Tham dự hội nghị có khoảng 120 đại biểu đến từ một số cơ quan tham gia cơ chế Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN); đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các cơ quan đầu mối về quản lý và vận động viện trợ PCPNN.
Đồng chủ trì hội nghị có ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác PCPNN và ông Phan Anh Sơn, Trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM).
Phát biểu khai mạc, ông Đôn Tuấn Phong chia sẻ, buổi tổng kết nhằm ghi nhận, đánh giá kết quả đạt được và những mặt hạn chế, qua đó đưa ra đề xuất kiến nghị vè công tác vận động viện trợ PCPNN và xây dựng chương trình cho giai đoạn tới.
Ông Đôn Tuấn Phong phát biểu (ảnh: MD)
Việc tổng kết đánh giá dựa vào các khía cạnh: mức độ hoàn thành mục tiêu chung và các mục tiêu cự thể của Chương trình, tính phù hợp và hiệu quả của các biện pháp, sự tham gia của bộ ngành địa phương - những mặt tích cực và hạn chế.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Trưởng ban PACCOM chia sẻ, trong thời gian qua, nhiều văn bản pháp quy liên quan đến công tác PCPNN đã được ban hành, một số văn bản pháp quy quan trọng đang được xây dựng nhằm tạo một môi trường pháp lý hoàn thiện và rõ ràng hơn cho hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các chương trình, dự án viện trợ PCPNN tại địa phương được tăng cường. Việc đào tạo nguồn nhân lực công tác vận động viện trợ PCPNN cũng được chú trọng trong giai đoạn 2013 - 2017.
Quang cảnh Hội nghị (ảnh: MD)
Phát biểu bế mạc, ông Đôn Tuấn Phong cho biết, trên cơ sở đánh giá Chương trình giai đoạn 2013 - 2017, Liên hiệp Hữu nghị sẽ chủ trì xây dựng Chương trình cho giai đoạn tới để tiếp tục thúc đẩy công tác này theo đúng nhu cầu và ưu tiên của Việt Nam, để nâng cao hơn nữa hiệu quả các chương trình, dự án và nâng cao hợp tác với các tổ chức PCPNN vì công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Dù còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, Chương trình giai đoạn 2013 – 2017 đã được thực hiện thành công thể hiện ở giá trị viện trợ được duy trì, số lượng tổ chức hoạt động tại Việt Nam vẫn ở mức cao, chất lượng viện trợ ngày càng tăng cường. Các chương trình, dự án viện trợ PCPNN đã theo đúng định hướng, ưu tiên của địa phương, hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam.
Tại các địa phương, thông qua việc thực hiện các biện pháp nêu trong chương trình, công tác vận động viện trợ PCPNN ngày càng được quan tâm và đem lại nhiều nguồn lợi cho nhân dân tại các dự án.
Trong thời gian tới, nguồn lực từ viện trợ PCPNN tiếp tục là một trong những nguồn lực quan trọng, do đó, Chương trình trong giai đoạn tiếp theo cần được xây dựng theo hướng thiết thực, phù hợp với các TCPCPNN, dễ triển khai và thích ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương.
MD.