Ông Vũ Mão có tình cảm rất đặc biệt với xứ Chùa Tháp. Điều đó cũng không có gì khó hiểu bởi ông đã làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia hơn 30 năm qua, chưa kể tới quãng thời gian trước đó, khi ông là "thủ lĩnh" Đoàn thanh niên sang giúp nước bạn...
Lần đầu tiên ông Vũ Mão đến xứ Chùa Tháp là sau khi đất nước Campuchia mới được giải phóng, thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Lúc bấy giờ, trên cương vị là Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh, ông nhiều lần dẫn đầu Đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam sang thăm Campuchia, giúp bạn tập hợp, đoàn kết lực lượng Hội Thanh niên cứu nước Campuchia do ông Hun Sen làm Chủ tịch đầu tiên. Năm 1983, dưới sự giúp đỡ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Campuchia đã tổ chức được Đại hội lần đầu tiên. “Khi gặp tôi, bao giờ Thủ tướng Hun Sen cũng nói rằng chúng tôi là những người đồng chí, anh em thân thiết. Có lúc ông còn nói vui rằng, chúng tôi là anh em kết nghĩa, cùng đi lên từ phong trào thanh niên”, ông Vũ Mão kể.
Ngược dòng lịch sử hơn 40 năm trước, trong giai đoạn những năm giữa thập niên 1970, tập đoàn Pol Pot với tham vọng thiết lập mô hình diệt chủng “Campuchia Dân chủ” đã ra tay giết hại hàng triệu người dân Campuchia. Mặc dù Việt Nam còn chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và vẫn bị bao vây cấm vận, nhưng hiểu rõ tình thế khó khăn của cách mạng Campuchia, theo sự kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là tự giúp mình”, quân và dân Việt Nam đã sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia đưa đến thắng lợi ngày 7-1-1979, giải phóng đất nước, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại và mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp. Sự giúp đỡ, hy sinh to lớn ấy của quân và dân Việt Nam đã khắc sâu vào trái tim những thế hệ người dân Campuchia. Trong các lần gặp gỡ với ông Vũ Mão dù tại Hà Nội hay Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen vẫn luôn nhắc tới nghĩa cử trong sáng, cao cả của Việt Nam đã giúp khép lại một trang sử đen tối nhất của Campuchia.
![]() |
Ông Vũ Mão và Thủ tướng Campuchia Hun Sen Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Trong số rất nhiều những kỷ niệm được lưu giữ từ mỗi cuộc gặp như vậy, ông Vũ Mão vẫn ấn tượng sâu sắc với lần trên cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Campuchia vào năm 1993. “Khi được giới thiệu trong đoàn Việt Nam có chị Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, là con gái của đồng chí Ba Khanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước), Thủ tướng Hun Sen đã rất ngạc nhiên. Ông ấy vội bước đến ôm chầm lấy chị Vân và nói: Chú mừng quá khi được gặp cháu. Bố của cháu là ân nhân, là người cứu giúp chú rất nhiều trong thời điểm khó khăn nhất”, ông Vũ Mão nhớ lại.
Theo lời kể của Thủ tướng Hun Sen, đồng chí Ba Khanh trước đó từng chiến đấu tại Campuchia. Vào khoảng giữa thập niên 1970, khi ly khai khỏi Khmer Đỏ và trốn chạy sang biên giới Việt Nam, tới đồn biên phòng cửa khẩu của Bình Phước, chàng thanh niên Hun Sen bị cán bộ biên phòng Việt Nam giữ lại. Sau khi hỏi chuyện, biết được rằng chàng thanh niên Campuchia có quen với đồng chí Ba Khanh, các cán bộ đã báo với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé. Nhận được tin, đồng chí Ba Khanh ngay lập tức đến đồn biên phòng đưa chàng thanh niên Hun Sen về báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy và Trung ương. Các đồng chí lãnh đạo Việt Nam nhìn thấy ở chàng thanh niên Hun Sen phẩm chất và bản lĩnh của một cán bộ trẻ nên tạo điều kiện giúp đỡ tập hợp lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia ở tỉnh Đồng Nai, sát cánh cùng Quân tình nguyện Việt Nam, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần thiết thực làm nên chiến thắng lịch sử ngày 7-1-1979.
Màu tím thủy chung
Trong dòng hồi ức của mình, ông Vũ Mão cũng không quên nhắc đến việc bị choáng ngợp trước sự kỳ vĩ và ngưỡng mộ bàn tay tài hoa của người dân Campuchia đã xây dựng nên những Angkor Thom, Angkor Wat khi ông đặt chân đến Angkor vào những năm 1980. Ông cũng cảm phục trước sự hy sinh gian khổ của các chiến sĩ trẻ Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam khi phải bảo vệ Angkor trước sự phá hoại của lính Pol Pot còn lẩn khuất trong những khu rừng gần đó.
Vào một buổi tối ở thủ đô Phnom Penh năm 1989, khi đi dạo dưới ánh trăng, bên bờ dòng Mê Công hiền hòa, phía trước là hình ảnh con đường qua đài Độc Lập với hàng bằng lăng tím trải dài hai bên, bao nhiêu cảm xúc lại ùa về, ông đã sáng tác nên bài hát “Huy hoàng Angkor”. “Màu tím tượng trưng cho sự thủy chung, chính vì thế, hình ảnh màu tím bằng lăng kết thúc bài hát như một tâm nguyện của tôi, rằng tình cảm giữa hai đất nước, giữa nhân dân Việt Nam-Campuchia sẽ mãi mãi bền chặt”, ông Vũ Mão vừa kể vừa ngân nga hát: “… Phnom Penh thanh bình mộng mơ dưới ánh trăng đắm say trong màu tím bằng lăng”... Đến năm 2004, ông Vũ Mão có cơ hội thể hiện “Huy hoàng Angkor” trước Quốc vương Campuchia khi đó là Norodom Sihanouk tại buổi tiệc chiêu đãi đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức Campuchia. Sau khi lắng nghe bài hát, Quốc vương Norodom Sihanouk còn đề nghị ông trình bày thêm hai lần nữa. Kể từ đó, “Huy hoàng Angkor” trở thành một trong những bài hát được sử dụng mỗi khi Quốc vương Campuchia tiếp các nguyên thủ nước ngoài.
Theo QĐND