Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ mới, và được chỉ đạo rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng.
Văn kiện Đại hội XI (tháng 1/2011) nêu rõ: "Việt Nam chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương," đồng thời xác định nhiệm vụ "Phấn đấu cùng các nước ASEAN xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh."
Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đã xác định phương hướng đối với hợp tác trong ASEAN là "chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh," "chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc."
Với định hướng này, việc tham gia ASEAN trở thành một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, một trọng tâm chiến lược của ngoại giao đa phương trong ASEAN của Việt Nam.
Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030" một lần nữa nhấn mạnh cần "tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả vai trò thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN," "phát huy vị thế của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng cao vị thế, sự hiện diện của Cộng đồng trên trường quốc tế."
Như vậy, trong suốt 27 năm qua và kể cả trước đó, chính sách của Việt Nam với ASEAN phản ánh sự phát triển căn bản trong tư duy đối ngoại và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của đất nước.
Điểm lại các mốc nổi bật trong 27 năm Việt Nam tham gia ASEAN cho thấy một Việt Nam tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, ở đó người dân là trung tâm.
Đó là việc hai lần đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN (2010, 2020); tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, lần thứ 17 và lần thứ 36, 37 (1998, 2010, 2020); tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF on ASEAN) năm 2018, Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41) năm 2020, Diễn đàn cấp cao của ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững năm 2021.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đảm nhiệm vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN với Liên minh châu Âu (EU); là Chủ tịch luân phiên Ủy ban các nước ASEAN tại Buenos Aires từ tháng 7/2022.
Việt Nam là nước đầu tiên thành lập Diễn đàn khu vực của ASEAN (gọi tắt là ARF) vào năm 1994, sau đó là một loạt cơ chế của ASEAN đều có sự đóng góp của Việt Nam.
Ví dụ, cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng được thành lập vào thời kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2010 hay các cơ chế về phòng, chống COVID-19, các dịch bệnh khác.
Những bước đi hướng tới tương lai của ASEAN, như những trao đổi về tầm nhìn ASEAN sau 2025, cũng đều là các sáng kiến của Việt Nam.
Một đóng góp có ý nghĩa quan trọng nữa, theo ông Vũ Hồ, đó là sự khẳng định vị thế cũng như chính sách của Việt Nam đối với khu vực và thế giới. Đó là việc lấy đối thoại và hợp tác, luật pháp quốc tế làm công cụ chủ yếu trong quan hệ với các nước xung quanh, lấy sự hòa hiếu làm tiền đề để có thể trao đổi, hợp tác.
Từ đó, khẳng định rõ Việt Nam là một đối tác hết sức trách nhiệm với cộng đồng, với quan hệ của mình, với thế giới bên ngoài, trong đó có cả khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo ông Vũ Hồ, với chủ đề của năm ASEAN 2022 là "ASEAN hành động cùng ứng phó với thách thức," Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp trong duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như đảm bảo đời sống ổn định của người dân ở khu vực ASEAN.
Trong năm 2022 cũng như giai đoạn tiếp theo, Việt Nam luôn lấy hòa bình và ổn định làm mục tiêu, lấy tinh thần trách nhiệm làm phương châm khi tham gia ASEAN.
Cùng với đó là sự đối thoại chân thành, thẳng thắn tất cả các vấn đề dựa trên tinh thần hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây cũng chính là các nguyên tắc của ASEAN.
Ông Vũ Hồ nêu ví dụ, Việt Nam đã tham góp vào việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đang tham gia hết sức tích cực vào quá trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Những hoạt động này đều đóng góp cho quá trình xây dựng lòng tin, kiểm soát xung đột, tranh chấp.
Mới đây, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Việc Việt Nam gia nhập ASEAN đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng của đất nước. Tiến trình đó được diễn ra với sự hội nhập sâu rộng về chính trị, kinh tế, ngoại giao và tất cả các mặt khác với các nước và các tổ chức trên thế giới của Việt Nam."
Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam ngày càng chứng tỏ mình là thành viên hết sức có trách nhiệm, tích cực đối với ASEAN cũng như cộng đồng thế giới.
Việt Nam cùng với các nước ASEAN đã tích cực xây dựng cộng đồng ASEAN trên tất cả các trụ cột từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và đặc biệt là dành ưu tiên cho tăng cường kết nối ASEAN.
Và trong quá trình đó, Việt Nam cùng với các nước ASEAN mở rộng quan hệ với rất nhiều đối tác trên thế giới. Điều đó được phản chiếu bằng việc rất nhiều nước trên thế giới tiếp tục muốn trở thành đối tác của ASEAN.
Trong bối cảnh ASEAN đang đối mặt với những thách thức truyền thống và phi truyền thống, như tranh chấp lãnh thổ, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, Việt Nam, với vai trò trung tâm ASEAN tiếp tục thúc đẩy tinh thần đối thoại, hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp bất đồng, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của các quốc gia, tránh các xung đột, mâu thuẫn./.
Q.Hoa t.h / TTX