Tham dự buổi lễ có bà Men Sam An, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam; ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia; ông Nguyễn Văn Kiền, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Trần Minh Thông, Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang; ông Lê Văn Thi, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, ông Lê Van Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành khác của tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Thi đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu Campuchia và Việt Nam tham dự cuộc Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia lần thứ III. Ông khẳng định, là tỉnh tiếp giáp trực tiếp với Campuchia, tỉnh Kiên Giang hết sức coi trọng mối quan hệ giao lưu hợp tác với các tỉnh của Campuchia. Đối với quan hệ của hai Nhà nước, ông nhận định, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia là tài sản vô giá của hai dân tộc, là nhân tố quyết định thắng lợi cho sự nghiệp phát triển đất nước của hai quốc gia. Vì vậy, tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường mối quan hệ này là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và của mỗi người dân hai nước Việt Nam và Campuchia.
Đánh giá cao kết quả của hoạt động, bà Men Sam An khẳng định, Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia lần thứ III đã thành công tốt đẹp. Hoạt động này sẽ giúp cho hai nước ngày càng thân thiết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là về thương mại, đầu tư, du lịch và trao đổi văn hóa.
Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam đã thay mặt các đại biểu nhân dân Campuchia bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ đất nước Campuchia không chỉ trong quá khứ chống lại quân Khơ me đỏ, giành độc lập cho dân tộc mà còn là những sự trợ giúp trên nhiều phương diện: y tế, giáo dục, kinh tế, nhân đạo…cho đất nước và nhân dân Campuchia trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện tại.
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Men Sam An đã nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của hai Thủ tướng, hai nước Việt Nam và Campuchia cần phải tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác từ cấp trung ương đến địa phương. Sắp tới hai nước cần phải tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để tăng cường quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có của Việt Nam và Campuchia.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia Vũ Mão cũng đã khẳng định sự thành công tốt đẹp của Gặp gỡ lần này. Ông chia sẻ, tại cuộc gặp gỡ, đại biểu nhân dân hai nước đã giao lưu, cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm hay trong việc triển khai các hoạt động hữu nghị tại địa phương, đơn vị mình đồng thời đề xuất những biện pháp nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia, đưa mối quan hệ này phát triển lên một tầm cao mới.
Trong khuôn khổ cuộc Gặp gỡ lần này, đoàn đại biểu nhân dân hai nước đã tham dự nhiều hoạt động ý nghĩa như Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các tổ chức hữu nghị nhân dân hai nước. Qua đó mỗi tổ chức hội, mỗi đại biểu đều học hỏi được những kinh nghiệm hay của các đối tác bạn.
Đặc biệt, cuộc Gặp gỡ lần này được diễn ra tại hai tỉnh có nhiều ý nghĩa trong quan hệ Việt Nam – Campuchia. Tại Đồng Nai, các đại biểu hai nước đã đi thăm Khu di tích lịch sử đoàn 125 Campuchia tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai – tiền thân của các lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia do thủ tướng Hun Sen thành lập. Tại Kiên Giang - tỉnh có biên giới trên bộ và trên biển với Campuchia - đoàn đại biểu đã đến thăm tháp 4 vị sư hi sinh trong cuộc biểu tình chống bắt sư sãi đi lính của chế độ Mỹ ngụy vào năm 1974 và thăm trường nội trú của tỉnh - nơi có 29 du học sinh Campuchia đang theo học tiếng Việt.
Sáng 6/8, trước khi tiễn các bạn Campuchia về nước, các đại biểu đến thăm cột mốc biên giới 314 đặt tại xã Mỹ Đức, tỉnh Kiên Giang và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch, tỉnh Kompot. Chuyến thăm cột mốc 314 thể hiện sự quyết tâm của nhân dân hai nước cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
N. Yến