Nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần cộng đồng
Chia sẻ về tình hình hoạt động viện trợ phi chính phủ tỉnh Hòa Bình, Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hòa Bình cho biết: Giai đoạn 2013 – 2017, tỉnh Hòa Bình có 41 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động triển khai thực hiện 110 chương trình, dự án với tổng giá trị cam kết viện trợ trên 22 triệu USD, giá trị giải ngân gần 14 triệu USD. Các chương trình, dự án viện trợ được triển khai thực hiện tại 11/11 huyện, thành phố, trong đó chủ yếu tập trung tại các địa bàn các xã gặp nhiều khó khăn. Đối tượng hưởng lợi từ các chương trình phi chính phủ nước ngoài là phụ nữ, trẻ em, người nghèo và nhóm yếu thế trong xã hội.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hòa Bình chia sẻ về công tác phi chính phủ của tỉnh Hoà Bình
Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, nhiều chương trình cho xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế cho tỉnh. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức của người dân, vấn đề then chốt trong phát triển, cần một cách tiếp cận đa diện và sự vào cuộc của tất cả các lực lượng, trong đó có một phần nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Thông qua các chương trình, dự án nhân đạo và phát triển lồng ghép nâng cao nhận thức cho người dân, thái độ ỷ lại vào viện trợ của người dân đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây, nhiều người khi nghe đến phi chính phủ nước ngoài thường liên tưởng đến tiền, hàng hoặc vật chất mà người nước ngoài mang đến. Nhưng khi được tham gia trực tiếp trong quá trình triển khai dự án, người dân mới hiểu rằng sự phát triển của gia đình, địa phương mình phần lớn là do sự nỗ lực của cá nhân, của cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chỉ hỗ trợ một phần để tự người dân thay đổi cuộc sống của mình.
Câu chuyện cần câu hay con cá giờ đây đã không phải là chủ đề phải bàn ở Hoà Bình nữa. Các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài được triển khai tại đây đều có sự vào cuộc quyết liệt của người dân. Ví dụ, các dự án xây dựng cơ bản chỉ hỗ trợ một phần mua vật liệu xây dựng hoặc trang thiết bị... còn người dân phải bỏ công ra để xây dựng và bảo trì dự án. Các dự án xây dựng trường học, trạm y tế theo nhu cầu của người dân đều nhận được sự tham gia tích cực, sẵn sàng đóng góp công sức và tiền bạc. Cơ chế quản lý 3 bên, chính quyền – tổ chức phi chính phủ nước ngoài – người dân, đã tạo sự tin cậy lẫn nhau trong nhân dân từ đó dân hiểu và tham gia cùng dự án.
Theo ông Trường, mỗi chương trình, dự án có các cách tiếp cận khác nhau song dự án nào cũng rất chú trọng đến hợp phần nâng cao nhận thức người dân. Ví dụ dự án phát triển nông thôn, phi chính phủ hỗ trợ một loại rau, song song hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, giống ...là các lớp tập huấn nâng cao nhận thức để người dân hiểu trồng cây này đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, đi đến thực hiện chuyên canh nâng cao năng xuất trở thành chuỗi sản phẩm giá trị bán ra bên ngoài, từ đó người dân có thu nhập nâng cao đời sống và làm thay đổi tư duy sản xuất tự cung, tự cấp truyền thống.
“Thông qua các dự án phi chính phủ nước ngoài cái lợi lớn nhất của tỉnh Hòa Bình là làm thay đổi suy nghĩ, tầm nhìn và hành động của người dân địa phương. Khi người dân hiểu kỹ được vấn đề thì cũng xóa được tư tưởng trông chờ, ỷ lại và vui vẻ tự nguyện tham gia cùng dựa án. Từ đó, trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng và xã hội được nâng cao, cộng đồng đoàn kết, gắn bó hơn”, ông Bùi Xuân Trường khẳng định.
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở
Trong hành trình tìm hiểu về viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Hòa Bình, điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là dự án Trạm y tế xã Bắc Phong, huyện Cao Phong do Childfund tài trợ. Tại thời điểm đoàn đến thăm, chúng tôi được chứng kiến một không khí tất bật, nhộn nhịp khác hẳn những gì chúng tôi thường hình dung về một trạm y tế. Có rất nhiều người dân đến tiêm ngừa vắc-xin cho trẻ và đăng ký khám bệnh, trong trạm ồn ào tiếng trẻ con, người ra vào. Ông Trần Ngọc Dương, Trạm trưởng trạm ý tế vui mừng cho biết: Trước kia, cơ sở vật chất của trạm cũ kĩ, lạc hậu. trạm xá chỉ có 4 phòng chật chội nên công tác khám chữa bệnh cho bà con trong vùng gặp nhiều khó khăn. Với dân số của xã hơn 4000 khẩu, trong đó rất nhiều trẻ em đang ở độ tuổi tiêm chủng, cơ sở vật chất yếu kém của trạm trước đây khiến công tác tiêm chủng gặp nhiều khó khăn. Nhưng nay, nhờ dự án 2,7 tỷ đồng do Childfund viện trợ, trạm đã có diện mạo hoàn toàn mới, khang trang với 14 phòng, ban, hằng ngày tiếp nhận khoảng 15 bệnh nhân, thậm chí có hôm lên tới 30-40 người.
