Chiến sỹ đảo Thuyền Chài C thuộc quần đảo Trường Sa đứng gác. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Cách đây đúng 5 năm, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết quan trọng bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này đưa ra, vốn bao phủ 80% diện tích Biển Đông.
Phán quyết của PCA là cơ sở pháp lý để khẳng định rằng yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là hoàn toàn vô căn cứ, trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Đây cũng là một dấu mốc quan trọng trong các nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò tối thượng của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Ngay thời điểm đó, cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh phán quyết của PCA. Tổng Thư ký Liên hợp quốc khi đó là Ban Ki-moon đã kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình và hòa giải thông qua đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Mỹ tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Hội đồng châu Âu (EC) kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hệ thống quốc tế, nhấn mạnh "trật tự quốc tế dựa trên quy định" sẽ đáp ứng được lợi ích chung và cần phải được bảo vệ.
Philippines khẳng định tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt này, coi đây như một đóng góp quan trọng vào các nỗ lực nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Năm năm sau, tầm quan trọng của phán quyết nói riêng và của UNCLOS 1982 nói chung trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông vẫn được cộng đồng quốc tế khẳng định.
Trong tuyên bố ngày 12/7, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh "phán quyết của Tòa Trọng tài là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan tới tranh chấp dựa trên các điều khoản của UNCLOS 1982."
Theo Bộ trưởng Motegi, tất cả các yêu sách ở Biển Đông cần phải dựa trên các điều khoản liên quan của UNCLOS, đồng thời khẳng định lại sự phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/7, cũng nhắc lại quan điểm của Washington coi tất cả các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bên ngoài vùng biển được quốc tế công nhận là bất hợp pháp.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ lưu ý rằng UNCLOS đã đề ra khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, đồng thời khẳng định trật tự hàng hải dựa trên luật lệ mang lại lợi ích cho tất cả các nước trên thế giới.
Bộ Ngoại giao Canada cũng tái khẳng định rằng "phán quyết của PCA là dấu mốc ý nghĩa và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông,” đồng thời nêu rõ tất cả các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này.
Canada tuyên bố “ủng hộ các quyền thương mại, hàng hải và hàng không cũng như các quyền chủ quyền và tài phán của các nước ven Biển Đông, được thực hiện theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trước đó, tại cuộc tham vấn chính trị và an ninh cấp bộ trưởng Đức-Australia lần thứ hai diễn ra hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer và người đồng cấp Australia Peter Dutton cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nêu bật vai trò trung tâm của UNCLOS trong giải quyết các vấn đề liên quan.
Theo các bộ trưởng, phán quyết năm 2016 của PCA liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc đối với tất cả các bên.
Trang mạng Theinsnews.com (Malaysia) ngày 11/7 nhấn mạnh sự ra đời của UNCLOS 1982 chính là quá trình xây dựng trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp, trong đó công ước là văn bản pháp lý quan trọng để xác định các vấn đề liên quan tới chủ quyền, lãnh hải và quyền, nghĩa vụ của một quốc gia hàng hải. Đây là cơ sở pháp lý để các quốc gia ven biển hoạch định chính sách biển và xây dựng các văn bản pháp luật tương ứng.
Từ châu Âu, Tiến sỹ Alexander Korolev và Tiến sỹ Irina Strelnikova thuộc Trường Kinh tế cao cấp (Nga), trong bài viết “5 năm phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông: Nơi giao thoa của địa chính trị và luật pháp quốc tế,” khẳng định rằng phán quyết của PCA đã trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và luật pháp quốc tế có vai trò tối thượng trong giải quyết các tranh chấp này.
Các tác giả nhấn mạnh UNCLOS 1982 có tính ràng buộc pháp lý cao nhất đối với tất cả các bên ký kết, cũng như vai trò của phán quyết mà Tòa trọng tài đã đưa ra 5 năm trước.
Chuyên gia Sergei Tolstov, Giám đốc Viện Phân tích chính trị và nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Kiev (Ukraine), đánh giá cao ý nghĩa phán quyết của PCA và luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời nêu bật nghĩa vụ của các bên trong việc tuân thủ UNCLOS và phán quyết của PCA.
Chuyên gia Ukraina cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, bước đi tích cực là việc các bên có thể thảo luận để tiến tới ký Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), theo đó coi trọng đảm bảo tự do hàng hải.
Các chuyên gia tham dự hội thảo lần thứ tư về Biển Đông do Viện Á-Phi thuộc Đại học Hamburg của Đức tổ chức hồi đầu tháng 7/2021 cũng đề cao UNCLOS 1982 và phán quyết của PCA trong các nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Giáo sư Thomas Engelbert thuộc Đại học Hamburg cho rằng cộng đồng quốc tế luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và phản đối mạnh mẽ những hành động vi phạm UNCLOS 1982 cũng như không tuân thủ phán quyết của PCA.
Giáo sư Suzette Suarez của Đại học Khoa học ứng dụng Bremen nêu rõ, theo luật pháp quốc tế và phán quyết của PCA, yêu sách “đường 9 đoạn” cũng như các yêu sách chủ quyền khác mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp liên quan tới việc Trung Quốc liên tiếp có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, như tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn và kéo dài, thông qua Luật cảnh sát biển (Luật hải cảnh) có hiệu lực từ ngày 1/2/2021, đưa hơn 200 tàu hoạt động tại cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam..., cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại và liên tục kêu gọi các bên tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Tại Hội nghị lần thứ 31 các quốc gia thành viên UNCLOS, diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) cuối tháng 6 vừa qua, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, nêu rõ Biển Đông là tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải tại Biển Đông có ý nghĩa thiết yếu với hòa bình, phát triển của khu vực và quốc tế.
Đại sứ tái khẳng định quan điểm của Việt Nam rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Ngày 12/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết cuối cùng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).
Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Nhân dịp này, Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở Công ước./.
Q.Hoa t.h/TTXVN