Mang lại những nụ cười hạnh phúc
Trong 12 năm có mặt tại Việt Nam, WWO đã hỗ trợ gần 4.000 trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật, nhiễm HIV hoặc đối mặt với nguy cơ cao với 26 đối tác tại 11 tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Phú Yên, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang. WWO cũng đã nâng cao năng lực cho 1,000 cán bộ, nhân viên tại các đơn vị đối tác về Y tế, Công tác xã hội, Tâm lý xã hội, Giáo dục, Vui chơi, Trị liệu, Kỹ năng làm việc với trẻ, Đào tạo giảng viên nguồn, Kỹ năng quản lý dự án.
Bên cạnh đó, WWO cũng hỗ trợ về tâm lý xã hội, sinh kế và nâng cao khả năng giao tiếp, tương tác, chăm sóc trẻ cho hơn 1.500 người lớn là cha mẹ và người chăm sóc của các trẻ.
Hơn 800 tình nguyện viên, sinh viên thực tập và các thành viên khác trong cộng đồng cũng được tập huấn về những chủ đề trên để tham gia các hoạt động phục vụ cho trẻ một cách hiệu quả.
Hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam, WWO đã triển khai thành công tại các địa phương một số mô hình dự án như: Mô hình quản lý ca; Mô hình cung cấp hỗ trợ và chăm sóc toàn diện từ sức khỏe thể chất đến tinh thần cho trẻ; Mô hình hỗ trợ can thiệp dựa vào cộng đồng; Mô hình Thư viện đồ chơi; Mô hình Hội trại sắc màu yêu thương.
Theo đại diện WWO, với nguồn lực hạn chế, WWO có thể thực hiện được công việc và tạo ra được những tác động nói trên nhờ vào chính cộng đồng và các cán bộ đối tác của đơn vị trong toàn bộ chu trình của dự án.
WWO làm việc dựa trên cộng đồng và đối tác thông qua nâng cao năng lực cho họ để từ đó cộng đồng là người chủ lực trong các tác động thay đổi hiệu quả cho chính con em hoặc đối tượng trên địa bàn của mình. WWO xác định cộng đồng và đối tác luôn đóng vai trò chủ đạo trong chu trình quản lý Dự án, từ lúc xác định nhu cầu, theo dõi việc thực hiện can thiệp, thăm khám định kỳ và đánh giá lại. Vai trò chính của WWO là hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật.
Ngay từ ban đầu, WWO đã cùng đồng thuận với cộng đồng và đối tác địa phương, họ sẽ là người chủ của Dự án trong các can thiệp khi WWO chuyển giao. Ngoài ra, một lực lượng hùng hậu tình nguyện viên từ trong nước đến ngoài nước cũng đóng góp một phần không nhỏ và các kết quả này.
Những thành công nói trên của WWO không thể không kể đến sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các cấp ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện Dự án.
Năm 2018, WWO tiếp tục hỗ trợ và chăm sóc toàn diện theo phương pháp quản lý ca cho đối tượng trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm HIV và thanh thiếu niên có nguy cơ cao cho các trên 11 tỉnh thành trong khắp cả nước gồm 26 đơn vị đối tác gồm các Trường Khuyết tật, Trung tâm CTXH, Mái ấm, nhà mở, Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ mồ côi v.v… và trong cộng đồng. Công tác hỗ trợ bao gồm: Chăm sóc sức khỏe thể chất, chăm sóc sức khỏe tâm lý và tinh thần và giáo dục, dạy nghề và việc làm. Một hoạt động quan trọng nữa là nâng cao năng lực cho cán bộ đối tác, cộng đồng địa phương. Theo đó WWO sẽcung cấp các khóa tập huấn cần thiết cho cán bộ phù hợp với tình hình tại mỗi đơn vị. Hỗ trợ theo dõi đánh giá giám sát các hoạt động nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả.
“Bác sĩ Thỏ” ở WWO
Một cán bộ tiêu biểu mà WWO luôn ghi nhận sự đóng góp tích cực là bác sĩ Lê Ngọc Oanh, cố vấn y tế của WWO. Bác sĩ Oanh có một nick name rất đặc biệt, rất ngộ nghĩnh, đáng yêu với khách hàng thiếu nhi WWO là “bác sĩ Thỏ”.
Dường như bác sĩ sOanh sinh ra để làm bác sĩ cho trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi. Trong phòng khám của WWO tại Trung tâm Kiểu mẫu, bác sĩ Oanh quyết định không mặc áo blouse trắng để tạo cảm giác thoải mái cho các khách hàng nhí.
Điều đáng ngạc nhiên là bác sĩ Oanh nhớ tên từng bệnh nhân nhí của mình dù con số thân chủ của bác đã lên tới hàng ngàn. Bác Oanh được khách hàng thương mến có lẽ vì ngoài việc chăm lo sức khỏe cho các con, bác còn quan tâm nhiều tới những buồn vui của bệnh nhân. Đây là một trong số những bác sĩ hiếm hoi có được kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về tâm lý xã hội để giúp các con mạnh mẽ hơn, tự lập hơn và lạc quan hơn.
Là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức, bác sĩ Oanh có mặt trên từng can thiệp của WWO. Với nhiều năm kinh nghiệm quý báu của mình, bác sĩ Oanh luôn là người nhiệt tâm chia sẻ kiến thức và kỹ năng cho đồng nghiệp, đối tác, người chăm sóc và tình nguyện viên để mọi người có thể giúp trẻ phát triển tốt đẹp hơn trong vai trò của mình. Những đóng góp của bác sĩ Oanh không chỉ là kiến thức kỹ năng trong các can thiệp y khoa mà còn ở Thư viện đồ chơi, Kỹ năng sống, Trị liệu giải trí và Hội trại Sắc màu Yêu thương cho trẻ có H. mà còn là tấm gương về lòng yêu nghề, truyền lửa cho thế hệ trẻ trong ngành công tác xã hội.Thông điệp của vị bác sĩ đáng mến đó là: “Để bình an trong tâm hồn thì điều có thể làm là thực hiện những điều đúng”.
Theo Tạp chí Hữu Nghị