Chị Bùi Thị Nhậm, xóm Thảo Phong chia sẻ: “Trước đây, có bệnh mình cũng ra trạm xá, nhưng chỉ tới xin thuốc rồi về bởi lúc đó cơ sở vật chất vừa thiếu vừa xuống cấp. Phòng chờ không có nên mỗi khi mưa xuống không biết trú ở đâu, trời nắng thì nóng lắm. Nay trạm xá mới được xây dựng rộng rãi, có nhiều trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sỹ lại rất tận tình, có chuyên môn, tôi và gia đình yên tâm hễ có bệnh là đưa ra trạm y tế. Cùng ý kiến với chị Nhậm, chị Bùi Thị Ngân đang nuôi con nhỏ cho biết, chị sinh 2 đứa con ở trạm xá. Cách đây 5 năm chị sinh đứa con đầu, trạm y tế chật chội, công tác vệ sinh không thuận lợi khiến mọi hoạt động thăm khám trở nên bất tiện. Đến khi sinh cháu thứ 2, trạm y tế được xây mới rộng rãi, thoáng mát có mái hiên bao quanh khu vực chờ nên rất thuận tiện cho người nhà đến chăm nom. Đối với chị em ở địa phương bây giờ, trạm xá là nơi sinh con an toàn và thuận tiện.
Theo ông Mai Thế Long, Quản lý Văn phòng Phát triển Vùng của Childfund tại Hòa Bình cho biết: Childfund đã hỗ trợ 5 trạm y tế tại huyện Cao Phong. Khi triển khai các dự án về y tế, Childfund không chỉ xây dựng cơ sở vật chất là các trạm y tế khang trang hay cung cấp các trang thiết bị hiện đại mà còn nâng cao năng lực cho các cán bộ tại trạm cũng như cách tư duy tiếp cận với trẻ em, lấy trẻ em làm trung tâm. Đội ngũ cán bộ y tế xã được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và tham gia các lớp truyền thông để thông tin cho nhân dân trong xã cách phòng và chữa bệnh nâng cao hiêu quả khám chữa bệnh tại địa phương.
Cải thiện môi trường học tập, thu hút trẻ em dân tộc thiểu số đến trường.
Cũng với mục tiêu lấy trẻ em làm trung tâm để ưu tiên triển khai dự án tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, Tổ chức World Vision (Tầm nhìn thế giới) đã tiếp cận và hỗ trợ trường Tiểu học Phú Lương B tại xã Phú Lương, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình từ năm 2012 đến nay. Khi tận mắt chứng kiến sự khang trang của ngôi trường này chúng tôi thấy được hiệu quả tích cực mà dự án mang lại.Trong không khí hồ hởi, thầy Hiệu trưởng Bùi Thành Trung kể rằng, mấy năm về trước ngôi trường nhỏ bé lọt thỏm giữa cánh đồng ngô, cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là thiếu phòng học nên học sinh đến trường cũng chưa đông như bây giờ. Dự án của tổ chức Tầm nhìn thế giới đã hỗ trợ trường xây dựng 4 phòng học, 1 nhà đa năng và 1 thư viện mở và 10 bộ máy vi tính đã giúp cho thầy và trò chúng tôi có thêm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học tại trường. Dự kiến, năm 2018, việc hoàn thành xây dựng sẽ góp phần giúp Trường Tiểu học Phú Lương B đạt được một trong những tiêu chí quan trọng để được công nhận trường chuẩn quốc gia cấp độ 1 là mỗi lớp sẽ có ít nhất một phòng học. Trường Tiểu học Phú Lương B hiện có 11 phòng học, trong khi có tới 15 lớp các cấp.
Điều quan trọng các em học sinh đến trường ngày một đông hơn, tự tin hơn và học tập tốt hơn. Thầy Trung chia sẻ, hầu hết các e học sinh trong trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Các em được đến trường là nỗ lực không nhỏ của giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, từ khi dự án được triển khai học sinh đến trường đông hơn và chưa có trường hợp nào bỏ học. Các em hào hứng, thích thú khi được trang bị máy tính vào việc học, được tham gia thư viện ngoài trời sau thời gian học tập trên lớp. Tất cả tạo nên niềm vui và động lực đưa các em đến trường.
Cũng như mọi dự án khác, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài không chỉ đầu tư cơ sở vật chất trường học, tổ chức Tầm nhìn thế giới còn hỗ trợ nhà trường nhiều mảng như tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho giáo viên và học sinh trong trường. Đối với trẻ em có các lớp tập huấn tai nạn thương tích, phòng chống thiên tai hỏa hoạn, tìm hiểu về quyền trẻ em, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, giữ gìn vệ sinh bản thân và cộng đồng... cùng với đó là hỗ trợ các em học sinh thiết bị, đồ dùng học tập, quần áo thậm chí cả gạo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đối với các thầy cô giáo được tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ và phương pháp dạy học. Theo đó, giáo viên giỏi các cấp và số học sinh giỏi của trường tăng hàng năm lần lượt là 2% và 4%.
Em Bùi Thu Hà, học sinh lớp 5A1 nói: Con rất thích đến trường được vui chơi cùng bạn bè, con cũng thích môn học máy tính vì ở nhà con không có máy tính để học. Con lên cấp 2 con sẽ rất nhớ ngôi trường này và con vẫn sẽ thường xuyên đến đây để đọc sách cùng các em ở thư viện của trường.
Mặc dù các dự án thuộc nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài có quy mô nhỏ, mang tính chất hỗ trợ, bổ khuyết nhưng với cách tiếp cận theo nhu cầu của người dân và sử dụng hiệu quả nguồn lực đã góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần xóa đói giảm nghèo ở khu vực triển khai dự án và nâng cao năng lực quản lý của cán bộ và nhân dân trong vùng.
NN