Tham dự Lễ Khai mạc, về phía Việt Nam có bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng; ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Việt Nam; đại diện một số cơ quan ở Trung ương và các Sở, Ban, ngành của thành phố Đà Nẵng cùng các Hội viên Hội Quốc tế ngữ Việt Nam.
Về phía quốc tế có ông Lee Jungkee, Ủy viên Ban chấp hành Hội Quốc tế ngữ thế giới, phụ trách phong trào châu Á; ông So Jinsu, Chủ tịch KAEM và khoảng 200 đại biểu là các nhà Quốc tế ngữ đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chào mừng các đại biểu đến tham dự Đại hội và khẳng định, đây là niềm vinh dự lớn đối với thành phố Đà Nẵng khi được Đảng, Nhà nước Việt Nam và bạn bè quốc tế tin tưởng, giao cho trọng trách tổ chức sự kiện quốc tế quan trọng và đầy ý nghĩa này.
Ông Minh chia sẻ, Quốc tế ngữ (Esperanto) đã được bác sỹ nhãn khoa LudwikLejzer Zamenhof, người Ba Lan sáng tạo ra và công bố năm 1887. Đây là ngôn ngữ được tạo ra cho giao tiếp quốc tế, mang tính trung lập, thiện chí, bình đẳng, là ngôn ngữ của hòa bình và hữu nghị, tạo nên tiếng nói chung cho nhân dân các nước và không bị chi phối bởi sự khác biệt của bất cứ nền văn hóa nào. Sau 132 năm hình thành và phát triển, Quốc tế ngữ đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa, Quốc tế ngữ đang đứng trước nhiều cơ hội được phổ biến ngày càng rộng rãi hơn.
Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng Quốc tế ngữ khá sớm. Từ năm 1907, Quốc tế ngữ đã được sử dụng tại Đông Dương, với Việt Nam là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế trong khu vực và sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, Đài Tiếng nói Việt Nam hàng ngày đã phát sóng những bản tin Quốc tế ngữ đi khắp thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện tại Quốc tế ngữ đã trở thành một bộ phận trong đời sống văn hóa của các thế hệ Việt Nam với rất nhiều tài liệu, hệ thống sách tư liệu và từ điển bài bản. Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội Quốc tế ngữ châu Á lần thứ 2 vào năm 1999 và Đại hội Quốc tế ngữ toàn cầu lần thứ 97 (UK-97) vào năm 2012. Tại Đà Nẵng, cũng có một số người đã biết đến Quốc tế ngữ. Nhân dịp Đại hội này, Đà Nẵng đã phối hợp với Hội Quốc tế ngữ Việt Nam tổ chức 01 lớp quốc tế ngữ tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng cho các em sinh viên tình nguyện tham gia phục vụ Đại hội.
Phó Chủ tịch Đà Nẵng bày tỏ hy vọng, Đại hội Quốc tế ngữ châu Á và châu Đại Dương lần thứ 9 sẽ là một cú hích cho phong trào học và sử dụng Quốc tế ngữ tại châu Á và châu Đại Dương nói chung, tại Việt Nam và thành phố Đà Nẵng nói riêng; đồng thời bày tỏ tin tưởng Phong trào Quốc tế ngữ châu Á và châu Đại Dương sẽ không ngừng lớn mạnh trong tương lai, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác của nhân dân các nước trong khu vực.
Thay mặt lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Nguyễn Phương Nga nhiệt liệt chào mừng các nhà Quốc tế ngữ (QTN) từ các nước trên thế giới đến Việt Nam tham dự Đại hội Quốc tế ngữ châu Á và châu Đại Dương lần thứ 9; đồng thời bày tỏ cảm ơn các vị lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Đà Nẵng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng, các sở, ban, ngành, Trường Đại học Đà Nẵng đã phối hợp, giúp đỡ tổ chức sự kiện rất quan trọng này.
Chủ tịch Nguyễn Phương Nga cho biết, với hơn 100 năm lịch sử, phong trào QTN đã phát triển trên toàn thế giới và đã chứng tỏ được sức sống kỳ diệu của mình và đã có những đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc, hòa bình và phát triển trên thế giới.
