Đến nay, trước cục diện thế giới có những thay đổi mang tính bước ngoặt, Phong trào Không Liên kết tuy vẫn giữ nguyên “tinh thần Bandung" và vai trò là diễn đàn đa phương đi đầu trong xây dựng, bảo vệ các nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế, song cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức.
Đấu tranh cho quyền tự quyết dân tộc, hòa bình, an ninh và phát triển
Phong trào Không Liên kết (Non-Aligned Movement - NAM) dần hình thành trong cao trào giải phóng dân tộc và trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh có nguy cơ dẫn đến Chiến tranh Thế giới Mới.
Chính sách Không Liên kết là biểu thị ý chí của các nước độc lập non trẻ Á, Phi, Mỹ Latinh đoàn kết đấu tranh bảo vệ và củng cố độc lập chính trị, từng bước giành độc lập kinh tế, bảo vệ hòa bình thế giới để tồn tại và phát triển.
Mặc dù cho đến năm 1961, Phong trào mới chính thức được thành lập ở Belgrade (Nam Tư cũ) nhưng nguồn gốc của Phong trào xuất phát từ Hội nghị Thượng đỉnh Á Phi tổ chức ở Bandung, Indonesia vào tháng 4/1955.
Dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Ấn Độ Nehru - người tin rằng các quốc gia châu Á và châu Phi nên xây dựng liên minh đoàn kết chống lại chủ nghĩa đế quốc mới - các nhà lãnh đạo của 29 nước đã gặp nhau ở Hội nghị Á-Phi (Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu), tuyên bố áp dụng chính sách trung lập và thúc đẩy phong trào phi thực dân hóa
Ở hội nghị này, các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba cũng chia sẻ những vấn đề chung khác như chống lại sức ép của các quốc gia lớn, duy trì độc lập, chống lại chủ nghĩa thực dân và thực dân mới, đặc biệt là sự thống trị của phương Tây.
Tháng 4/1961 các Tổng thống Ai Cập, Nam Tư và Indonesia gửi thư chung cho nguyên thủ 21 nước đề nghị tổ chức một hội nghị các nước Không Liên kết.
Ngày 18/5/1961 các Tổng thống Naser, Tito, Sukarno gửi thư chính thức mời những nước đó dự Hội nghị trù bị tại Cairo. Hội nghị trù bị tại Cairo từ ngày 5 đến 12/6/1961 để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao của các nước Không Liên kết tại Nam Tư vào tháng 9/1961, đã bàn về vai trò và chính sách của Phong trào Không Liên kết trong tương lai.
Những nước tham dự Hội nghị trù bị Cairo cho rằng cần biến khu vực các nước không cam kết... thành một nhân tố cơ bản gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, khẳng định sự trung thành đối với chính sách không cam kết như là một biện pháp xử lý tích cực các vấn đề mà thế giới đang gặp phải (về từ ngữ, cụm từ Không Liên kết chỉ được sử dụng chính thức từ Hội nghị cấp cao Belgrade. Trước đó, Hội nghị trù bị Cairo dùng cụm từ không cam kết).
Một đóng góp rất quan trọng của Hội nghị trù bị Cairo là việc soạn thảo 5 tiêu chuẩn thành viên của Phong trào được Hội nghị cấp cao Belgrade thông qua và có hiệu lực cho đến ngày nay.
Hội nghị các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước Không Liên kết tại Nam Tư vào đầu tháng 9/1961 đã chính thức khai sinh ra Phong trào Không Liên kết.
Mục tiêu của Phong trào được ghi rõ trong Tuyên bố Havana 1979, bao gồm việc bảo đảm “độc lập và chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia Không Liên kết” trong “cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tất cả hình thức xâm lược, chiếm đóng, thống trị, can thiệp hay bá quyền nước ngoài.”
Tính trung lập của các quốc gia Không Liên kết có thể tạo cho họ sức ảnh hưởng về mặt ngoại giao trong Chiến tranh Lạnh khi họ có thể đóng vai trò hòa giải giữa các cường quốc và đóng góp trực tiếp cho mục đích hòa bình.
Phong trào Không Liên kết tồn tại hơn ba thập niên và không ngừng phát triển, đến nay có 120 nước thành viên, 17 nước quan sát viên và trở thành tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên hiệp quốc.
Không Liên kết là một tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp vào duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi người dân.
Nhìn lại lịch sử của Phong trào, chúng ta thấy sự đóng góp của Phong trào vào việc giải quyết các vấn đề trọng đại của thế giới là to lớn và nói chung là tích cực.
Trong Chiến tranh Lạnh, Phong trào đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đòi giải trừ quân bị và thành lập khu vực hòa bình và phi hạt nhân.
Sau Chiến tranh lạnh, Phong trào, trong thời kỳ đầu, đã có những khó khăn nhất định trong việc xác định lại mục tiêu cho hoạt động của mình khi thế giới không còn hai cực. Tuy nhiên, Phong trào dần xác định được phương hướng của mình, bởi những lý do sau:
Một là, do mục tiêu phấn đấu và những nguyên tắc chỉ đạo của NAM là phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân các nước trong Phong trào, phù hợp lý tưởng của loài người tiến bộ.
Hai là, hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế đã trở thành xu thế lớn trong thời đại toàn cầu hoá. NAM là tổ chức hợp tác quốc tế lớn, đương nhiên cần tồn tại và phát triển.
Ba là, do ngày càng có nhiều hơn những nguy cơ, thách thức đối với thế giới nói chung, NAM nói riêng, và cụ thể đối với những mục tiêu và nguyên tắc chỉ đạo của NAM.
