Tình đoàn kết Việt Nam-Campuchia được xây đắp nên từ biết bao xương máu, công sức của nhiều thế hệ. Lớp trước tiến lên, lớp sau kế bước, thế hệ trẻ chính là những “mầm ươm” hữu nghị và chắc chắn sẽ trở thành những “cây đại thụ” tương lai của tình đoàn kết giữa hai nước...
Hiện có hơn 1.000 lưu học sinh Campuchia đang sinh sống và học tập tại Việt Nam. Mỗi em là một hoàn cảnh với những tâm tư nguyện vọng khác nhau mà không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng chia sẻ với những người xung quanh. Thấu hiểu được điều này, năm 2012, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia đã phát động Phong trào “Ươm mầm hữu nghị”. Theo đó, các cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia hoặc những cán bộ Việt Nam từng có thời gian công tác ở Campuchia nhận đỡ đầu các lưu học sinh theo sự giới thiệu của Đại sứ quán Campuchia tại Hà Nội. Cho đến nay, phong trào được thực hiện không chỉ ở miền Bắc mà lan tỏa tới khu vực phía Nam, phát triển thành nhiều hình thức, như: Chăm sóc tập thể (các doanh nghiệp, nhà chùa, các tổ chức hội cơ sở nhận đỡ đầu một tập thể sinh viên) hay giao lưu gặp gỡ các cựu chuyên gia, cựu Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, tham quan các di tích văn hóa, lịch sử.
![]() |
Vợ chồng ông Vũ Vương Việt tặng quà cho các lưu học sinh Campuchia được gia đình đỡ đầu trước khi các em về nước vào năm 2014. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Theo ông Vũ Vương Việt, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, việc nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia không chỉ giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà để tập trung học tập, nghiên cứu mà còn mang ý nghĩa sâu xa hơn. Các em sẽ luôn ghi nhớ về một đất nước Việt Nam với những người đỡ đầu đã dành tình cảm cho mình như những người thân trong gia đình-thứ tình cảm xuất phát từ tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc được nuôi dưỡng từ thời cha ông, từ xương máu của biết bao người dân hai nước. “Việc đón nhận các cháu không khác gì ươm mầm cho tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Khi tốt nghiệp trở về quê hương, trực tiếp tham gia xây dựng đất nước, các cháu sẽ mãi mang trong mình những kỷ niệm tốt đẹp tại Việt Nam và các cháu chính là cầu nối vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Campuchia rất hoan nghênh và đã đề nghị nhân rộng phong trào này”, ông Việt nhấn mạnh.
Từng là trưởng đoàn chuyên gia của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sang giúp nước bạn vào năm 1981 và hai lần làm Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại xứ Chùa tháp những năm sau đó, tính ra thời gian công tác tại Campuchia của ông Việt cũng hơn một thập niên. Ông nói vui rằng trong quãng thời gian đó, ông còn thuộc đường phố ở Phnom Penh hơn cả tại Hà Nội! Ông vẫn chưa bao giờ quên được hình ảnh Biển Hồ mênh mông, Angkor trầm mặc, uy nghi, điệu múa Apsara độc đáo, những bài hát dân ca Khmer nhẹ nhàng, vui tươi, sôi động, nồng nhiệt mà trữ tình. Đặc biệt, khắc sâu trong trái tim ông chính là những ánh mắt, nụ cười, thể hiện tình cảm chân thành của người dân Campuchia đôn hậu. “Tình cảm của nhân dân Campuchia với Việt Nam rất đặc biệt. Ai cũng nói nếu không có Việt Nam thì không có chiến thắng ngày 7-1-1979 và nếu không có chiến thắng ngày 7-1-1979 thì không có Campuchia ngày hôm nay. Ngay cả khi tôi xuống khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Campuchia, người dân cũng đều nói như vậy vì sự thật đúng là như thế”, ông nhớ lại.
Có lẽ vì gắn bó sâu đậm với đất nước và con người Campuchia đến như vậy nên ngay khi Phong trào “Ươm mầm hữu nghị” được phát động, ông Việt đã rất nhiệt tình hưởng ứng. Cho đến nay, ông đã và đang đỡ đầu tổng cộng 7 lưu học sinh Campuchia. Ông đón các em về nhà giới thiệu với người thân, cùng sinh hoạt trong không khí gia đình ấm cúng. Mọi người trong gia đình đều xem các em như là những người thân thiết. Ngoài ra, ông còn thường xuyên trao đổi qua điện thoại về tình hình sinh hoạt, học tập tại Việt Nam với bố mẹ của các em ở Campuchia. Với ông, không còn tồn tại ranh giới giữa người đỡ đầu và bố mẹ đẻ của các em vì tất cả đều xem nhau như người một nhà. Có lần ông sang Phnom Penh, bố đẻ của một em đã chạy xe tuk tuk đến đón về nhà chơi và chở đi vòng quanh khắp thủ đô. Khi vợ chồng con trai ông sang Campuchia, gia đình các em cũng tiếp đón rất thân tình. “Các cháu sau khi tốt nghiệp về nước vẫn giữ liên lạc và thường xuyên gọi điện hỏi thăm gia đình ở Việt Nam. Có cháu đã lập gia đình. Biết được thông tin này, khi tiếp đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia nhân dịp thăm chính thức Việt Nam hồi đầu tháng 12-2018 vừa qua, chính Thủ tướng Hun Sen đã nói vui rằng, như vậy là tôi đã có thêm cháu ở Campuchia”, ông kể.
Koy Khemra, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, được ông Việt nhận đỡ đầu 4 năm qua. Với Koy Khemra, kể từ khi gặp “bác Việt”, em có thêm một gia đình, có thêm những người thân ở Việt Nam và bớt đi nỗi nhớ nhà của một lưu học sinh. “Bác Việt nhận đỡ đầu vì bác muốn giúp đỡ những lưu học sinh như em và điều đó cũng xuất phát từ tình cảm sâu nặng của bác dành cho Campuchia. Gia đình bác rất tốt với em”, Koy Khemra cho biết.
Là thế hệ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoàn toàn được giải phóng, các lưu học sinh Campuchia như Koy Khemra chỉ được biết đến tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam-Campuchia, trong đó có chiến thắng ngày 7-1-1979, qua những chuyện kể của ông bà, cha mẹ, thầy cô hay sách báo. Tuy nhiên, các em đều hiểu và có tình cảm biết ơn, trân trọng sâu sắc dành cho nhân dân Việt Nam, những người đã luôn kề vai sát cánh với dân tộc Campuchia trong những giai đoạn gian khổ nhất. “Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia rất nhiều cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau khi tốt nghiệp về nước có thể phát huy hết khả năng, không phụ lòng mong đợi của bác Việt, góp phần nhỏ bé của mình vào việc thắt chặt quan hệ Campuchia-Việt Nam”, Koy Khemra bày tỏ.
Theo QĐND