1. Chủ trì đăng cai tổ chức thành công lần đầu tiên Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam – Campuchia – Lào tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm ôn lại truyền thống đoàn kết chiến đấu của nhân dân 3 nước Đông Dương trong 2 cuộc kháng chiến, đồng thời góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, tăng cường sự gắn bó mật thiết và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa nhân dân 3 nước trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và hội nhập quốc tế.
2. Chủ động tổ chức có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Năm ASEAN do Việt Nam làm Chủ tịch trong đó đáng chú ý là các hoạt động chuẩn bị và đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn Nhân dân ASEAN 6 với sự tham gia của 743 đại biểu trong và ngoài nước. Việc tổ chức thành công hoạt động có yếu tố phức tạp này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, củng cố vị thế và quan hệ hợp tác của các tổ chức nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực, góp phần tích cực vào việc lành mạnh hóa Diễn đàn Nhân dân ASEAN, tăng cường vai trò chủ thể tích cực của các tổ chức nhân dân các nước ASEAN trong việc tham gia xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng về nhân dân.
3. Chủ động triển khai tốt nhiều hoạt động hưởng ứng Năm hữu nghị Việt – Trung 2010 gồm các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động giao lưu hữu nghị ở trung ương và các tỉnh, thành, quyên góp ủng hộ nhân dân Cam Túc của Trung Quốc bị lũ lụt, phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức cuộc thi tìm hiểu về quan hệ Việt-Trung với hàng trăm ngàn lượt người dân tham gia. Liên hoan nhân dân biên giới giữa các tỉnh biên giới Tây Bắc Việt Nam với Vân Nam của Trung Quốc đã được tổ chức thành công tại Lào Cai. Đặc biệt, việc tổ chức có hiệu quả Diễn đàn nhân dân Việt – Trung lần thứ nhất (tháng 3/2010) và lần thứ hai (tháng 9/2010) theo sáng kiến của Việt Nam đã tạo thêm một cơ chế tin cậy để hai bên trao đổi cởi mở, thẳng thắn và xây dựng, thực chất về những vấn đề liên quan đến quan hệ Việt – Trung, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đưa ra được những khuyến nghị thiết thực nhằm giải quyết những vướng mắc và phát triển quan hệ giữa hai nước theo hướng tích cực. Việc tổ chức tốt Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt – Trung lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2010 tại Hà Nội đã tạo bầu không khí tốt đẹp kết thúc Năm Hữu nghị Việt-Trung, tổng kết việc thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Liên hiệp với Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc năm 2009 – 2010 và ký kết thỏa thuận hợp tác năm 2011-2012, tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước trong thời gian tới.
4. Triển khai nhiều hoạt động giao lưu nhằm góp phần vào việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga, trong đó có việc tham gia phối hợp đón các thầy cô giáo, các cựu chiến binh, chuyên gia Nga thăm Việt Nam, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm chuyến bay vũ trụ Xô-Việt, 65 năm ngày Chiến thắng phát xít Đức. Đặc biệt, việc tổ chức thành công buổi giao lưu giữa những người từng học tập tại Liên bang Nga/Liên Xô với Tổng thống Nga Medvedev nhân dịp Tổng thống sang thăm Việt Nam đã thể hiện tình cảm hữu nghị chân thành của nhân dân Việt Nam đối với lãnh đạo và nhân dân Nga, đóng góp cho thành công của chuyến thăm và tạo tâm thế thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
5. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên bang Nga, Triều Tiên, các nước Đông Âu, 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Cu Ba, 35 năm Quốc khánh CHDCND Lào, 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên bang Đức, 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị với bạn bè truyền thống và các nước đối tác quan trọng của Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 65 năm Quốc khánh, tổ chức hai chương trình Gặp gỡ bè quốc tế với sự tham dự của 155 đại biểu đến từ nhiều quốc gia và một số tổ chức quốc tế; đồng thời đón 5 đoàn khách quốc tế vào tham dự chương trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tặng 114 kỷ niệm chương “Vì hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc” và đồng thời đề nghị Đảng và Nhà nước tặng 08 Huân chương, huy chương hữu nghị cho các tổ chức và cá nhân người nước ngoài. Các hoạt động này đã góp phần thực hiện chủ trương đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước ta với bạn bè quốc tế, làm cho bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về tình nghĩa thủy chung của Việt Nam, đồng thời tiếp tục tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế; tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức, đối tác Việt Nam.
6. Triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương. Phối hợp với Mạng lưới Giao lưu không chính thức các tổ chức phi chính phủ Liên hợp quốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị bàn tròn về chủ đề “Kỷ niệm 10 năm Liên hiệp quốc ra mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) và vấn đề tăng quyền năng cho phụ nữ”, thông qua Tuyên bố Đà Nẵng, trong đó đưa ra những khuyến nghị góp phần thúc đẩy việc thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ để trình lên ECOSOC. Chủ trì phối hợp với các tổ chức nhân dân Việt Nam tham gia các hoạt động tại Diễn đàn nhân dân Á – Âu lần thứ 8 góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của Việt Nam, nâng cao vị thế của các tổ chức nhân dân ta trong Diễn đàn. Tích cực tham gia vào các hoạt động của Mạng lưới đoàn kết Nam Nam, của Hội đồng Hòa bình thế giới, củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức cánh tả, tiến bộ của các nước.
7. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Đẩy mạnh công tác vận động, đấu tranh chính trị. Vận động bạn bè Mỹ phản đối dự luật nhân quyền Việt Nam do Hạ viện Mỹ thông qua; triển khai các hoạt động đối thoại, đấu tranh về nhân quyền trong lĩnh vực tự do tôn giáo. Mở rộng địa bàn vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đioxin, đẩy mạnh các hoạt động vận động ủng hộ nạn cuộc đấu tranh của các nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Tăng cường đấu tranh có hiệu quả với sự thâm nhập và hoạt động của các nhóm phản động lợi dụng các diễn đàn đa phương để chống phá ta về dân chủ, nhân quyền.
