Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự phiên Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển diễn ra tại thành phố Nizhny Novgorod, Nga. (Nguồn: TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, sáng 11/6 (theo giờ địa phương), Phiên “Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển” đã diễn ra tại thành phố Nizhny Novgorod, Liên bang Nga.
Phiên Đối thoại được tổ chức nhân dịp diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm BRICS năm 2024.
Tham dự Đối thoại có Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên BRICS gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, UAE, Iran, Saudi Arabia, Ethiopia và Ai Cập, cùng các Bộ trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao 12 nước khách mời gồm Bahrain, Bangladesh, Belarus, Cuba, Kazahstan, Lào, Mauritiania, Nigeria, Sri Lanka, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela và Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Phiên Đối thoại.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov bày tỏ mong muốn BRICS phát huy hơn nữa vai trò, tăng cường phối hợp với nước đang phát triển thúc đẩy hợp tác toàn cầu, xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu cân bằng và công bằng hơn.
Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế; kêu gọi tăng cường vai trò, tiếng nói các nước đang phát triển và đề xuất đẩy mạnh hợp tác giữa BRICS với các đối tác, nhất là các nước đang phát triển trong bảo đảm an ninh, ổn định, phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng chỉ ra rằng tăng cường khuôn khổ pháp lý quốc tế và các nguyên tắc tập thể cần được đặt lên hàng đầu khi đưa ra quyết định về các vấn đề toàn cầu.
Ông Lavrov nhấn mạnh BRICS sẽ hài hòa trên nguyên tắc từng bước và tôn trọng lẫn nhau các cách tiếp cận đối với tất cả các vấn đề mà các hiệp hội trên đang quan tâm.
Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhận định trên cơ sở những thành tựu đạt được trong gần hai thập kỷ, BRICS có tiềm năng đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong việc thúc đẩy đối thoại và điều phối các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
Trong bối cảnh thế giới trải qua chuyển đổi sâu sắc, phức tạp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đề xuất BRICS tiếp tục phối hợp với các nước đang phát triển thúc đẩy 3 trọng tâm.
Một là tăng cường hợp tác đa phương, trong đó cần tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong điều phối các nỗ lực toàn cầu thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững; xây dựng lòng tin và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Hai là nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị và thực hiện các chương trình nghị sự về phát triển toàn cầu. BRICS cần đóng góp hơn nữa để đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm các nước đang phát triển có cơ hội tiếp cận các thành tựu công nghệ đột phá, hội nhập kinh tế sâu rộng và thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, bao trùm và không phân biệt đối xử.
Ba là tăng cường tính tự cường, khả năng thích ứng và năng lực của các nước đang phát triển trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. BRICS cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác, đặc biệt là các nước đang phát triển trong thúc đẩy các hành động khí hậu toàn cầu, đóng góp tích cực vào các nỗ lực toàn cầu bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, cũng như phòng chống, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định Việt Nam triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển chất lượng cao, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, nâng cao tính tự cường với người dân là trung tâm của chiến lược phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào hoạt động của các tổ chức, cơ chế hợp tác toàn cầu, liên khu vực và khu vực vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đối tác về Tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào năm 2025 và mong muốn phối hợp với các nước thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đã có các cuộc làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Brazil, ông Eduardo Paes Sabola, Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela, bà Tatiana Pugh Moreno và Thứ trưởng Ngoại giao Bahrain, ông Isa Nasser Al Noaimi.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng gặp Thứ trưởng Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia. (Nguồn: TTXVN)
Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Brazil đề nghị hai nước phối hợp triển khai hiệu quả kết quả chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Viera (tháng 4/2024).
Với vai trò Chủ tịch Nhóm Các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Brazil mong muốn Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực vào G20, sẵn sàng phối hợp với Việt Nam trong các diễn đàn đa phương năm 2025 khi Việt Nam đăng cai P4G và Brazil đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị thưởng đỉnh lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 30).
Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela đánh giá cao kết quả chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Yvan Gil Pinto (7-8/6 vừa qua); cho biết Bộ trưởng và Đoàn Venezuela hết sức ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của Việt Nam.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được vừa qua.
Tại cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Bahrain, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế của Bahrain thời gian qua; bày tỏ tin tưởng Bahrain sẽ sớm hiện thực hóa Tầm nhìn kinh tế Bahrain năm 2030. Hai bên khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương thời gian tới, nhất là trao đổi đoàn các cấp và thúc đẩy hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn tại các cơ chế hợp tác đa phương./.
Theo TTXVN