Với nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước, chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Marx-Lenin, dựa trên nền móng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp phát triển để phù hợp với điều kiện trong nước và tình hình thế giới trong thời đại mới.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đã xây dựng một trường phái đối ngoại và ngoại giao độc đáo và đặc sắc - “Ngoại giao Cây tre Việt Nam.”
Kim chỉ nam dẫn đường
Trong các cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, đánh giá về trường phái "Ngoại giao Cây tre,” hầu hết các chuyên gia, học giả quốc tế đều nhất trí rằng hình ảnh cây tre với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" mang đậm bản sắc Việt Nam và rất phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam; trường phái này thể hiện sự kiên định mà linh hoạt, mềm dẻo, khôn khéo, chủ động, khả năng thích ứng của ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường.
Nói cách khác, trường phái "Ngoại giao Cây tre Việt Nam” là để phục vụ mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc trong mọi hoàn cảnh và mọi thời điểm.
Chuyên gia Layton Pike, đồng sáng lập Viện Chính sách Việt Nam-Australia (AVPI), nhận định cây tre gợi nên hình ảnh về sự kiên cường, đoàn kết và sức mạnh, chính là một phép ẩn dụ lý tưởng cho chính sách đối ngoại của Việt Nam, đó là sự linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định trước mọi thử thách, khó khăn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại Tehran (Iran), Tiến sỹ Abed Akbari cho rằng Việt Nam sử dụng khái niệm "Ngoại giao Cây tre" như một phép ẩn dụ về tính kiên cường nhưng rất mềm dẻo và thích ứng cao trong chính sách đối ngoại.
Nhấn mạnh khả năng phục hồi và tính linh hoạt của cây tre, Giáo sư Go Ito, chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Khoa học chính trị, Đại học Meiji lưu ý sự linh hoạt tồn tại trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong việc duy trì mối quan hệ với các nước.
Chia sẻ ý kiến này, Tiến sỹ Tomotaka Shoji, Giám đốc Ban nghiên cứu khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ “Ngoại giao Cây tre” cho thấy chính sách đối ngoại của Việt Nam không giáo điều mà thể hiện sự linh hoạt tùy theo đối tác và tình thế, rất phù hợp với môi trường chiến lược và bối cảnh lịch sử, trong đó nổi bật là logic phát triển quan hệ một cách cân bằng với các nước.
Làm rõ hơn về sự uyển chuyển của "Ngoại giao Cây tre," ông Kyril Whittaker, nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Anh, nhận định chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam dựa trên sự mềm dẻo và sức mạnh với “gốc vững vàng” và “cành mềm dẻo,” thể hiện tính kiên cường, mạnh mẽ nhưng cởi mở.
Việt Nam nhất quán xây dựng đường lối đối ngoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp, trong khi ủng hộ sự cởi mở và linh hoạt cùng nỗ lực ngày càng tăng để cải thiện các mối quan hệ quốc tế và tham gia vào mọi lĩnh vực.
Sức mạnh của đường lối này là việc không từ bỏ các nguyên tắc, song đồng thời luôn linh hoạt và thích ứng với một thế giới đang thay đổi, tìm cách tạo ra các mối quan hệ mới trong khi phát triển các mối quan hệ hiện có.
Theo cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ SD Pradhan, chính sách ngoại giao của Việt Nam linh hoạt và mềm mỏng để "dung hòa" với tất cả các cực trong thế giới đa cực, nhưng vẫn gắn chặt với các lợi ích quốc gia rộng lớn hơn, hướng tới hòa bình và tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng như của khu vực. Điều này càng làm nổi bật tính chủ động và sự tự tin trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và cũng qua đó, Việt Nam đã chứng minh được chủ trương "làm bạn với tất cả các nước."
Phóng viên cao cấp Khamvisan Keosouphan - nguyên Trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào, cho rằng ngoại giao "cây tre" hàm chứa trong đó bản chất và đường lối của ngoại giao Việt Nam, đó là một nền ngoại giao được đúc kết trong suốt quá trình hàng nghìn năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam, dựa trên nguyên tắc bất biến và tư tưởng xuyên suốt là “độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia.”
Cùng chung nhận định, Tiến sỹ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, đề cập tới thông điệp mang tính triết lý hết sức sâu sắc nhưng lại vô cùng gần gũi, thiết thực được truyền tải qua "Ngoại giao Cây tre," đó là: “Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc.”
Tiến sỹ Joe Pateman thuộc Khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế Đại học Nottingham (Anh) đánh giá "rễ khỏe" của cây tre trong trường phái "Ngoại giao Cây tre" chính là những nguyên tắc chỉ đạo cốt lõi như lợi ích dân tộc, độc lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại - những nguyên tắc đã ăn sâu vào tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tạo nền tảng cho đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Hữu nghị Israel-Việt Nam, nguyên Đại sứ Israel tại Việt Nam (2001-2003) Amikam Levy cho rằng đường lối “Ngoại giao Cây tre” là một chính sách rất tốt của Đảng Cộng sản Việt Nam vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và phù hợp với người dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, trường phái “Ngoại giao Cây tre” cũng được đánh giá là dấu ấn thể hiện sự gắn kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, bởi chính sách hội nhập và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam gắn sự nghiệp phát triển của đất nước với sự phát triển và biến động của khu vực và trên thế giới.
