Chủ tịch nước Tô Lâm nêu trong Thông điệp Đoàn kết gửi Hội nghị chống Bom Nguyên tử và Khinh khí năm 2024. Hội nghị được tổ chức tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản từ ngày 03-09/8/2024 với chủ đề "Cùng với các nạn nhân Hibakusha, hãy cùng nhau đạt được một thế giới công bằng, hoà bình và không có vũ khí hạt nhân – Vì tương lai của nhân loại và hành tinh của chúng ta".
Hội nghị chống Bom Nguyên tử và Khinh khí năm 2024 được tổ chức tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. |
Chủ tịch nước Tô Lâm cũng bày tỏ: “Tôi mong rằng Hội nghị Thế giới chống Bom Nguyên tử và Khinh khí năm nay sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân phê chuẩn TPNW; lên tiếng kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thể hiện mạnh mẽ trách nhiệm quốc tế trong gìn giữ nền hòa bình thế giới và an ninh, an toàn môi trường cho tương lai nhân loại; khẳng định tình đoàn kết cùng nhau nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình và không có vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc”.
Hội nghị Thế giới chống Bom Nguyên tử và Khinh khí năm 2024 được tổ chức nhằm tập hợp các phong trào hòa bình Nhật Bản và thế giới trong cuộc đấu tranh loại bỏ vũ khí hạt nhân. Đại diện Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc của Hội nghị, bày tỏ tình đoàn kết với nạn nhân bom nguyên tử, ủng hộ cho cuộc đấu tranh vì công lý của nạn nhân nguyên tử và nạn nhân da cam, đồng thời chia sẻ thông tin về những nỗ lực, thành tựu và cam kết nhất quán của của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong việc phản đối sử dụng vũ lực dưới mọi hình thức, đặc biệt là sử dụng vũ khí hạt nhân, thúc đẩy giải quyết các cuộc xung đột thông qua đối thoại hòa bình, xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Các tổ chức của phong trào hòa bình Nhật Bản đã khởi động chiến dịch vận động xóa bỏ vũ khí hạt nhân với nhiều hoạt động phong phú. |
Tại Diễn đàn đối thoại với chủ đề “Vì một Châu Á hòa bình và không có vũ khí hạt nhân – Thảo luận với các Chính phủ, các tổ chức phong trào của Nhật Bản và Đông Á” diễn ra vào ngày 04/8, đại diện Ủy ban Hòa bình Việt Nam cũng đã có bài tham luận, chia sẻ thêm thông tin về chính sách đối ngoại của Việt Nam và trao đổi các biện pháp nhằm phát huy vai trò của các tổ chức nhân dân, các phong trào hòa bình trong việc đóng góp vào nỗ lực chung duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Diễn đàn đã thảo luận về tình hình khu vực, tập trung vào những vấn đề tại các điểm nóng căng thẳng hiện nay tại khu vực Đông Á như Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan đồng thời kêu gọi các tổ chức, phong trào hòa bình khu vực và thế giới tích cực lên tiếng bày tỏ quan ngại của người dân, tham gia đóng góp ý kiến và vận động tại các phiên họp của Liên hợp quốc, các hội nghị về chủ đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng đang leo thang ở rất nhiều các điểm nóng, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng hạt nhân mới, đồng thời kêu gọi các bên giải quyết xung đột bằng các biện pháp hoà bình, thông qua đối thoại. Tuyên bố cũng lên án việc tăng cường chi tiêu quân sự, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, răn đe hạt nhân, đồng thời, kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, từ bỏ chiến lược "răn đe hạt nhân" và cam kết tham gia vào Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân (TPNW) để tiến tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Cũng tại hội nghị, các tổ chức của phong trào hòa bình Nhật Bản đã chia sẻ Kế hoạch Hành động hướng tới năm 2025, kỷ niệm 80 năm vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki và kêu gọi sự ủng hộ, tham gia của các tổ chức nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Các tổ chức Nhật Bản đã khởi động chiến dịch vận động xóa bỏ vũ khí hạt nhân với nhiều hoạt động diễn ra trên khắp nước Nhật, bao gồm chiến dịch thu thập chữ ký và triển lãm ảnh để thúc đẩy chính phủ Nhật Bản tham gia Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân (TPNW), hoạt động truyền thông công chúng nhằm nâng cao nhận thức về thiệt hại của bom nguyên tử, và hợp tác quốc tế để đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Hội nghị chống Bom Nguyên tử và Khinh khí năm 2024 đã thu hút sự tham gia của 79 đại biểu quốc tế đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ và gần 3000 đại biểu từ các phong trào hòa bình và nhân dân yêu chuộng hoà bình Nhật Bản.
Dương Thị Nga