Nhân chuyến thăm Việt Nam, ông Bob Roberts - Chủ tịch Viện Liên kết Toàn cầu (IGE/Hoa Kỳ), trưởng đoàn các mục sư Tin lành Quốc tế, đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Thời Đại. Ông chia sẻ cảm nhận sâu sắc về tình hình sinh hoạt tôn giáo và kế hoạch hợp tác tương lai sau trải nghiệm thực tế những ngày qua.
Mục sư Bob Roberts, Chủ tịch Viện Liên kết Toàn cầu (IGE/Hoa Kỳ), trưởng đoàn các mục sư Tin lành Quốc tế. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của Đoàn các mục sư Tin lành quốc tế là gì, thưa ông?
Chuyến thăm lần này của chúng tôi có hai mục đích chính. Trước tiên, Việt Nam có một cộng đồng Cơ đốc giáo lớn, gồm cả Công giáo, Tin Lành và nhiều nhánh Cơ đốc giáo khác. Chúng tôi mong muốn kết nối cộng đồng Cơ đốc giáo Việt Nam với cộng đồng Cơ đốc toàn cầu. Đoàn của chúng tôi gồm nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đến từ Ấn Độ, Indonesia, Australia và nhiều nước khác, với hy vọng tạo ra sự kết nối mạnh mẽ hơn với các giáo hội, nhà thờ và các bộ ngành liên quan ở Việt Nam.
Thứ hai, chúng tôi muốn mời các mục sư quốc tế chứng kiến tận mắt sự phát triển của Việt Nam. Đây là một đất nước tuyệt vời. Tôi đến Việt Nam lần đầu cách đây 30 năm, khi trên đường phố chỉ có xe đạp và vài chiếc xe máy. Bây giờ, ô tô, xe máy xuất hiện khắp nơi, các thành phố trở nên hiện đại hơn nhiều. Chúng tôi hy vọng qua chuyến thăm này, các mục sư có cơ hội tìm hiểu và gặp gỡ cộng đồng Cơ đốc tại đây.
Mục sư Bob Roberts đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1995. Ông là Chủ tịch của Viện Liên kết Toàn cầu (IGE), một tổ chức thúc đẩy tự do đức tin trên toàn thế giới. Ông cũng là người sáng lập Glocal Ventures, Inc. (GVI), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội. |
Được biết ông đã có nhiều năm làm việc và hợp tác với các đối tác ở Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về tình hình tôn giáo và việc đảm bảo tự do tôn giáo ở Việt Nam?
Mỗi lần thăm các nhà thờ ở Việt Nam, tôi luôn có trải nghiệm tích cực. Các nhà thờ hoạt động sôi động, phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu tuyệt vời. Những câu chuyện về sự phát triển của các nhà thờ ở Việt Nam đã được khắp nơi trên thế giới biết tới. Tôi rất ấn tượng bởi cách các tín đồ hiểu rõ Kinh Thánh, có nền tảng đức tin vững chắc và sống đúng với lời dạy của Kinh Thánh.
Tôi đặc biệt ấn tượng với tinh thần tham gia cộng đồng của các tín đồ tại Việt Nam. Họ không chỉ thực hành đức tin mà còn trở thành những công dân tốt, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng của đất nước.
Tôi đã nhiều lần có cơ hội gặp Giáo hoàng Francis và trong một số cuộc trò chuyện, chúng tôi đã thảo luận về Việt Nam, nơi có một cộng đồng Công giáo đông đảo và năng động. Tôi bày tỏ mong muốn Giáo hoàng sẽ thăm Việt Nam để tận mắt chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và sức sống của Giáo hội tại đây.
Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận trong lĩnh vực tôn giáo. Từ năm 2001, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành nhằm thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, bảo vệ các nhà thờ và tổ chức tôn giáo, không chỉ đối với Cơ đốc giáo mà còn với các tôn giáo khác như Phật giáo.
Tôi đánh giá cao tinh thần cởi mở và sẵn sàng đối mặt với các thử thách của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo.
Tự do tôn giáo là một vấn đề mà mọi quốc gia đều phải nỗ lực không ngừng để cải thiện. Tại Mỹ, chúng tôi cũng gặp phải những thách thức riêng, như vấn đề kỳ thị hoặc khó khăn trong việc xây dựng cơ sở thờ tự. Điều này cho thấy thách thức tồn tại ở khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, điều đáng trân trọng ở Việt Nam là sự cam kết của Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề liên quan. Khi có vấn đề nảy sinh, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phản hồi kịp thời và nỗ lực cải thiện. Đây là điểm đáng khích lệ.
