q
Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh: TTXVN phát)
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia ngày 8/8, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28 đã ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó kêu gọi duy trì an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông, thúc đẩy đàm phán nhằm sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, và theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Hội nghị ghi nhận những tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về COC bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19 đầy thách thức, trong đó có việc nối lại đàm phán Văn bản Dự thảo Đàm phán Duy nhất (SDNT) dẫn đến một thỏa thuận tạm thời về Phần Mở đầu sau khi bị chậm trễ do đại dịch, và mong muốn sớm đúc kết một COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.
Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC và hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm.
Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm thúc đẩy sự tin cậy giữa các bên, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.
Hội nghị đã thảo luận về tình hình Biển Đông, trong đó một số đại biểu bày tỏ quan ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm việc thiệt hại cho môi trường biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Hội nghị tái khẳng định nhu cầu tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.
Ngoài ra, hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành mọi hoạt động của các bên tranh chấp và tất cả các quốc gia khác, trong đó có những hoạt động được đề cập trong DOC, có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng tại Biển Đông.
Bên cạnh đó, liên quan đến tình hình tại Myanmar, hội nghị hoan nghênh cam kết của Myanmar đối với Đồng thuận 5 điểm được thông qua tại Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN vào ngày 24/4 và chấp nhận thực thi kịp thời và đầy đủ thỏa thuận này, bao gồm chấm dứt ngay lập tức bạo lực ở Myanmar và tất cả các bên phải kiềm chế tối đa, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan nhằm bắt đầu tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân, cử Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN nhằm thúc đẩy quá trình đối thoại hòa giải, ASEAN cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Tổng thư ký ASEAN và với sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo ASEAN (Trung tâm AHA), cử Đặc phái viên và phái đoàn thăm Myanmar nhằm gặp gỡ tất cả các bên liên quan.
Hội nghị hoan nghênh việc bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei làm Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar.
Đặc phái viên Chủ tịch ASEAN sẽ bắt đầu công việc của mình tại Myanmar, bao gồm xây dựng lòng tin thông qua việc tiếp cận đầy đủ với tất cả các bên liên quan và công bố mốc thời gian rõ ràng về việc thực thi Đồng thuận 5 điểm trước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Hội nghị cũng hoan nghênh sự hỗ trợ liên tục từ các đối tác bên ngoài của ASEAN đối với các nỗ lực của khối trong việc thực hiện nhanh chóng và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm, trong đó chú ý ngay tới việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.
Tuyên bố Chủ tịch cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với giải pháp ngoại giao và đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.
Hội nghị đã ghi nhận những nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong việc nối lại đối thoại, hoan nghênh việc khôi phục các đường dây liên lạc liên Triều và cho rằng điều này sẽ góp phần cải thiện và phát triển hơn nữa quan hệ liên Triều.
Hội nghị hối thúc tất cả các bên liên quan tiếp tục hợp tác trên tinh thần xây dựng hướng tới thực thi hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc thực hiện đầy đủ và nhanh chóng Tuyên bố Panmunjom 2018 và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, Tuyên bố chung Singapore giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Hội nghị cũng hối thúc Triều Tiên thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn cũng như cam kết kiềm chế không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và bày tỏ sự khích lệ trước các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, can dự và hợp tác liên Triều nhằm khôi phục quan hệ liên Triều và thúc đẩy quan hệ Mỹ-Triều.
Hội nghị nhắc lại cam kết thực hiện đầy đủ tất cả các Nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và sự cần thiết thúc đẩy bầu không khí có lợi cho đối thoại hòa bình giữa các bên liên quan, trong đó có việc thông qua các nền tảng do ASEAN dẫn dắt như ARF.
Hội nghị cũng ghi nhận quan điểm của một số thành viên ARF về tầm quan trọng của việc giải quyết các mối quan ngại nhân đạo của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc giải quyết ngay lập tức vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
ARF bao gồm 27 thành viên có cùng mối quan tâm đến an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm 10 quốc gia thành viên của ASEAN; 10 nước đối tác, đối thoại của ASEAN (bao gồm Australia, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ), cùng với Triều Tiên, Mông Cổ, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Timor-Leste và một quan sát viên của ASEAN (Papua New Guinea).
Q.Hoa t.h / TTXVN