Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama trong cuộc gặp ngày 13/1/2014 (ảnh: VTC)
Sau khi được thành lập, Hội Việt - Mỹ thân hữu đã có cơ quan ngôn luận riêng, có tạp chí bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, có chương trình phát thanh chuyên đề giới thiệu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với nhân dân Mỹ.
Sự thành lập Hội Việt - Mỹ thân hữu là một sách lược về đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ. Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức được vai trò của Mỹ trên trường quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ cho cuộc đấu tranh chống Pháp xâm lược. Những hoạt động của Hội Việt - Mỹ thân hữu đã tạo cơ sở cho việc mở rộng những hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam nói chung và trong quan hệ với Mỹ nói riêng ở những giai đoạn tiếp theo. Thông qua những hoạt động của Hội Việt - Mỹ thân hữu, Chính phủ Việt Nam muốn gửi đi một thông điệp quan trọng là Việt Nam muốn có quan hệ thân thiện và hữu nghị với Mỹ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Chính phủ Việt Nam xác định đối ngoại là một mặt trận quan trọng, trong đó đối ngoại nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả ngày càng cao. Cuộc chiến tranh phi nghĩa do Chính quyền Mỹ phát động ở Việt Nam đã bị chính nhân dân Mỹ lên án. Phong trào đấu tranh chống chiến tranh Việt Nam phát triển mạnh trong các tầng lớp nhân dân Mỹ.
Nhằm tranh thủ sự ủng hộ to lớn của nhân dân Mỹ đối với cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ, ngày 10/7/1968, Chính phủ Việt Nam đã cho thành lập Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ, gọi tắt là Ủy ban Việt - Mỹ. Phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị - xã hội khác của Việt Nam, đứng đầu là Ủy ban phối hợp toàn quốc, Ủy ban Việt - Mỹ đã tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh đòi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trọng tâm các hoạt động là tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ liên tục, mạnh mẽ của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đối với nhân dân Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu chính trị của kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ đã diễn ra ở nhiều nơi trên đất Mỹ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đỉnh cao của các phong trào này là vụ tự thiêu của ông Norman Morison trước trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ để phản đối chiến tranh xâm lược do Chính phủ Mỹ đang tiến hành ở miền Nam Việt Nam. Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đã đánh mạnh vào chính sách xâm lược của các chính quyền Mỹ và góp phần vào sự thất bại của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Thời kỳ này chính công chúng Mỹ đã tham gia vào những hoạt động đối ngoại nhân dân ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống xâm lược Mỹ. Đồng thời, đối ngoại nhân dân Việt Nam đã góp phần bóc trần bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới trong đó có nhân dân Mỹ.
Sau khi Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn và thống nhất đất nước năm 1975, Chính quyền Mỹ thi hành chính sách thù địch và cấm vận đối với Việt Nam. Các cuộc tiếp xúc giữa công dân hai nước hầu như không có điều kiện thực hiện.
Tháng 12/1986, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở. Đây là một chuyển biến quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Thực tế này đã tạo điều kiện cho sự khởi sắc trong quan hệ quốc tế của Việt Nam nói chung và trong quan hệ với Mỹ nói riêng. Mặc dù quan hệ giữa hai Nhà nước vẫn còn hạn chế, nhưng nhân dân Mỹ, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ, rất quan tâm đến Việt Nam. Xuất phát từ mong muốn hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam và hàn gắn vết thương chiến tranh, các cựu chiến binh Mỹ đã trở thành những người tiên phong trong các hoạt động đối ngoại nhân dân của Mỹ.
Bước vào thập niên 90, tình hình quốc tế và khu vực Đông Nam Á có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoại giao Nhà nước trong quan hệ Việt - Mỹ đạt được những tiến bộ mới. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII (6/1991) đã khẳng định: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đường lối đối ngoại này đã góp phần thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Trên phương diện đối ngoại nhân dân, đây cũng là thời kỳ cả hai nước đẩy mạnh nhiều hoạt động.
Tuy nhiên, các hoạt động đối ngoại nhân dân chỉ thực sự được phát huy kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Cùng với các hoạt động ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được Chính phủ hai nước chú trọng phát triển cả về nội dung và hình thức. Mục tiêu và cách thức hoạt động đối ngoại nhân dân của hai nước tập trung chủ yếu trên lĩnh vực hòa bình, hữu nghị và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.
Tháng 12/2006 Bill Clinton với tư cách chủ tịch Quỹ Bill Clinton trong chuyến thăm các nước châu Á nhằm tăng cường hợp tác theo chương trình phòng chống HIV/AIDS. Trong ảnh, cựu tổng thống được người dân Hà Nội nhiệt tình chào đón. Ảnh: AFP.
Đối ngoại nhân dân trong quan hệ Việt - Mỹ gắn liền với lịch sử quan hệ hai nước, vì thế có lúc trầm, lúc thăng. Trong suốt những năm chiến tranh, đối ngoại nhân dân chủ yếu đến từ phía Việt Nam, tập trung vào tuyên truyền và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Do có sự khác biệt về thể chế chính trị và trình độ phát triển nên phạm vi và hình thức của hoạt động đối ngoại nhân dân của hai nước cũng khác nhau.
Với lợi thế là cường quốc kinh tế, Mỹ đã thực hiện nhiều tài trợ cho Việt Nam thông qua các chương trình giao lưu nhân dân. Về phía Việt Nam, các hoạt động đối ngoại nhân dân có sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, ban ngành khác nhau và thu hút được một lực lượng lớn công chúng tham gia. Việt Nam đã tranh thủ được sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ Mỹ để đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá hình ảnh đất nước và văn hóa dân tộc, giải quyết một số vấn đề xã hội và phát triển của Việt Nam.
Theo đánh giá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đối ngoại nhân dân đã “góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế” và đối ngoại nhân dân của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ đã góp phần vào thành tích chung này
NN
(Bài viết có sự tham khảo nội dung cuốn sách "Ngoại giao nhân dân trong quan hệ đối ngoại của Mỹ" của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2009.)