Việt Nam và QTN có sự gắn bó rất đặc biệt. Phong trào QTN thế giới đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Việt Nam luôn ghi nhớ hình ảnh hai nhà QTN người Mỹ Alice Herz và người Nhật Jui Cunosin tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Ngay trong số các đại biểu ở đây hôm nay, cũng có nhiều nhà QTN đã dành tình cảm đặc biệt và sự giúp đỡ quý báu cho Việt Nam nói chung và phong trào QTN Việt Nam nói riêng.
Phong trào QTN Việt Nam rất vinh dự vì được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng (Người học QTN từ rất sớm, năm 1914 tại Luân-đôn khi Người đang tìm đường cứu nước). Trong hơn 60 năm hình thành và phát triển (21/01/1957), cũng như từ khi trở thành thành viên chính thức của Liên hiệp Hữu nghị (1998), Hội QTN Việt Nam (tiền thân là Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình Việt Nam) đã rất tích cực trong việc phổ biến tiếng QTN đến các thế hệ trẻ Việt Nam, vận động các thành viên phong trào QTN ủng hộ Việt Nam và tham gia tích cực vào việc quảng bá, giới thiệu văn hóa, lịch sử của Việt Nam với cộng đồng QTN thế giới nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung. Liên hiệp Hữu nghị ghi nhận những đóng góp của Hội QTN Việt Nam và sẵn sàng tạo điều kiện để Hội đạt được những thành tựu to lớn hơn, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của QTN.
Bà Nga bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng, Đại hội lần này sẽ là một dấu mốc mới quan trọng trong sự phát triển của QTN, góp phần gắn kết các phong trào QTN trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Chủ tịch KAEM So Jinso chia sẻ, sau Đại hội Quốc tế ngữ châu Á lần thứ 8 diễn ra tại Quảng Châu – Trung Quốc, Ủy ban phong trào Quốc tế ngữ châu Á đã lớn mạnh và phát triển thành Ủy ban phong trào Quốc tế ngữ châu Á - châu Đại Dương. Và sau Đại hội lần thứ 9 diễn ra tại Đà Nẵng, sẽ là Đại hội lần thứ 10 sau 3 năm nữa. Chính vì sự hợp tác và thấu hiểu của các thành viên, Quốc tế ngữ mới có những bước phát triển như vậy.
Chủ đề của Đại hội năm nay là “Quốc tế ngữ và sự đa dạng văn hóa của châu Á - châu Đại Dương” cho thấy, Quốc tế ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho mọi người hiểu hơn về sự đa dạng văn hóa trên thế giới và tôn trọng những giá trị của các nền văn hóa đó.
Các nhà Quốc tế ngữ châu Á và châu Đại Dương đã tổ chức rất nhiều sự kiện trong và ngoài nước hàng năm, ví dụ lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập hội của Hội Quốc tế ngữ Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2019 và 2020. Các nhà Quốc tế ngữ cũng đã từng nhiều lần gặp nhau tại Bandung, Bengalore, Busan, Trùng Khánh, Kameoka, Tel Aviv, thậm chí là tại dãy Himalaya… Sắp tới có thể là các cuộc gặp mặt tại Sidney và Wellington nhờ vào sự gắn kết giữa châu Á và châu Đại Dương.
Dịp này, Chủ tịch KAEM gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng, UBND Thành phố Đà Nẵng, Ban tổ chức Đại hội Quốc tế ngữ châu Á và châu Đại Dương lần thứ 9 đã nhiệt tình giúp đỡ và cùng chung tay tổ chức Đại hội.
Tại Đại hội, nhằm tri ân và ghi nhận những tình cảm của phong trào Quốc tế ngữ châu Á- châu Đại Dương và các nhà Quốc tế ngữ, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga đã trao tặng Bằng khen cho Ủy ban phong trào QTN châu Á – châu Đại Dương và Kỷ niệm chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc” cho 5 cá nhân.
N.Yến