Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng các khách mời chụp ảnh với đại biểu Trại hè Việt Nam 2023. (Ảnh: Minh Quân) |
Tháng Tám này là vừa tròn hai năm Kết luận 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác về NVNONN trong tình hình mới ra đời. Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật của công tác này sau hai năm qua?
Có thể thấy, sau hai năm thực hiện Kết luận 12, công tác NVNONN đã đạt được những kết quả quan trọng.
Thứ nhất, phần đông kiều bào đều mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho bà con được hưởng một số chính sách và quyền lợi như người dân trong nước để yên tâm đầu tư, kinh doanh, làm việc hoặc về nước sinh sống.
Do đó, để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của bà con, Ủy ban Nhà nước về NVNONN – Bộ Ngoại giao, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các chính sách liên quan đến NVNONN, trong đó phải kể đến chính sách về quốc tịch hay mới đây là việc các cơ quan liên quan đang xem xét mở rộng đối tượng cấp căn cước công dân cho cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong dự thảo Luật Căn cước.
Thứ hai, đặc biệt coi trọng công tác đại đoàn kết, vận động kiều bào hướng về quê hương, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối bà con với đất nước có tính chất thường niên như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam…
Ủy ban Nhà nước về NVNONN luôn nỗ lực đổi mới nhiều nội dung và hình thức để lan toả ý nghĩa những hoạt động này trong cộng đồng NVNONN và từ những hoạt động này bà con thấy những đóng góp của mình cho đất nước thực sự có ý nghĩa.
Đáng chú ý, kiều bào ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền, biển đảo của đất nước như tổ chức các hoạt động hướng về về biển đảo Tổ quốc, thành lập các Câu lạc bộ vì Trường Sa-Hoàng Sa ở nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Czech, Hunggary, Ba Lan…
Tháng 6 vừa qua, tại thủ đô Paris của Pháp, Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức Hội thảo khoa học "Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam" với sự tham dự của đông đảo học giả và những người yêu biển đảo Việt Nam.
Hội thảo là dịp thu thập tài liệu, cập nhật, trao đổi những thông tin mới nhất về tình hình Biển Đông thời gian qua; đồng thời là dịp kết nối kiều bào đã đi thăm Trường Sa với những người yêu biển đảo Việt Nam.
Thứ ba, để công tác vận động và phát huy nguồn lực NVNONN có hiệu quả hơn, các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp, thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân kiều bào, thành lập cơ chế NVNONN tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước.
Tiêu biểu là, giai đoạn 2020-2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp tổ chức hàng loạt chương trình trao đổi, tư vấn dưới hình thức trực tuyến giữa đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kiều bào trong lĩnh vực y khoa với các cơ quan, người dân trong nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Hội nghị kết nối kiều bào với Quảng Nam với chủ đề “Chuyên gia kiều bào góp ý lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”; Chương trình Đoàn doanh nhân kiều bào Thái Lan kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại các địa phương (tháng 7/2022); Hội nghị Nông nghiệp thông minh (tháng 1/2023); Hội thảo “Thu hút nguồn lực NVNONN cho phát triển du lịch” (tháng 8/2023)…
Chúng tôi cũng thúc đẩy hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học; huy động NVNONN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài. Doanh nhân, doanh nghiệp người Việt tại nhiều địa bàn, tiêu biểu là tại Hoa Kỳ, châu Âu, Thái Lan… có tiềm lực kinh tế đáng kể, tích cực tham gia vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm việt Nam ở sở tại từ nhiều năm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam trong chuyến thăm Italy vào tháng 7/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ tư, việc hỗ trợ NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại tiếp tục được quan tâm. Trong các hoạt động đối ngoại, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc ở sở tại.
Khó khăn về địa vị pháp lý của kiều bào ở một số địa bàn đang dần được tháo gỡ hoặc được củng cố vững chắc như việc Slovakia đã chính thức công nhận cộng đồng người Việt là cộng đồng dân tộc thiểu số thứ 14 tại nước này. Đây là minh chứng cho mức độ phát triển, hội nhập sâu rộng và khẳng định vị thế, uy tín cũng như đóng góp của bà con ta với quê hương thứ hai của mình và qua đó đóng góp tốt hơn cho quan hệ Việt Nam và sở tại.
Thứ năm, với nhận thức sâu sắc văn hoá là gốc, ngôn ngữ mẹ đẻ là hồn cốt dân tộc, việc giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được triển khai mạnh mẽ và có thể nói là có đột phá khi Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022.
Ngay trong năm 2023 – năm đầu tiên triển khai Đề án, Ủy ban Nhà nước về NVNONN và các bộ, ngành liên quan, nhất là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng như cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt, xây dựng Tủ sách tiếng Việt và đang hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9.
Thứ sáu, công tác thông tin tới NVNONN được đổi mới về tư duy, nội dung và hình thức, chú trọng phát triển nội dung trên nền tảng số để kiều bào có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Các cơ quan báo chí trong nước tích cực theo sát các hoạt động liên quan đến cộng đồng, mở chuyên mục, chuyên trang như: Tạp chí người Việt, Người Việt năm châu, Đồng bào Việt Nam ở nước ngoài…
Ngoài ra, ta cũng tạo điều kiện để phóng viên kiều bào về nước tác nghiệp, đưa tin, góp phần giúp cộng đồng nắm được những thông tin chính xác, khách quan về tình hình trong nước cũng như cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Phóng viên kiều bào đã đến tận biên giới Ukraine-Ba Lan để trực tiếp đưa tin sơ tán bà con ta an toàn ra khỏi nơi chiến sự, được cộng đồng các nước lân cận cưu mang, cơ quan đại diện ta hỗ trợ.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp mặt cộng đồng người Việt ở Pháp trong chuyến thăm và làm việc tại Pháp, ngày 5/6. (Nguồn: TTXVN) |
Long Pham / Theo Baoquocte.vn