Phát biểu tại Gặp gỡ, Chủ tịch VEA Nguyễn Văn Lợi cho biết, Đại hội Quốc tế ngữ Châu Á – Châu Đại Dương tổ chức 2 - 3 năm một lần, luân phiên tại các nước thành viên thông qua lựa chọn của Ban chấp hành KAEM. Việt Nam đã giành quyền đăng cai AK-9 trong Đại hội AK-8 tại Tuyền Châu, Trung Quốc. Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội QTN châu Á là vào năm 1999, tại Hà Nội. Sau đúng 20 năm, Việt Nam lại được bạn bè trong khu vực tin tưởng và giao trọng trách tổ chức Đại hội lần thứ 9 tại thành phố Đà Nẵng.
Chủ đề AK9 là “Esperanto kaj Kultura Diverseco en Azio –Oceanio” nghĩa là “Quốc tế ngữ và sự đa dạng văn hóa ở châu Á và châu Đại Dương”, hướng đến sự hòa nhập, hài hòa giữa các nền văn hóa trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện học hỏi và tìm hiểu. Lý tưởng của QTN là cầu nối cho hòa bình, hữu nghị trên toàn thế giới bằng cách dùng một ngôn ngữ để giao tiếp, kết nối và giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng. Thông qua đó, các dân tộc sẽ đồng cảm, thấu hiểu nhau hơn, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.
Với chủ đề và tư tưởng như trên, trong khuôn khổ Đại hội sẽ diễn ra các chương trình giới thiệu, trình bày về các đặc điểm văn hóa nổi bật của các nước trong khu vực, các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh đó không thể thiếu những buổi chia sẻ, thảo luận về tình hình phong trào QTN tại mỗi quốc gia nói riêng và trong khu vực nói chung.
Đà Nẵng được biết đến là một thành phố nổi tiếng về du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đây là một cơ hội vô cùng quý giá để quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nên song song với các chương trình báo cáo chuyên đề tại địa điểm diễn ra đại hội, sẽ có các tour du lịch tới các thắng cảnh nổi tiếng trong thành phố và các khu vực lân cận.
Ông Lợi hi vọng rằng AK9 sẽ không chỉ là động lực để thúc đẩy sự phát triển của phong trào QTN ở Việt Nam tại khu vực miền trung thông qua công tác quảng bá và đào tạo lớp trẻ, mà còn tạo được ấn tượng tốt đẹp về người dân Đà Nẵng nói riêng, về đất nước và con người Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế.
Chủ tịch KAEM So Jinsu cho biết, kỳ Đại hội lần thứ 9 này ghi nhận trên 270 lượt đại biểu từ 22 quốc gia khác nhau đăng ký tham dự.
Mỗi năm sẽ có một Đại hội Quốc tế ngữ (QTN) toàn cầu được tổ chức, các nước trên thế giới sẽ thay phiên nhau đăng cai sự kiện trọng đại này. Tính đến tháng 7 năm nay 2019, số lần các kỳ Đại hội này được tổ chức đã lên tới con số 104. Việt Nam cũng đã từng đăng cai tổ chức UK vào năm 2012 tại Hà Nội.
Theo ông So Jinsu, Esperanto là ngôn ngữ mà nhờ nó tất cả chúng ta sẽ được bình đẳng với nhau nhờ những thành tựu: Tính bản sắc mạnh mẽ, đại biểu từ 22 quốc gia khác nhau sử dụng cùng 1 ngôn ngữ trong AK, và cũng sử dụng ngôn ngữ đó trong UK với các nhà QTN từ 65 quốc gia khác nhau; Mạng lưới toàn cầu: Hội QTN toàn cầu có hơn 99 hội quốc gia thành viên trên khắp thế giới, có thể tìm thấy được những đại diện của Hội tại các thành phố lớn; Kỷ yếu và Pasporta Servo: Các nhà QTN có thể ở nhà của một nhà QTN khác một thời gian dài mà hoàn toàn miễn phí. “Bạn hãy thử tưởng tượng, tôi đã đến Việt Nam vào năm 1994 và đi khắp đất nước mà không biết chút tiếng Việt nào”; Hiện nay, có thể học Esperanto trên Duolingo, một trang mạng có khóa học ngôn ngữ miễn phí. Điều đó cho thấy Esperanto cũng có giá trị và được coi trọng như các ngôn ngữ mẹ đẻ khác.
Chủ tịch KAEM khẳng định, phong trào Quốc tế ngữ tại Việt Nam đang phát triển nhờ các yếu tố như Hội QTN Việt Nam có rất nhiều nhà QTN gắn bó với phong trào trong suốt 70 năm lịch sử phát triển của mình; Tổ chức Thanh niên QTN Việt Nam (VEJO) hoạt động tích cực…
AK9 được diễn ra từ ngày 25-28/4/2019 tại Đà Nẵng. Đại hội thu hút khoảng 300 đại biểu đến từ 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tham dự AK9, các đại biểu sẽ tham dự các phiên toàn thể, hội thảo chuyên đề, các hoạt động giới thiệu về giáo dục, nghiên cứu, hợp tác, hội chợ phong trào, giao lưu văn hóa nghệ thuật, cũng như trao đổi nghiên cứu hợp tác nhằm tìm ra những phương cách để cùng phát triển hơn nữa tiếng QTN, gắn kết các phong trào QTN trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Ủy ban phong trào Quốc tế ngữ châu Á được thành lập vào ngày 28/7/1994 tại Đại hội QTN Toàn cầu lần thứ 79 tại Seoul, Hàn Quốc nhằm mục đích gắn kết và phát triển phong trào QTN tại khu vực và được đổi tên thành Ủy ban phong trào Quốc tế ngữ châu Á - châu Đại Dương (KAEM) sau khi kết nạp thêm 2 thành viên là các Hội QTN Australia & New Zealand vào năm 2017. AK là sinh hoạt lớn nhất của phong trào Quốc tế ngữ châu Á – châu Đại Dương, được tổ chức ba năm một lần tại mỗi nước khác nhau, lần đầu tiên tại Thượng Hải, Trung Quốc năm 1996. Việt Nam đã tổ chức thành công AK2 tại Hà Nội vào năm 1999.
N. Yến