Tiến sỹ Abed Akbari, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Tehran (Iran), khẳng định các trụ cột đồng thuận trong chính sách đối ngoại của Việt Nam bao gồm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các đối tác, tổ chức quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Có thể nói "Ngoại giao Cây tre" không chỉ chứa đựng những triết lý ngoại giao của Việt Nam, mà đây còn như kim chỉ nam dẫn đường để triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong tình hình mới, bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia-dân tộc.
Phát huy "sức mạnh mềm" quốc gia
Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu chọn tham gia nhiều tổ chức quốc tế và đang đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc 2023-2027.
Những hoạt động sôi nổi của Việt Nam tại các phiên họp của các cơ quan thuộc tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đã thể hiện đầy đủ vị thế, vai trò và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động của Việt Nam trong ngoại giao song phương và đa phương cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Đó cũng là minh chứng sống động cho thành tựu của "Ngoại giao Cây tre."
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, trường phái "Ngoại giao Cây tre" đã mang lại cho Việt Nam vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế, giúp Việt Nam thành công trong việc duy trì mối quan hệ thực tế với các cường quốc trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích quốc gia.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải - nghiên cứu viên Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland (Australia) nêu rõ thành tựu của trường phái "Ngoại giao Cây tre Việt Nam” cho đến nay chính là góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình và thuận lợi để phục vụ phát triển đất nước; đồng thời có đóng góp tích cực và trách nhiệm vào đảm bảo an ninh, hòa bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới, góp phần tạo cho Việt Nam “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”
Đây cũng là ý kiến của nhà báo kỳ cựu người Indonesia, ông Mohammah Anthony khi đánh giá về "Ngoại giao Cây tre" của Việt Nam, theo đó lợi ích và mục tiêu cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam là giữ vững hòa bình để phát triển, có nghĩa là tạo lập môi trường quốc tế hòa bình, thuận lợi cho các nỗ lực đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia.
Đồng quan điểm này, báo “The India Times” của Ấn Độ cho rằng trường phái “Ngoại giao Cây tre” đã giúp Việt Nam thành công trong việc duy trì vị thế độc lập và cân bằng với các nước lớn, qua đó tối đa hoá lợi ích quốc gia.
Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với trên 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.
Mạng lưới quan hệ đối ngoại rộng mở và ngày càng sâu sắc giúp Việt Nam củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, mở ra nhiều thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ nhiều nguồn vốn, công nghệ và tri thức bên ngoài phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với việc triển khai "Ngoại giao Cây tre," Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là đối tác đáng tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực.
Nhà báo Ngụy Vi, Trưởng Ban tiếng Việt, Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho rằng công tác đối ngoại góp phần quan trọng làm thay đổi vị thế quốc tế, từng bước nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhà báo nổi tiếng người Indonesia Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) nhấn mạnh Việt Nam là "ngôi sao" đang lên của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là một quốc gia chiến lược ở Đông Nam Á, có ảnh hưởng ngoại giao lớn trong khu vực.
Trong khi đó, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González khẳng định Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển. Việt Nam hiện là một chủ thể quan trọng trên chính trường quốc tế, hoạt động sôi nổi và có nhiều đóng góp đáng chú ý tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, là đối tác tin cậy và tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực.
Theo ông, kết quả nêu trên là nhờ Việt Nam đã tận dụng một cách thông minh, khéo léo những yếu tố tích cực do toàn cầu hóa mang lại mà không từ bỏ những nguyên tắc đối ngoại của mình, đồng thời hạn chế tác động của những yếu tố tiêu cực.
Cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan đề cao việc Việt Nam có thể xử lý khéo léo các tình huống phát sinh và đóng góp tích cực trong các vấn đề quốc tế với những những động thái hướng tới hòa bình.
Ông nhắc lại trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa qua, Việt Nam đã chủ trì hơn 30 phiên họp thảo luận về các vấn đề an ninh ở Trung Đông, châu Phi..., rà soát và có phương hướng phù hợp cho hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại một loạt điểm nóng.
Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khái niệm về Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Những bước đi này đã nâng cao đáng kể tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhà báo kỳ cựu Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), đánh giá "Ngoại giao Cây tre" không chỉ là cách xử lý và ứng phó trước sự thay đổi mà còn là cách thức thúc đẩy văn hóa, bản sắc và quan hệ kinh tế của Việt Nam với các đối tác chiến lược và toàn diện. Đây được coi là sự kết hợp tổng hòa các yếu tố sức mạnh quốc gia, bao gồm bản sắc, chính trị, kinh tế, cùng với phương châm ngoại giao lấy quốc gia, dân tộc làm trung tâm để thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Trong bài viết đăng trên báo Iran Daily, một tờ báo lớn và uy tín của Chính phủ Iran, Tiến sỹ Abed Akbari, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Tehran (Iran) đã khẳng định: "Việt Nam sử dụng bản sắc dân tộc để thúc đẩy vị thế toàn cầu, tiến bộ và phát triển bền vững, tạo dựng ảnh hưởng trong khu vực và ngày càng tham gia tích cực trong các mối quan hệ toàn cầu."
Có thể ví sách lược ngoại giao theo trường phái "Ngoại giao Cây tre" là một trong những nguồn "sức mạnh mềm" quốc gia, và việc phát huy có hiệu quả lợi thế của nguồn "sức mạnh mềm" này tạo cơ hội để Việt Nam ngày càng phát triển và thịnh vượng, nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín trên trường quốc tế./.
Q.Hoa t.h / TTXVN