Bà Dragana Strinic - Giám đốc quốc gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em - nhận Bằng khen của VUFO ghi nhận sự đóng góp của tổ chức trong giai đoạn 2013-2017
Thưa bà, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em bắt đầu hoạt động tại Việt Nam cách đây gần 30 năm. Đến nay, Tổ chức đã có những hoạt động như thế nào trong các lĩnh vực liên quan đến trẻ em?
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) là một trong những tổ chức phi chính phủ hàng đầu thế giới hoạt động trong lĩnh vực trẻ và hiện đã có mặt ở 120 quốc gia trên toàn thế giới. Chúng tôi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1990 với việc triển khai một dự án dinh dưỡng cho trẻ em ở tỉnh Thanh Hoá. Kể từ đó đến nay, phạm vi hoạt động của chúng tôi đã được mở rộng ra 22 tỉnh thành và bao trùm 06 lĩnh vực, gồm Giáo dục, Sức khoẻ và Dinh dưỡng, Bảo vệ trẻ em, Quản trị quyền trẻ em, Giảm nghèo cho trẻ em, Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ứng phó khẩn cấp.
Chúng tôi có tham vọng đạt được những sự thay đổi nhanh chóng và lâu dài cho cuộc sống của trẻ em. Thông qua việc thực hiện các chương trình dự án trong lĩnh vực phát triển và nhân đạo, chúng tôi luôn nỗ lực để mọi trẻ em đều có cơ hội được sống, được học tập và được bảo vệ. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến những trẻ em dễ bị tổn thương và yếu thế nhất trong các cộng đồng như dân tộc thiểu số, người dân nhập cư, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, cộng đồng LGBT và gia đình các em.
Ví dụ: Trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi mong muốn nâng cao tính sẵn sàng đi học của trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa và cải thiện kết quả học tập khi các em bắt đầu đi học. Để đạt được mục tiêu này, một loạt các giải pháp can thiệp đã được chúng tôi triển khai như xây dựng những cuốn sách phù hợp cho từng lứa tuổi, áp dụng phương pháp “giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ” và phối hợp chặt chẽ với trường, phụ huynh và cộng đồng để nâng cao khả năng đọc viết của các em cũng như hỗ trợ đưa trẻ em khuyết tật đến trường hoà nhập với các bạn cùng trang lứa.
Chúng tôi cũng có những hoạt động nhằm cải thiện sức khoẻ và dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số. Do sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận nên tỉ lệ tỷ vong bà mẹ và tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn cao hơn 3 và 2,5 lần so với mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp hai lần so với trẻ em người Kinh, hiện đứng ở mức 32%. Cùng với các đối tác khác, chúng tôi triển khai các hoạt động để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế ở vùng sâu vùng xa và khuyến khích thúc đẩy các thực hành tốt về dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em. Và chúng tôi cũng hỗ trợ các cộng đồng xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, qua đó góp phần cải thiện dinh dưỡng bữa ăn.
Một lĩnh vực hoạt động quan trọng khác của chúng tôi là bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực và lạm dụng. Chúng tôi hỗ trợ tăng cường chất lượng hệ thống bảo vệ trẻ em và áp dụng kỷ luật tích cực trong gia đình và nhà trường thay vì hình phạt thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh về vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục cả ở trên mạng và trong cuộc sống hàng ngày.
Cùng với sự phát triển kinh tế đầy ấn tượng của Việt Nam trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã bắt đầu vận động lồng ghép vấn đề quyền trẻ em vào trong nguyên tắc làm việc của các công ty tư nhân cũng như hỗ trợ thanh thiếu niên nhập cư phát triển kỹ năng tìm việc. Chúng tôi cũng đóng góp cho việc xây dựng năng lực cho các tổ chức chính trị xã hội của Việt Nam trong việc giám sát và hỗ trợ thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Như chị biết đấy, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên toàn thế giới phê chuẩn Công ước này.
Trên hết, trong việc thực hiện các chương trình dự án, chúng tôi luôn luôn khuyến khích sự sáng tạo thông qua việc phát triển và cung cấp các giải pháp dựa vào bằng chứng và có thể nhân rộng đối với các vấn đề mà trẻ em đang phải đối mặt. Xây dựng mối quan hệ đối tác bền chặt với các cơ quan chính phủ và các tổ chức chính trị xã hội là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc triển khai các chương trình dự án của chúng tôi. Nhờ đó, chúng tôi mới có thể đạt được những kết quả trên quy mô lớn, nhân rộng những phương pháp tiếp cận có hiệu quả và bền vững.
Trẻ em trong hoạt động của dự án bảo vệ trẻ em.
Được biết Save the Children còn là tổ chức hàng đầu về cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ 1 số hoạt động an sinh xã hội. Đề nghị bà cho biết rõ hơn về các hoạt động này mà tổ chức triển khai trong thời gian qua?
Cứu trợ nhân đạo là một phần rất quan trọng trong hoạt động của chúng tôi nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình của các em. Như chúng ta đều biết, Việt Nam là một trong số những quốc gia thường xuyên bị tác động bởi thiên tai. Tổ chức của chúng tôi hỗ trợ xây dựng hiểu biết về ứng phó với thiên tai cho trẻ em, nhà trường và cộng động nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Chúng tôi có cung cấp những hỗ trợ thiết yếu cho các cộng đồng bị ảnh hưởng của thiên tai.