Tôi đang nỗ lực để chia sẻ với Chính phủ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về những tiến bộ tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực tôn giáo. Nhiều nhà ngoại giao Mỹ làm việc trong lĩnh vực tự do tôn giáo cũng đánh giá cao những bước tiến đáng kể của Việt Nam trong việc đối mặt và giải quyết những thách thức liên quan đến lĩnh vực này.
Được biết Viện Liên kết Toàn cầu (IGE) và Hội Việt - Mỹ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác (MoU) đầu tiên trên lĩnh vực tôn giáo cách đây 20 năm. Kết quả hợp tác giữa hai bên đã tác động như thế nào tới tiến trình chung của quan hệ song phương?
Tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch của IGE được một năm rưỡi, nhưng tôi đã gắn bó với tổ chức này từ đầu những năm 2000. Tôi được trực tiếp chứng kiến lễ ký kết MoU đầu tiên giữa IGE và Hội Việt – Mỹ, VUFO .
Chủ tịch Viện Liên kết toàn cầu Bob Roberts (trái) và Chủ tịch Hội Việt - Mỹ Phạm Quang Vinh tại lễ ký bản ghi nhớ giai đoạn 2023 - 2028, ngày 09/11/2023. (Ảnh: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) |
Quan hệ hợp tác giữa IGE và các đối tác Việt Nam rất tuyệt vời. Chúng tôi không chỉ là đối tác giải quyết các vấn đề quan trọng mà còn trở thành bạn bè thân thiết, xây dựng quan hệ gắn kết trên nền tảng tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Điều này giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về những trải nghiệm và nỗ lực mà các bạn đang thực hiện.
Những hoạt động của IGE tại Việt Nam đã trở thành một mô hình mà chúng tôi đang áp dụng ở nhiều quốc gia khác: Uzbekistan, Kazakhstan, Azerbaijan, Sudan, Pakistan… Việt Nam không chỉ là nơi IGE hỗ trợ thúc đẩy tự do tôn giáo, mà còn là nơi chúng tôi học hỏi được nhiều bài học quý giá để chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới. Điều đó thật tuyệt vời!
Ông có thể chia sẻ về dự định sắp tới để thúc đẩy hợp tác giữa IGE, VUFO và các tổ chức khác tại Việt Nam?
Chúng tôi vừa ký kết MoU lần thứ ba vào năm ngoái, mở ra các kế hoạch hợp tác đầy triển vọng. Bên cạnh tự do tôn giáo, chúng tôi cũng chú trọng đến khía cạnh trách nhiệm tôn giáo, thông qua việc triển khai các dự án cộng đồng mang ý nghĩa thiết thực.
Đoàn các mục sư Tin lành quốc tế thăm điểm nhóm Tin lành Aquila (Quốc Oai, Hà Nội). |
Vừa qua, chúng tôi đã có chuyến thăm các trung tâm phục hồi chức năng do các nhà thờ quản lý và hỗ trợ người nghiện ma túy. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các tổ chức này, đồng thời thúc đẩy sự kết nối và trao đổi giữa các mục sư, nhà thờ, lãnh đạo chính phủ, cùng cộng đồng tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
Chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để thảo luận về kế hoạch tổ chức chương trình trao đổi đoàn. Dự kiến, chúng tôi sẽ mời khoảng 100 mục sư đến giảng dạy về triết học và trực tiếp tìm hiểu cuộc sống ở Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam có thể cử học giả tới Hoa Kỳ để giảng dạy về Cơ đốc giáo và giới thiệu những nét đặc trưng trong cuộc sống tại Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng thông qua các chương trình trao đổi đoàn, quan hệ giữa hai bên sẽ ngày càng được củng cố và phát triển theo chiều sâu, tạo ra những giá trị ý nghĩa và lâu dài.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Thời Đại, mục sư Jossy Chacko (hiện đang sống ở Melbourne, Australia) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền tự do tôn giáo cho người dân.
“Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc thể hiện sự cởi mở và sẵn sàng đối thoại về tự do tôn giáo. Khi tôi trò chuyện với các tín đồ Cơ đốc ở Việt Nam, họ rất lạc quan và kỳ vọng về tương lai của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo.Chính phủ Việt Nam đã xuất sắc trong việc thiết lập khung pháp lý cho các tổ chức tôn giáo có thể tham gia vào các sự kiện quốc tế, thúc đẩy đối thoại và thành lập các cơ quan chuyên trách hỗ trợ trong lĩnh vực này.Tôi đã tham gia sự kiện National Prayer Breakfast ở nhiều quốc gia và thấy Việt Nam cũng cử đại diện tham gia vào một số sự kiện tương tự. Điều này cho thấy Việt Nam không chỉ học hỏi từ thực tiễn trên thế giới mà còn tích hợp hiệu quả những kinh nghiệm đó vào chính sách của mình”. |
Theo Thời Đại