Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào – Việt, ông Boviengkham Vongdara với các phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn nhân kỷ niệm 61 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2023).
Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Boviengkham Vongdara cho biết quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng xây dựng đã trải qua nhiều thập kỷ gắn bó và ngày càng gắn bó hơn. Ông đánh giá rất cao quan hệ gắn bó ruột thịt giữa hai nước Lào – Việt Nam trong những thập kỷ qua; đồng thời khẳng định lịch sử đã chứng minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam lúc nào cũng luôn kề vai sát cánh, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi cả trong giai đoạn chiến tranh cũng như trong thời kỳ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Trong năm 2022, hai nước Việt Nam và Lào đã tổ chức hết sức trọng thể và thành công các sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977- 18/7/2022).
Ông Boviengkham Vongdara, Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào – Việt. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào) |
Sự đồng hành giữa hai nước, theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào – Việt Boviengkham Vongdara, xuất phát từ việc Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng NDCM Lào đều có nguồn gốc chung từ Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi Việt Nam tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945, đến ngày 12/10/1945, Lào cũng tuyên bố độc lập. Sau năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và sau đó là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng NDCM Lào, hai nước luôn có quan hệ gắn bó keo sơn, thủy chung, trong sáng, trên tinh thần anh em, đồng chí, cùng chung chiến hào, cùng sống chết bên nhau. Đến tháng 4/1975, khi Việt Nam thống nhất đất nước, nước CHDCND Lào cũng ra đời vào tháng 12/1975. Đến giữa những năm 1980, Việt Nam và Lào đều bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, hai nước tiếp tục đồng hành, cùng nhau gìn giữ và phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Kể từ đó tới nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển nổi bật và ngày càng vững mạnh, bộ mặt đất nước thay đổi nhanh chóng, đời sống người dân ngày càng văn minh và vị thế của Việt Nam trên trường thế giới ngày một nâng cao.
Về phía Lào, trong những năm qua cũng đã rất nỗ lực phát triển đất nước và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội và Việt Nam đã hỗ trợ Lào rất nhiều trong công cuộc này. Theo ông Boviengkham, cũng như trong thời kỳ chiến tranh, trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục đồng hành hỗ trợ và ủng hộ Lào trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt, Việt Nam luôn có mặt để giúp Lào khi nước bạn gặp khó khăn kinh tế, dịch bệnh COVID-19… Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một trong 3 nhà đầu tư lớn nhất vào Lào, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước tăng hàng năm, giúp kinh tế, đời sống dân sinh của người dân hai nước ngày càng phát triển và được nâng cao.
Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào – Việt, trong những thập kỷ qua, hai nước Việt Nam – Lào anh em đã luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, đúng như điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh miêu tả trong những câu thơ: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt – Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, hay câu: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn/ Nhưng tình nghĩa Việt – Lào sẽ mãi vững bền hơn núi hơn sông” mà Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng khẳng định.
Theo Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Boviengkham Vongdara, trong những năm qua, Hội Hữu nghị hai nước luôn làm tốt vai trò ngoại giao nhân dân, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, quảng bá về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Lào – Việt Nam, để người dân hai nước hiểu, thấm nhuần và tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ đặc biệt này ngày càng sâu sắc, gắn bó và hiệu quả. Trong năm 2022 vừa qua, hai hội đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm ở mỗi nước; tổ chức thi viết truyện, làm thơ, vẽ và sáng tác các bài hát về quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào – Việt.
Đặc biệt hiện hai hội đang triển khai một dự án, theo đó sinh viên Lào học tại Việt Nam sẽ được Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tìm giúp bố mẹ nuôi ở Việt Nam. Hai hội sẽ phối hợp để đưa những người bố mẹ nuôi Việt Nam đó sang Lào để gặp và làm quen với bố mẹ đẻ của con nuôi, với mong muốn, từ việc con cháu đi học, sẽ giúp hai gia đình hai bên có quan hệ với nhau, giúp quan hệ giữa nhân dân hai nước ngày càng sâu sắc, gắn bó.
Theo ông Boviengkham, quan hệ hợp tác chặt chẽ và những việc làm mà hai hội đã và đang triển khai đã giúp cho người dân hai nước hiểu nhau hơn, thêm yêu quý nhau, thêm đoàn kết hơn. Đây chính là đóng góp thực chất mà Hội Hữu nghị hai nước đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Cũng theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào – Việt Boviengkham Vongdara, tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng do sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Để vượt qua các thách thức hiện nay, hai nước Lào – Việt Nam cần tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, sao cho quan hệ đặc biệt này ngày càng sâu sắc và hiệu quả.
Để làm được điều đó, hai nước cần tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, để người dân hiểu sâu sắc và thấm nhuần về sự đặc biệt của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước bởi đây là di sản chung của hai nước mà không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có được, từ đó tiếp tục bảo vệ, vun đắp và phát triển mối quan hệ có một không hai này trường tồn với thời gian.
Theo ông Boviengkham Vongdara, một yếu tố rất quan trọng mà không thể không nhắc tới là cả Lào và Việt Nam đều đang trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, ngoài quan hệ tốt trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao nhân dân, Lào và Việt Nam cũng cần cùng nhau tăng cường hợp tác phát triển kinh tế. Là hai nước có quan hệ đặc biệt, nên Việt Nam và Lào cần xây dựng các cơ chế đặc biệt để các hợp tác giữa hai nước được triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào – Việt, hai nước cũng cần tiếp tục tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích 100 năm trồng người”. Hiện Lào vẫn đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển. Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam vẫn tiếp tục giúp Lào rất nhiều trong công tác này. Đây là nền tảng vững chắc giúp gìn giữ và tiếp tục phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Bên cạnh đó, Lào và Việt Nam cũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEAN.
Q.Hoa t.h / Báo Tin Tức