Chủ động phát huy có hiệu quả vai trò nòng cốt trong nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân chung; tích cực hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức nhân dân khác, tạo được uy tín và sự tin cậy trong nhiều tổ chức nhân dân Việt Nam và các đối tác nước ngoại.
Đẩy mạnh xã hội hóa nhiều hoạt động đối ngoại nhằm huy động sự tham gia, đóng góp của xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
8. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới, hoạt động vận động viện trợ tiếp tục phát huy hiệu quả: Năm 2010, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giải ngân khoảng 280 triệu USD (năm 2009 là 271 triệu USD). Dự án viện trợ của các tổ chức phi chính phủ tiếp tục phù hợp với các định hướng ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần thiết thực vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, cứu trợ thiên tai, phòng chống biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả chiến tranh. Tích cực vận động viện trợ khẩn cấp kịp thời hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị thiên tai với tổng giá trị cam kết là 20 tỷ đồng. Lần đầu tiên tổ chức Lễ ghi nhận đóng góp của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm tiếp tục động viên và khuyến khích các tổ chức tăng cường hợp tác với Việt Nam. Tại buổi lễ, các tổ chức tham dự đã công bố cam kết hỗ trợ 157 triệu USD (tương đương với trên 3000 tỷ đồng VN) cho các dự án xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam trong năm 2011.
9. Công tác nghiên cứu, tham mưu và thông tin đối ngoại được tăng cường. Tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Chỉ thị mới về công tác đối ngoại nhân dân thay thế Chỉ thị 44-CT/TW, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88 về quản lý tổ chức và hoạt động Hội, Nghị định thay thế Quyết định 340 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Cung cấp thông tin phục vụ cho chuẩn bị Báo cáo tổng kết 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII; tham gia xây dựng Đề án phục vụ Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 8; báo cáo đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; tham gia xây dựng Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW; tham gia ý kiến với Nhóm đối thoại Việt – Mỹ về Tuyên bố và Kế hoạch chiến lược về chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Nhiều báo cáo từ các hoạt động, tiếp xúc đối ngoại của Liên hiệp được đánh giá cao, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và chỉ đạo.
Phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng đại diện Rosa Luxemburg tổ chức Tọa đàm về Cương lĩnh Đảng Cánh tả và Hội thảo quốc tế về “Tư tưởng của Rosa Luxemburg và những ảnh hưởng trong việc giải quyết các vấn đề hiện nay”. Các sản phẩm nghiên cứu của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam về giáo dục, về vấn đề dân chủ hóa và về khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu được đánh giá cao.
Tăng cường mạnh các sản phẩm thông tin đại chúng. Xây dựng và hoàn thiện các tài liệu, đĩa hình giới thiệu về sự nghiệp đổi mới đi lên CHXH ở Việt Nam được sử dụng có hiệu quả trong nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân. Năm 2010, trang thông tin điện tử của Liên hiệp đã thu hút khoảng 1.132.069 lượt truy cập (tăng 2,5 lần so với năm 2009). Tạp chí Hữu nghị đã phát hành 7 số (trong đó có 02 chuyên san), báo Thời đại xuất bản 51 số với lượng phát hành khoảng 200.000 tờ. Các công cụ thông tin của các tổ chức thành viên như Quỹ HBPT Việt Nam, Hội Việt-Mỹ, Hội Hữu nghị Việt-Nga, Hội Hữu nghị Việt-Pháp, Hội Hữu nghị Việt – Bun, Hội Hữu nghị Việt-Séc, v.v...ở Trung ương và của nhiều Liên hiệp các tỉnh, thành được tăng cường, góp phần tích cực giới thiệu về thành tựu của đổi mới và chính sách đối ngoại của Việt Nam, về công tác đối ngoại nhân dân cho bạn bè quốc tế và quần chúng nhân dân và ngoài nước. Quan hệ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng được tăng cường góp phần tăng đáng kể lượng tin bài về các hoạt động đối ngoại của Liên hiệp được đăng tải trong năm.
10. Củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức thành viên. Tổ chức tốt chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của Liên hiệp với các việc làm có ý nghĩa thiết thực như tôn tạo Khu di tích Ủy ban Hòa bình Việt Nam tại Thái Nguyên, sưu tầm tư liệu, kỷ vật và khánh thành Nhà Truyền thống của Liên hiệp, tổ chức các hoạt động kỷ niệm ở Trung ương và nhiều tỉnh, thành, thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của xã hội đối với Liên hiệp và công tác đối ngoại nhân dân. Nhân dịp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tặng Liên hiệp bức trướng mang dòng chữ “ Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đoàn kết quốc tế”. Đã tổ chức được Đại hội tổng kết phong trào thi đua yêu nước toàn Liên hiệp giai đoạn 2005-2010.
Thành lập mới Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Brasil; kiện toàn, củng cố một số tổ chức thành viên ở trung ương và tại nhiều tỉnh thành. Đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo cho cán bộ cơ quan thường trực của Liên hiệp trung ương và các địa phương.
Nhiều tổ chức thành viên ở Trung ương đã chủ động triển khai được nhiều hoạt động đối ngoại có hiệu quả cao, nổi bật là Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt-Trung và Hội Hữu nghị Việt Nam – Cămpuchia. Nhiều tổ chức thành viên tại các tỉnh thành đã lập được nhiều thành tích xuất sắc đóng góp cho công tác đối ngoại và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong đó nổi bật là Liên hiệp Kiên Giang, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
PV