũng không thể đứng ngoài cuộc. Là một trong những cơ quan báo chí lớn của Việt Nam, TTXVN đã có chiến lược ứng dụng truyền thông số để thực hiện nhiệm vụ chính trị như thế nào, thưa bà?
Nhà báo Vũ Việt Trang: Triển khai nhiệm vụ của cơ quan thông tấn quốc gia, cùng với xu hướng báo chí trong và ngoài nước, TTXVN đang phát triển theo mô hình truyền thông chủ lực đa phương tiện. Bên cạnh duy trì hình thức đăng tải và phát hành báo chí truyền thống, TTXVN đã chủ động, tích cực phổ biến thông tin lên mạng xã hội nhằm lan tỏa rộng rãi nguồn thông tin chính thống, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cung cấp nguồn thông tin chính thống đến đông đảo công chúng.
Hiện TTXVN có 14 fanpage được Facebook xác thực với định hướng phổ biến thông tin chính thống, tuyên truyền những thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Các trang facebook bằng các ngữ đã phát huy hiệu quả trong thực hiện, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.
TTXVN sử dụng nền tảng số như một kênh phân phối nội dung hữu hiệu, đặc biệt là nội dung đa phương tiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để lan tỏa thông tin rộng rãi tới người dùng trên toàn cầu.
Trong các đợt thông tin trọng điểm về các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 hay trong đợt thông tin về Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) vừa qua, thông tin trên các nền tảng truyền thông số của TTXVN như các trang web chuyên biệt, các trang Facebook đa ngôn ngữ đã khẳng định ưu thế của TTXVN về thông tin dữ liệu và thông tin đa phương tiện. Độ lan tỏa thông tin rộng rãi trên các nền tảng số đã góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhanh chóng vào cuộc sống, phản ánh sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong công tác quản lý và điều hành đất nước.
– Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về hoạt động của các đơn vị thông tin TTXVN trên không gian mạng?
Nhà báo Vũ Việt Trang: Có thể khẳng định các đơn vị thông tin của TTXVN đều tích cực chuyển đổi số để “nhanh” hơn trên cuộc đua công nghệ trong nền báo chí hiện đại. Trong số đó, với vai trò là Báo điện tử đối ngoại quốc gia, VietnamPlus đã đẩy mạnh phát triển lượng tiếp cận trên các nền tảng số.
Cụ thể, bên cạnh fanpage tiếng Việt, VietnamPlus lập tài khoản trên các nền tảng được nhiều người sử dụng khác như Zalo, TikTok, MyClip, Twitter,… Kênh YouTube của VietnamPlus đã đạt Nút Bạc (hơn 100.000 lượt theo dõi), kênh Tiktok đạt “tick xanh” (được xác nhận chính thức) đạt gần 1 triệu lượt theo dõi, nhiều video đạt con số hàng triệu lượt truy cập và được nhiều cơ quan báo chí khác sử dụng lại; các chương trình Podcast của tòa soạn được cập nhật đều đặn trên các nền tảng như Spotify, Apple Podcast, Facebook…
Các sản phẩm tin, bài của VietnamPlus cũng được thể hiện theo phong cách hiện đại, như video 1:1 dạng mutex (lời bình được thể hiện qua phụ đề trên nền nhạc có bản quyền), đáp ứng được thị hiếu cũng như thói quen xem video trên điện thoại, máy tính bảng.
Hiện nay, một số sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng đã và đang được triển khai. Theo đó, VietnamPlus ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp tăng lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng Thư tòa soạn (Newsletter) hay Tin tuyển chọn từ Ban biên tập (Editors Picks)…
Ngày 6/1/2021, VietnamPlus và Insider đã ký kết thỏa thuận hợp tác, hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, mở rộng tiềm năng của thị trường truyền thông trong lĩnh vực thu thập-phân tích dữ liệu. Việc hiểu rõ người dùng sẽ giúp VietnamPlus đưa ra những giải pháp nội dung phù hợp với đối tượng độc giả được hướng tới.
Các thông tin chính thống của TTXVN được VietnamPlus đưa lên mạng xã hội đã góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi các tin xấu độc, tin giả không có kiểm chứng, giúp định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội.
Kênh Truyền hình Thông tấn VNews cho phép người xem chia sẻ video trên nhiều kênh mạng xã hội.
Bên cạnh VietnamPlus, các cơ quan thông tin đối ngoại khác của TTXVN như Báo ảnh Việt Nam, Báo Việt Nam News, Truyền hình Thông tấn (VNews) cũng đẩy mạnh khai thác lợi thế của Internet trong việc truyền tải thông tin tới độc giả, đặc biệt là người Việt Nam và người nước ngoài trên khắp thế giới.
