Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo "Nhìn lại 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện và triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững".
Hội thảo đã nhìn lại quan hệ song phương giữa hai nước trong thời gian qua; những hạn chế và khó khăn, bài học kinh nghiệm; những thành tựu đạt được và những nhân tố, trụ cột thúc đẩy quan hệ hai nước, trong đó có đóng góp quan trọng của đối ngoại nhân dân. Đồng thời gợi mở những nội dung hợp tác có thể triển khai để đưa quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực quan trọng này cũng như trên toàn thế giới.
Thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, nguyên Chủ tịch VUFO Vũ Xuân Hồng nhắc lại kỷ niệm năm 2013 ông được tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ. Trong chuyến đi này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện.
"Không có bất kỳ người lạc quan nào trong chúng ta khi đó nghĩ rằng sau 10 năm (năm 2023) hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất. 10 nội dung trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ hứa hẹn tương lai to lớn cho quan hệ hai nước", ông Hồng cho biết.
Ông Vũ Xuân Hồng (thứ hai, từ phải sang), nguyên Chủ tịch VUFO trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Nói về đóng góp của đối ngoại nhân dân đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, ông Hồng cho biết: đối ngoại nhân dân nói chung và Hội Việt - Mỹ nói riêng đã góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân hai nước về nhau, giúp gần nhau hơn, tạo sự đồng thuận cho những quyết sách chính trị quan trọng của lãnh đạo Việt Nam, Hoa Kỳ để qua từng giai đoạn lịch sử phát triển quan hệ hai nước cho đến ngày nay.
Hội Việt - Mỹ, tiền thân là Việt - Mỹ thân hữu Hội, thành lập ngày 17/10/1945 chỉ một tháng rưỡi sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là hội hữu nghị nhân dân đầu tiên của Việt Nam được thành lập, làm công tác vận động, phối hợp với nhân dân Hoa Kỳ để làm cơ sở quần chúng, nền tảng nhân dân xây dựng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong tương lai.
Năm 1946, Bác Hồ gửi thư cho Tổng thống Truman bày tỏ mong muốn Việt Nam độc lập, chủ quyền, tự do đồng thời phát triển đầy đủ quan hệ với Hoa Kỳ. Ông Hồng nhận định, sự kiện ngày 10/9/2023 hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất vừa qua đã thực hiện được mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kể lại những năm kháng chiến chống Mỹ đến khi kết thúc chiến tranh, phá thế bao vây, cấm vận, bình thường hóa quan hệ, ông Vũ Xuân Hồng cho biết khi đó chỉ có kênh đối ngoại nhân dân, trực tiếp là Hội Việt - Mỹ mới có thể tiếp cận, vận động nhân dân, xã hội Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam. Hội đã tổ chức hàng trăm đoàn người Việt Nam sang Hoa Kỳ và người Hoa Kỳ sang Việt Nam để tìm hiểu nhau.
TS Bùi Thị Phương Lan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết bà đến Hoa Kỳ lần đầu tiên năm 1993, lúc đó hai quốc gia chưa công nhận nhau. Visa vào Hoa Kỳ của bà được đóng trên một tờ A4 và chỉ có thể xin được thị thực ở Moscow (Nga) hoặc Bangkok (Thái Lan). Khi đến nơi bà có những trải nghiệm chưa từng có.
Năm 1994, khi đang học tại Texas, qua tivi nhận được tin Hoa Kỳ sắp bỏ cấm vận Việt Nam, bà Lan bật khóc. Chặng đường mà hai nước đã vượt qua rất dài, trong đó giai đoạn 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện có ý nghĩa lớn vì thời kỳ này đã xây dựng nền tảng vững chắc cho quan hệ bình đẳng, tôn trọng, cùng nhau hòa giải quá khứ, xây dựng những lợi ích song trùng cho tương lai.
Quan hệ đã "chín muồi"
Theo cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến, khi nói đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nhiều học giả trên thế giới ngạc nhiên vì sự phát triển nhanh chóng từ "cựu thù" thành "đối tác cao nhất" trong quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cho rằng đây là điều không ngạc nhiên vì quan hệ hai nước đã "chín muồi". Để có được kết quả đó là cả một quá trình vừa phải nỗ lực cao vừa phải băn khoăn, trăn trở.
Kinh tế là một trụ cột trong quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Chiến nhắc lại một số mốc đáng nhớ như năm 2003 Đại tướng Phạm Văn Trà là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Việt Nam đầu tiên đến thăm Mỹ; năm 2005 Thủ tướng Phan Văn Khải là Thủ tướng Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh... Đây là mốc đưa quan hệ hai nước "lên đường ray" hợp tác nhiều mặt cùng có lợi. Ngay năm sau, Hoa Kỳ đã cấp Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho phía Việt Nam vào tháng 12/2006. Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Năm 2013 Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập Đối tác toàn diện và hiện giờ là Đối tác chiến lược toàn diện.
Việt Nam - Hoa Kỳ có bước tiến dài như vậy, theo ông Chiến, là nhờ sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân hai nước. Đây là chặng đường đầy gian nan, vất vả nhưng cũng đầy tự tin vào tương lai.
Theo Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), Đối tác chiến lược dựa trên hai trụ cột là lòng tin chiến lược và lợi ích chiến lược. việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững mở ra cơ hội cho cả Việt Nam - Hoa Kỳ. Hai nước cần có chiến lược, sách lược để khai phá cơ hội này, mà việc đầu tiên là phải hiểu nhu cầu của nhau.
Ông tin rằng thời gian tới kinh tế sẽ là trụ cột chủ yếu trong quan hệ hai nước, trong đó đầu tư đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Christopher Vanloon, Giám đốc Amcham Đà Nẵng cho rằng, 2 năm tới là giai đoạn "cửa sổ" mang tính quyết định đối với tương lai hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ. Về trọng tâm hợp tác kinh tế, đặc biệt là thương mại, đầu tư, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ ủng hộ tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam nhưng cần duy trì năng lượng đó bằng cách thu hút hàng tỷ USD vào Việt Nam.
Nhiều ý kiến khác tại hội thảo cho rằng, lợi ích của chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn có thể giúp Việt Nam tăng trưởng; doanh nghiệp Mỹ muốn đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu phát triển không nhanh, hiệu quả không được như mong muốn, họ sẽ xem xét việc ở lại Việt Nam hay chuyển vốn đầu tư sang nước khác. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết về mặt hệ thống, tập trung vào lòng tin lẫn nhau, sự minh bạch, cải tiến, đơn giản hóa thủ tục...
Q.Hoa t.h / Thời Đại