Đến dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, ông Bùi Bá Bình, Phó Tổng thư ký, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các sở, ban, ngành, các Hội đoàn thể trên địa bàn thành phố và đặc biệt có sự tham gia của các đại diện lãnh đạo của 15 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề lớn như: những mô hình thành công của các Liên hiệp địa phương trong việc tổ chức, triển khai hoạt động đối ngoại nhân dân về tổ chức bộ máy, về công tác PCPNN, về mô hình xã hội hoá trong công tác đối ngoại nhân dân, vv; kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và kết nối, mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế; phương thức thực hiện và kinh nghiệm trong công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, Hội, đoàn thể, địa phương trong việc tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân để Liên hiệp thực hiện được chức năng là cơ quan chuyên trách; công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của Liên hiệp địa phương, thực trạng, kinh nghiệm và các giải pháp cơ bản; các giải pháp của Liên hiệp địa phương nhằm thúc đẩy quá trình thể chế hoá Chỉ thị 28-CT/TW; những bài học kinh nghiệm cơ bản được rút ra trong công tác đối ngoại nhân dân, vv
Phát biểu tại Hội thảo ông Bùi Bá Bình, Phó Tổng thư ký, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Liên hiệp Việt Nam đã định hướng một số việc làm chính mà Liên hiệp các địa phương cần tập trung trong thời gian đến trên tinh thần “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”. Cần tạo sự thống nhất nhận thức trong Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh/ thành về công việc của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị; đa dạng hoá mạnh mẽ đối tác, chủ động tìm đến với bạn bè và đối tác, vừa củng cố quan hệ bạn bè cũ, vừa xây dựng bạn bè mới để tạo dựng một mạng lưới bạn bè quốc tế đa dạng; các tổ chức hữu nghị thành phố cần linh hoạt, sáng tạo, mở rộng các loại hình hoạt động trên nhiều lĩnh, gắn với việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, chuyển giao công nghệ, quảng bá hình ảnh tỉnh, thành, vv; xây dựng lực lượng cán bộ chuyên trách của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị vững vàng chính trị, tinh thông nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng và kinh nghiệm tác nghiệp đối ngoại, đảm bảo “chuyên trách, chuyên nghiệp và chuyên tâm”; cần vận động, động viên nhiều lực lượng, nhiều tầng lớp, nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công tác đối ngoại nhân dân; đề nghị lãnh đạo, tỉnh/thành quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, kinh phí, ... đúng tầm cho chương trình công tác đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị.
Kết quả của Hội thảo góp phần giúp Liên hiệp thành phố Đà Nẵng và các tỉnh/thành tìm ra các giải pháp cơ bản nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong quá trình chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân và thể chế hoá về mặt Nhà nước Chỉ thị 28 của Ban Bí thư TW Đảng khoá X; tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong việc phối hợp triển khai và thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố, trong đó Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, thành là cơ quan chuyên trách, giữ vai trò nòng cốt. Đồng thời, Hội thảo cũng góp phần giúp Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong công tác chỉ đạo, xây dựng mục tiêu, phương hướng, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, thành trong thời gian đến.
Kim Tuyến