Ví dụ, trong năm 2017, chúng tôi đã thực hiện 9 dự án cứu trợ khẩn cấp ở Việt Nam với tổng ngân sách thực hiện hơn 1,1 triệu USD. Cụ thể, chúng tôi đã cung cấp hỗ trợ cho trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ quét ở Yên Bái, Sơn La cũng như những người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Doksuri ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Gần đây nhất, chúng tôi triển khai một dự án cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ các trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão Damrey ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Khánh Hoà. Dựa trên đánh giá nhu cầu thực tế, chúng tôi cùng với các đối tác đã cung cấp hỗ trợ nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất của người dân thông qua việc cung cấp bình lọc nước, gói đồ dùng gia đình, đồ dùng học tập hoặc tiền đa mục đích cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tính đến giữa thang 12 năm 2017, tổng cộng chúng tôi đã hỗ trợ trực tiếp được hơn 65,000 người dân ở các vùng miền của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em sẽ tiếp tục có những hợp tác như thế nào với các cơ quan hữu quan cũng như các địa phương Việt Nam để giúp đỡ trẻ em nghèo, người thiệt thòi được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển?
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự phối hợp và cam kết mạnh mẽ của các đối tác là các cơ quan chính phủ cũng như các tổ chức chính trị xã hội ở Việt Nam. Nếu không có họ, chúng tôi đã không thể cung cấp được những sự hỗ trợ cho những trẻ em đang cần nhất cũng như không đạt được những kết qủa bền vững. Cụ thể hơn, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ và sở ngành địa phương, uỷ ban nhân dân, các tổ chức quần chúng. Chúng tôi cũng đã xây dựng mối quan hệ vững chắc với các cộng đồng, phu huynh và trẻ em bởi đây chính là những người trực tiếp thực hiện và nhân rộng các mô hình thực hành tốt đã được xây dựng thông qua các dự án của chúng tôi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức phi chính phủ khác, tổ chức quốc tế và nhà tài trợ nhằm mục tiêu đạt được những kết quả tốt nhất.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác với các bên liên quan nói trên. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự mong đợi được chứng kiến nhiều hơn sự hợp tác liên ngành trong việc giải quyết các vấn đề mà những trẻ em dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam đang phải đối mặt. Tại sao? Bởi vì những vấn đề như nghèo hoặc suy dinh dưỡng đều là những vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có sự tham gia và chuyên môn của nhiều lĩnh vực khác nhau mới có thể giải quyết được.
Hỗ trợ hàng cho gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ
Bà đánh giá như thế nào về sự hợp tác giữa Save the Children với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thời gian qua?
Thay mặt Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, tôi muốn được gửi lời cảm ơn chân thành đến Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), đặc biệt vì những sự tư vấn và hướng dẫn trong việc tuân thủ đầy đủ các quy định và luật pháp của Việt Nam cũng như những sự hỗ trợ khác đối với những hoạt động của chúng tôi. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh đến những sự hỗ trợ kịp thời và rất có giá trị cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp nhằm đảm bảo rằng chúng tôi cũng như các tổ chức phi chính phủ khác hỗ trợ kịp thời cho những người dân bị ảnh hưởng.
Bà đã có những trải nghiệm đáng nhớ gì qua quá trình hoạt động tại Việt Nam?
Đến nay, tôi đã sống và làm việc tại Việt Nam được hơn một năm. Tôi đã có cơ hội được đi thăm nhiều địa bàn thực hiện dự án khác nhau. Dù là địa bàn ở phía Bắc hay phía Nam, tôi đều thực sự thấy ấn tượng với những cam kết cải thiện cuộc sống của trẻ em của không chỉ cán bộ nhân viên của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em mà của cả các đối tác. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là một chuyến đi thăm một ngôi trường ở tỉnh Yên Bái. Ngôi trường nằm khá cao trên một ngọn núi và chủ yếu dành cho trẻ em dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các em thường phải đi bộ một hai tiếng mới đến được trường. Điều kiện đường xá khá là xấu và tôi thấy rằng giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn khi đi dạy, đặc biệt là trong mùa mưa. Tuy nhiên, ở một ngôi trường với điều kiện cực kỳ khó khăn như thế tôi vẫn chứng kiến những lớp học có chất lượng rất cao và những trẻ em rất giỏi mà tài liệu học tập chủ yếu được xây dựng tại chỗ. Giáo viên phải có người trợ giảng để hỗ trợ cho những trẻ hiểu được các nội dung bằng tiếng mẹ đẻ và qua đó cũng phát triển kỹ năng nghe nói tiếng Việt của các em. Cá nhân tôi thực sự luôn cảm thấy ấm lòng và bị thôi thúc hơn nữa khi được chứng kiến những sự thay đổi trong cuộc sống của trẻ em. Chính vì thế mà chúng tôi muốn được làm và đóng góp nhiều hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
TCHN