Tình hình hiện nay cho thấy các nước đang phát triển tiếp tục đứng trước nguy cơ can thiệp và áp đặt có hại cho độc lập chủ quyền và quyền lợi của mình. Do vậy các nước này tiếp tục có nhu cầu tham gia vào Phong trào để có một diễn đàn phối hợp với nhau, góp phần bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và phát triển của mình, chống sự áp đặt của các nước lớn và chống sự bất bình đẳng trong quan hệ Bắc-Nam, để phối hợp lập trường chung tại Liên hiệp quốc và các diễn đàn quốc tế khác.
Trong bối cảnh đó, NAM tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu là một tập hợp lực lượng chính trị hùng hậu, là diễn đàn quan trọng để các nước Không Liên kết đang phát triển hình thành tiếng nói chung đối với các vấn đề toàn cầu quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển.
Đến nay, Phong trào Không Liên kết đã tiến hành 18 hội nghị thượng đỉnh. Những năm gần đây, qua nội dung các hội nghị thượng đỉnh, các hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao cũng như hoạt động của Phong trào thông qua Ủy ban phối hợp, có thể thấy, Phong trào Không Liên kết không chỉ tập trung vào những tôn chỉ, mục tiêu, nguyên tắc ban đầu, mà còn nỗ lực tìm kiếm những phương sách để vừa tận dụng những cơ hội do toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đem lại, vừa đối phó với những thách thức đặt ra trong từng thời điểm.
Trước những mặt trái của toàn cầu hóa, các nước Phong trào Không Liên kết chú trọng đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Việt Nam tham gia tích cực trong Phong trào Không Liên kết
Việt Nam chính thức tham gia NAM vào ngày 26/8/1976; nhưng trên thực tiễn, Việt Nam đã sớm gắn bó và đóng góp vào những mục tiêu và quá trình hình thành Phong trào Không Liên kết.
Năm 1955, Việt Nam tham dự Hội nghị Á-Phi ở Bandung (Indonesia) - hội nghị được nhiều người xem như là tiền thân của Phong trào Không Liên kết.
Tại Hội nghị, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản sau này trở thành các nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của Phong trào Không Liên kết (Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không xâm lược lẫn nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng và hai bên cùng có lợi; Cùng tồn tại hòa bình).
Từ năm 1970 đến năm 1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam làm quan sát viên (Hội nghị Georgetown, Guyana năm 1972), rồi làm thành viên Phong trào Không Liên kết (tại Hội nghị cấp cao 4 ở Algeria, năm 1973).
Năm 1976 tại Hội nghị cấp cao 5 (ở Colombo, Sri Lanca), nước Việt Nam thống nhất gia nhập Phong trào Không Liên kết.
Sau khi chính thức tham gia Phong trào Không Liên kết (26/8/1976), Việt Nam đã tích cực đóng góp vào những mục tiêu và quá trình hình thành Phong trào.
Việt Nam tham dự tất cả các Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, tăng cường đoàn kết, đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; tích cực tham gia các hoạt động và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các văn kiện của Hội nghị; đưa ra một số khuyến nghị cụ thể nâng cao vai trò của Phong trào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Việt Nam.
Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia của mình vào NAM, coi đó là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hoá, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế của mình.
Trong giai đoạn hiện nay, với các thách thức chung của toàn cầu là hòa bình, an ninh, phát triển trên thế giới, chủ nghĩa cường quyền, cạnh tranh giữa các nước lớn, cũng như các tác động chưa từng có mà đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam khuyến nghị Phong trào Không Liên kết cần củng cố và khẳng định tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua lịch sử hơn sáu thập kỷ hoạt động, coi đây là kim chỉ nam giúp chuyển “nguy” thành “cơ”, vượt qua thách thức.
Việt Nam kêu gọi các nước Không Liên kết tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trên tất cả các cấp độ và lĩnh vực; có chiến lược hiệu quả để thực hiện “mục tiêu kép” là kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; ủng hộ tăng cường chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và kiên trì thực hiện các cam kết đa phương then chốt.
Phong trào Không Liên kết cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong thúc đẩy thượng tôn pháp luật và dân chủ hóa quan hệ quốc tế, phản đối các hành vi chính trị cường quyền và thúc đẩy dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cấm vận đơn phương, hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc để duy trì một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định vai trò lịch sử của Phong trào Không liên kết trong công cuộc giải phóng dân tộc, chấm dứt chủ nghĩa thực dân cũ trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh.
Trong bối cảnh ngày nay, khi thế giới bị chia rẽ bởi cạnh tranh địa chính trị, chia rẽ và đối đầu, Thứ trưởng khẳng định Phong trào Không liên kết cần giữ vững các giá trị và nguyên tắc cơ bản của mình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; cùng với đó, phong trào phải kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện của chính trị cường quyền, các hình thức cưỡng ép đơn phương đối với các nước thành viên Phong trào Không liên kết, đồng thời đoàn kết trong giải quyết các thách thức toàn cầu đan xen, đa chiều, cùng Nhóm G77 - tổ chức liên chính phủ lớn nhất của các nước đang phát triển, hoạt động chủ yếu trong khuôn khổ của Liên hợp quốc và các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc - thúc đẩy cải tổ hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu, triển khai kịp thời các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng các nước vừa và nhỏ như các thành viên Phong trào Không liên kết cần tự chủ trong chiến lược, chính sách đối ngoại, chính trị và kinh tế; khẳng định Việt Nam luôn thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ nhằm bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia và dân tộc./.
Q.Hoa t.h / TTXVN