Từ năm 1998, wesbsite điện tử Báo ảnh Việt Nam đi vào hoạt động với thể loại ảnh báo chí đã cung cấp những chuyên đề ảnh truyền tải hiệu quả hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, nhân văn, hội nhập đến bạn đọc năm châu trên nền tảng Internet. Trước nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của công chúng, năm 2014, Báo ảnh Việt Nam đã tích hợp thêm chuyên mục Truyền hình Báo ảnh Việt Nam. Trang web Báo ảnh Việt Nam hiện được nâng cấp tích hợp các chức năng like, share với Facebook. Qua đó, sản phẩm thông tin của Báo ảnh Việt Nam được tiếp cận đến độc giả nhiều hơn. Chính yếu tố này đã giúp trang web Bảo ảnh Việt Nam có hơn 3,6 triệu lượt truy cập mỗi năm. Hiện Báo ảnh Việt Nam đang xây dựng kế hoạch khai thác ưu thế của các tính năng tích hợp FPT Play, Zalo, Skype hay Viber…
Báo Việt Nam News (VNS) đẩy mạnh khai thác lợi thế của mạng Internet một cách hữu ích và hiệu quả trong việc truyền tải thông tin tới độc giả, đặc biệt là người Việt Nam và người nước ngoài trên khắp thế giới. Mạng xã hội giúp thông tin đối ngoại của VNS lan tỏa nhanh chóng hơn, tới đông đảo độc giả hơn. Ngoài ra, bản PDF và bản điện tử của VNS đã được đưa lên một số mạng bán báo quốc tế để tăng cường phạm vi phát hành ở nước ngoài. Thông tin của VNS cũng được phát hành thông qua nhiều nhà cung cấp dữ liệu quốc tế và các đối tác báo chí nước ngoài. Thời gian gần đây, VNS đã hướng tới đa dạng hóa loại hình thông tin, có các sản phẩm đa phương tiện để thu hút nhiều công chúng hơn.
Truyền hình Thông tấn (VNews) cũng đã có thay đổi chiến lược về tiếp cận nội dung, xây dựng phương án truyền tải nội dung số. Là kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu quốc gia, Truyền hình Thông tấn đã tận dụng các giải pháp công nghệ để lan tỏa, phổ biến thông tin phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu về thông tin của công chúng ở mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài. Thông tin được đăng tải đầy đủ trên các hạ tầng: Cab, DVB-S, DVB-T, OTT…
Nhà báo Vũ Việt Trang phát biểu tại hội thảo “Phát triển nội dung trên nền tảng số” do Liên chi hội báo chí Thông tấn xã Việt Nam tổ chức ngày 16/6
– Từ kinh nghiệm quản lý, điều hành TTXVN, xin bà chia sẻ quan điểm sử dụng nền tảng số như thế nào để báo chí giữ vững vị thế chính thống của mình?
Nhà báo Vũ Việt Trang: Báo chí, truyền thông chính thống vẫn luôn là nơi để độc giả kiểm chứng, xác minh độ chính xác của thông tin. Do vậy, báo chí cần giữ vững thế mạnh và tôn chỉ hoạt động của mình để trở thành dòng thông tin chủ lưu trên không gian mạng. Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021 sẽ góp thêm sức mạnh cùng các cơ quan báo chí trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị thời kỳ mới.
Để thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan báo chí bên cạnh việc thông tin chính xác các sự kiện/vấn đề còn thực hiện vai trò phản ánh việc thực thi, đưa ra các ý kiến khách quan, đánh giá của những người có thẩm quyền, giới chuyên gia, các đối tượng chịu tác động để công chúng có cái nhìn tổng quan, toàn diện…
Mạng xã hội không phải là bản sao của các cơ quan báo chí. Một tác phẩm báo chí có thể là một câu chuyện toàn diện nhưng khi chuyển tải lên mạng xã hội thường được rút gọn lại, đôi khi chỉ còn là một thông điệp ngắn gọn. Vì vậy, việc đăng tải thông tin lên mạng xã hội cần có sự cẩn trọng, cân nhắc về cách thể hiện để các thông điệp đưa ra phải chuẩn xác và đúng bản chất vấn đề. Có như vậy, những ưu thế của mạng xã hội như sự tương tác, bình luận và chia sẻ với tốc độ cao mới có thể phát huy, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị một cách hiệu quả.
– Xin trân trọng cảm ơn bà!