Mỹ khẳng định một số phần trong đường 9 đoạn của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và các nước liên quan. Ảnh: Rappler
"Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách 'các quyền lịch sử' của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong 'đường đứt đoạn' do Trung Quốc đơn phương đưa ra", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết hôm nay.
Đề cập tới Văn kiện lập trường của Trung Quốc hôm 7/12 về vụ kiện Trọng tài Biển Đông, ông Bình nhấn mạnh Việt Nam một lần nữa tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông.
Trung Quốc hôm 7/12 tái khẳng định sẽ không tham gia vụ kiện tranh chấp chủ quyền Biển Đông tại tòa án trọng tài quốc tế The Hague do Philippines đương đơn. Tuyên bố này được đưa ra chỉ ít ngày trước 15/12, thời hạn mà tòa án trọng tài yêu cầu Bắc Kinh đưa ra phản biện đối với vụ kiện.
Đề cập vụ kiện, ông Lê Hải Bình cho biết: "Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.
Trung Quốc hồi 2009 công bố yêu sách đường 9 đoạn chiếm gần 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm nhiều khu vực thuộc chủ quyền của các quốc gia ven biển ở khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Gần đây Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo và xây dựng ở quần đảo Trường Sa để biến các đá thành các đảo nhân tạo, nhằm củng cố yêu sách đường 9 đoạn.
Yêu sách này không được bất cứ quốc gia nào công nhận. Trong nghiên cứu công bố hôm 6/12, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông là mơ hồ, phần lớn các phần diễn giải yêu sách không tuân theo luật quốc tế.