Trước những lợi ích cũng như nguy cơ từ sự phát triển của công nghệ số, Luật Trẻ em đã dành riêng một điều (Điều 54) cho vấn đề bảo vệ trẻ em trên mạng Internet.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Đại sứ quán Thuỵ Điển ra mắt cuốn sách “Netsmart”.
Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã đạt tới con số 50 triệu người, tương đương với 54% dân số và đã cao hơn mức bình quân toàn cầu 46,46%. Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia có số lượng người dùng Internet nhiều nhất ở châu Á. Nếu so sánh với con số 205.000 người dùng ở thời điểm ban đầu và 31 triệu người dùng năm 2012 thì con số 50 triệu người dùng của năm 2017 là một con số thực sự rất ấn tượng.
Tuy nhiên, bước tiến này cũng đồng thời tạo ra thêm nhiều nguy cơ hơn cho trẻ em với số lượng các vụ việc lạm dụng trẻ em và bạo lực đối với trẻ em đang có xu hướng ngày càng gia tăng (theo những thông tin được công bố trên báo chí và mạng xã hội). Kết quả một cuộc điều tra của UNICEF được thực hiện năm 2016 đã cho thấy 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng, và 75% các em sẽ nói chuyện với cha mẹ hoặc người chăm sóc nếu bị đe doạ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nói chuyện với trẻ về những vấn đề này, về những lợi ích và rủi ro mà trẻ có thể gặp phải khi sử dụng Internet.
“Internet là một công cụ tuyệt vời. Trẻ em ngày nay có thể sử dụng Internet với vô số mục đích như để giao tiếp, học tập và giải trí. Tuy nhiên, cho dù bạn đang ở môi trường ảo trên mạng (online) hay ở môi trường đời thực (offline), sẽ luôn có những mối nguy hiểm tiềm tàng cho trẻ em khi sử dụng mạng và con cái bạn có nguy cơ dễ bị lạm dụng hơn. Để các bậc phụ huynh giúp con minh tự bảo vệ trên môi trường mạng, chúng tôi đã hoàn tất việc dịch lại cuốn sổ tay NetSmart sang Tiếng Việt. Cuốn cẩm nang này sẽ có cả bản in cũng như bản mềm ở trên mạng và chúng tôi mong muốn mọi người sẽ hưởng ứng và chia sẻ thông điệp mà cuốn cẩm nang này đem lại.” Bà Victoria Rhodin Sandstrom, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Chính trị, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam chia sẻ.
“Chúng ta không thể và chúng ta không nên ngăn chặn trẻ em truy cập và sử dụng internet, nhưng chúng ta có thể hỗ trợ và bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro trên mạng. Cha mẹ và những người lớn khác gần gũi với trẻ cần phải tạo ra môi trường để họ có thể trò chuyện với trẻ về những gì trẻ làm hoặc những người trẻ gặp trên internet.” Bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam.
Với mục tiêu hỗ trợ các bậc cha mẹ và người lớn trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ em trên Internet, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, phối hợp cùng Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhân dịp Diễn đàn Internet 2017, tổ chức buổi lễ ra mắt Cuốn sách “Netsmart” với mục tiêu cung cấp cho các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà giáo dục, nhà quản lý, tổ chức phi chính phủ và người lớn một giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ em trên mạng Internet.
Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em giới thiệu sách
Tương tự như cuốn sách “Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!” được công bố rộng rãi hồi tháng 5 với mục tiêu trợ giúp người lớn hiểu được vấn đề bảo vệ trẻ em nói chung, cuốn sách “Netsmart!” sẽ giúp trang bị cho người lớn kiến thức, ý tưởng và cách thức trao đổi với trẻ em về tất cả những gì có thể xảy ra trên mạng Internet. Sử dụng một phương pháp dễ hiểu, cuốn sách giới thiệu những ý tưởng sáng tạo về cách thức trao đổi mở với trẻ em về những nguy cơ bị lạm dụng tình dục trên mạng Internet, và trên hết, là cách thức sử dụng Internet an toàn và thông minh.
MD (t/h)