Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Hồng Anh).
Hội nghị tập trung thảo luận về những vấn đề đặt ra đối với việc tổ chức APF, những vấn đề quan tâm chính và công tác chuẩn bị tham gia của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong tiến trình APF năm nay.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng APF 2022 cần quan tâm thảo luận, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cho người lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là trong giai đoạn hậu Covid-19; việc thực hiện các cam kết của chính phủ trong chăm sóc sức khỏe sức khỏe cộng đồng và ứng phó với các thách như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…
Theo bà Văn Thị Thu Hà - Điều phối viên Nguồn dữ liệu châu Á, người lao động khu vực phi chính thức gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn hậu Covid-19 trong khi chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này ở các nước còn khiêm tốn. Việc đề xuất thảo luận nội dung này tại APF 2022 là dịp để các nước chia sẻ chính sách, sáng kiến hỗ trợ lao động phi chính thức và góp phần thúc đẩy chính sách an sinh xã hội đối với nhóm lao động này.
Ngoài ra, đại diện các tổ chức nhân dân Việt Nam tham dự Hội nghị cũng đề xuất nhiều vấn đề cần quan tâm thảo luận tại APF 2022 như: lao động di cư, biến đổi khí hậu, các vấn đề sông Mê Công…
Trước đó, ông Đồng Huy Cương – Tổng Thư ký Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã cập nhật thông tin đến các đại biểu về sự chuẩn bị của nước chủ nhà Campuchia và khu vực cho APF 2022.
Theo đó, APF 2022 dự kiến tổ chức vào tháng 10/2022 trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN. Một trong những nội dung quan trọng các nước ASEAN quan tâm hiện nay là phục hồi sau Covid-19. Việc phục hồi sau Covid-19 không chỉ là nhiệm vụ duy nhất của chính phủ các nước ASEAN mà cũng là trách nhiệm và có sự đóng góp rất lớn của người dân và các tổ chức nhân dân. Do đó các tổ chức, mạng lưới có thể đề xuất những mối quan tâm, giải pháp của mình thông qua APF.
Hội nghị cũng đã thống nhất cử ông Đồng Huy Cương, đại diện cho các tổ chức nhân dân Việt Nam tham gia Ban Điều hành khu vực APF 2022.
Q.Hoa t.h / Theo Thời Đại