Từ ngày 19-21/11, Hội nghị Bộ trưởng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh diễn ra tại Bangkok (Thái Lan).
Hội nghị có sự tham gia của 1.200 đại biểu đến từ 51 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, đại diện các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn có Vụ Bình đẳng giới và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đại diện Thường trực Việt Nam tại Uỷ ban Kinh tế - Xã hội Châu Á Thái Bình Dương (UN ESCAP).
Hội nghị Bộ trưởng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. |
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tiến độ thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương trong 5 năm qua; tìm hiểu các bài học kinh nghiệm, các điển hình tốt cũng như những khó khăn, thách thức, hành động ưu tiên cần thiết để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; chia sẻ thông tin về các chính sách bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy sự đồng thuận tại khu vực về các hành động ưu tiên để đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết trong Tuyên bố và chuẩn bị nội dung cho Phiên họp thứ 69 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ vào tháng 3/2025.
Hội nghị sẽ diễn ra trong 3 ngày với nhiều sự kiện được tổ chức xoay quanh các chủ đề ưu tiên về: Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ; Tăng cường sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương; Các chiến lược bền vững để ứng phó và ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các hành động cải thiện quan hệ giới.
Phát biểu tại phiên họp chính của Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, trong 30 năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2019-2024, Việt Nam đã quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới, nổi bật là việc xây dựng và củng cố luật pháp, chính sách của quốc gia.
Theo đó, Việt Nam nghiêm túc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật và chính sách nhằm xóa bỏ những quy định mang tính chất phân biệt đối xử đối với phụ nữ và nam giới. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được ban hành với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh đó, các chương trình về truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã được Chính phủ ban hành triển khai trên toàn quốc. Sự tham gia tích cực của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội từ trung ương đến địa phương trong việc thực thi pháp luật, chính sách đã đem lại nhiều kết quả quan trọng. Những nỗ lực và quyết tâm trên đã cải thiện rõ rệt vai trò địa vị của phụ nữ Việt Nam: khoảng cách giới trong tất cả các cấp giáo dục được thu hẹp; hệ thống chăm sóc sức khỏe dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ di cư từ nông thôn ra thành thị được tăng cường; hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng và nâng cao về chất lượng...
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội nghị. |
Bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, để đạt được những tiến bộ về bình đẳng giới, điều quan trọng là phải có sự thống nhất chung về nhận thức. Đó là phát triển kinh tế phải đi cùng với tiến bộ, công bằng xã hội, giảm nghèo và quan tâm đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ và trẻ em. Cần tăng cường hơn nữa hệ thống quản lý nhà nước về bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, sáng kiến ở tất cả các cấp, các lĩnh vực.
Bà Nguyễn Thị Hà khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực vào các nội dung, văn kiện và báo cáo chung của Hội nghị. Đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác giữa Chính phủ và các bên liên quan, trong đó có các cơ quan của Liên hợp quốc để tối đa hóa sự hỗ trợ kết quả về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.
Theo báo cáo tại Hội nghị, chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 xếp hạng 72/146 quốc gia. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn ở mức cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (đạt 30,26%); Phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước; Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 62,4%; Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 28,2%. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh. |
Theo Thời Đại