Phát biểu tại Lễ bế mạc, Chủ tịch KAEM So Jinsu khẳng định, AK9 đã diễn ra thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả quan trọng nhằm thúc đẩy phong trào Quốc tế ngữ trong khu vực.
Chủ tịch KAEM một lần nữa cảm ơn lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị, các cơ quan hữu quan và thành phố Đà Nẵng đã nhiệt tình góp sức, hỗ trợ; Ban Tổ chức, và các tình nguyện viên đã vô cùng nỗ lực trong công tác chuẩn bị trước và trong Đại hội. Không thể phủ nhận rằng, sự kiện lần này đã giúp các đại biểu quốc tế thông qua Quốc tế ngữ hiểu hơn, thêm yêu đất nước, con người Việt Nam, là bước đà để xây dựng phong trào Quốc tế ngữ tại miền Trung cũng như trên toàn Việt Nam.
Ông So Jinsu thay mặt Ban Lãnh đạo KAEM công bố Hàn Quốc sẽ vinh dự trở thành nước chủ nhà của AK10 được tổ chức vào năm 2021. Chủ tịch VEA Nguyễn Văn Lợi đại diện nước chủ nhà AK9 lên trao cờ cho đại diện của nước chủ nhà AK10.
Sau 4 ngày hoạt động tích cực và hiệu quả, AK9 đã chính thức khép lại với những kết quả tốt đẹp, cùng nhìn lại một số mốc quan trong của sự kiện lần này.
Ngày 25/4, trong buổi Gặp gỡ báo chí trước thềm Đại hội, ông So Jin Su, Chủ tịch KAEM đã nhấn mạnh sự chuẩn bị chu đáo từ phía VEA cùng với sự hỗ trợ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cũng như những điều kiện thuận lợi từ phía thành phố Đà Nẵng là nhân tố quyết định khiến KAEM tin tưởng trao quyền đăng cai AK9 cho Đà Nẵng, Việt Nam.
Với chủ đề “Quốc tế ngữ và sự đa dạng văn hóa trong khu vực châu Á-châu Đại Dương”, Ban tổ chức cũng như KAEM hi vọng rằng thông qua Quốc tế ngữ và sự kiện lần này, các nhà QTN trong khu vực và các châu lục khác sẽ có cơ hội để tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống, con người của thành phố Đà Nẵng nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà QTN VN tìm hiểu các nét đẹp văn hóa do các đại biểu từ các quốc gia khác nhau mang đến trong những ngày diễn ra Đại hội sắp tới.
Ngày 26/4, phiên Khai mạc Đại hội được tổ chức long trọng tại Hội trường khách sạn Royal Lotus, Đà Nẵng với sự tham dự của bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Hồ Kỳ Minh, phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng cùng đại diện các sở, ban, ngành của địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin về Đại hội. Về phía quốc tế có đại diện của Hội Quốc tế ngữ toàn cầu, chủ tịch KAEM So Jinsu, tổ chức Thanh niên Quốc tế ngữ toàn cầu và khoảng 300 đại biểu đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại phiên Khai mạc, Chủ tịch KAEM So Jinsu bày tỏ sự cảm kích và biết ơn lãnh đạo của thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ, giúp đỡ Ban tổ chức trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội. Đây là tiền đề và là nhân tố quan trọng quyết định thành công của Đại hội lần này.
Ông Hồ Kỳ Minh và bà Nguyễn Phương Nga bày tỏ vinh dự khi Đà Nẵng, Việt Nam được chọn là thành phố đăng cai AK 9. Đây là cơ hội quý giá để Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung quảng bá hình ảnh văn hóa, con người nơi đây, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè Quốc tế, tạo động lực phát triển văn hóa, du lịch cho địa phương. Về phía hội QTN Việt Nam, đây cũng là một động lực để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực Quốc tế ngữ tại Đà Nẵng thông qua công tác đào tạo tình nguyện viên, tạo nền tảng phát triển phong trào QTN tại khu vực Nam-Trung Bộ.
Cũng trong sự kiện này, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương “vì Hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc” cho các nhà Quốc tế ngữ Việt Nam và quốc tế đã có công hiến trong việc quảng bá và thúc đẩy sự phát triển của Quốc tế ngữ trong khu vực châu Á, châu Đại Dương.
Trong khuôn khổ Đại hội, với mục tiêu tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trong khu vực cũng như giữa các châu lục khác nhau trên thế giới, nhiều phiên họp song song đã được tổ chức nhằm thông tin những đặc điểm văn hóa-xã hội nổi bật của các nước như: thuyết trình về Việt Nam, chương trình đêm Quốc gia, chương trình của các nhà QTN Nhật Bản về đạo Oomoto hay phiên thảo luận về tình hình phát triển phong trào Quốc tế ngữ tại các nước thành viên trong KAEM. Ngoài ra, nhiều chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật cũng được tổ chức như Tối làm quen, tối Quốc tế là cơ hội để các nhà QTN thể hiện các bài hát, điệu nhảy mang đậm màu sắc văn hóa của đất nước mình. Đại biểu tham dự rất ấn tượng và hài lòng với công tác điều phối, tổ chức cũng như nội dung của các chương trình trong đại hội lần này.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến các hoạt động bên lề của Đại hội gồm có các chương trình du lịch để đại biểu có cơ hội thăm quan các điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng; tổ chức thành công lễ trồng cây tại Công viên Thanh Niên Đà Nẵng…tạo nên những dấu ấn đặc biệt trong lòng các nhà Quốc tế ngữ về một kỳ Đại hội nhiều mầu sắc trên thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp.
N. Yến